Nhóm giải pháp phát triển kinh tế hộ gia đình

Một phần của tài liệu Gia đình với việc hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ em ở ngoại thành Hà Nội hiện nay (Trang 99)

Ở ngoại thành Hà Nội, cụ thể là 4 huyện Từ Liêm, Phúc Thọ, Hoài Đức, Sơn Tây vấn đề kinh tế chưa phải là vấn đề bức xúc nhất nhưng tỷ lệ hộ

nghèo vẫn còn, nguyên nhân trẻ em hư, nghiện ngập cũng có nguồn gốc từ kinh tế. Chức năng kinh tế cuốn hút nhiều gia đình khiến cho họ không có thời gian để quan tâm, giáo dục con cái, do vậy để phát huy vai trò của gia đình trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ cần phải quan tâm đến phát triển kinh tế.

Hiện nay đất nước đang trong quá trình CNH, HĐH với những thành tựu khoa học tiên tiến luôn biến động, phát triển, tiếp xúc với nền văn minh thế giới hậu công nghiệp, gia đình ngoại thành Hà Nội nói chung và 4 huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây nói riêng còn nhiều hạn chế khi đại bộ phận người dân còn chịu ảnh hưởng của nền văn minh nông nghiệp lạc hậu, trên nhất là đối với các gia đình ở nông thôn. Do kinh tế kém phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thấp, nhận thức còn hạn chế. Vì vậy trong giai đoạn hiện nay để phát huy vai trò của gia đình trong việc hình thành nhân cách cho trẻ em đòi hỏi các huyện cần phải có chính sách cụ thể để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Phát triển kinh tế nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần, làm cơ sở cho việc thực hiện tốt chức năng giáo dục của gia đình ngoại thành Hà Nội. Chỉ có phát triển kinh tế gia đình mới có thể giúp các gia đình nâng cao đời sống vật chất tinh thần, các bậc cha mẹ có điều kiện tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, từ đó nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt trong xã hội, giúp trang bị cho gia đình những kiến thức cơ bản trong xây dựng gia đình văn hóa hạnh phúc, trẻ em phát triển lành mạnh trên mọi phương diện.

Công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là con đường duy nhất đúng để phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn giải quyết vấn đề lao động việc làm cho nông dân, nâng cao đời sống văn hóa vật chất cho các gia đình nông dân. Quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn một mặt sẽ thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lực lao động ở nông thôn, tạo điều kiện cho

người nghèo, gia đình nghèo có việc làm và tăng thu nhập, là điều kiện để tạo lập công bằng xã hội. Mặt khác đa số dân ngoại thành Hà Nội sinh sống ở nông thôn, trong đó tình trạng nghèo vẫn là phổ biến, bởi vậy nếu thực hiện tốt chương trình này, sẽ có tác động đến tuyệt đại dân cư, tạo nên tính tích cực chính trị - xã hội cho họ, đồng thời tạo cơ hội cho đa số các gia đình có điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng con em mình. Điều kiện vật chất được nâng lên các bậc cha mẹ quan tâm nhiều hơn tốt hơn đến việc học tập của con cái, đầu tư các phương tiện và đồ dùng học tập đầy đủ hơn, con trẻ được ăn ngon mặc đẹp, được vui chơi giải trí, trẻ có điều kiện phát triển nhanh hơn về các mặt, nhất là phát triển nhân cách toàn diện hơn. Để đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn hiện nay cần phải:

Thứ nhất: Các cấp, các ngành của Thành phố của huyện cần phải nghiên

cứu để có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng đắn, hiệu quả ở nông nghiệp nông thôn theo hướng CNH, HĐH đa dạng và phù hợp với những tiềm năng và lợi thế, nắm bắt tình hình các hộ gia đình theo những đặc điểm về nghề nghiệp, việc làm lao động, thu nhập nhằm có những giải pháp thiết thực và cụ thể đối với từng loại gia đình. Thay đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vật nuôi, cây trồng, thực hiện mô hình ba vụ cho năng suất cao, nhân rộng mô hình V-A-C, khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống như: Làng nghề may truyền thống Cổ Nhuế (Từ Liêm), làng nghề chế biến lương thực thực phẩm (Hoài Đức), làng nghề chế biến nông sản thực phẩm (Phúc Thọ), nghề may đo nổi tiếng ở thị xã Sơn Tây,... thực hiện các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, mở rộng thị trường, trên cơ sở đó từng bước nâng cao thu nhập gia đình. Bên cạnh những đòn bẩy trực tiếp về vốn, kỹ thuật, lao động, cần có những giải pháp lồng ghép các chương trình chống đói nghèo cho các gia đình với những giải pháp đồng bộ. Chẳng hạn như chương trình xóa đói giảm nghèo gắn liền với các chương trình về lao động việc làm, đào tạo nguồn nhân lực. Phát triển kinh tế gắn với kế hoạch hóa gia đình, chống tệ nạn xã hội, nâng cao thu nhập gắn với giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, sản xuất kinh doanh.

Thứ hai: Các gia đình, các ban ngành của các huyện phải cùng nhau thực

hiện tốt các chương trình, chính sách như: chính sách trợ giá, cho nhân dân nghèo vay vốn với lãi thấp, đầu tư đồng bộ và có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn về những vấn đề như: giao thông vận tải, điện, y tế, trường học, văn hóa, thể dục, thể thao...) và hệ thống công nghiệp nông thôn vừa và nhỏ. Đối với một số xã nghèo như Vân Nam, Tam Thuấn (Phúc Thọ), cần có chính sách trợ giá, cho dân nghèo vay vốn với lãi suất thấp, huyện cần đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm phát triển thêm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động, nhất là lao động nữ. Các huyện Từ Liêm, thị xã Sơn Tây cần tập trung vào chiến lược phát triển hạ tầng một cách đồng bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, có chính sách ổn định đầu tư để phát triển đô thị một cách bền vững. Cấp ủy Đảng huyện Hoài Đức nên chú trọng vào chiến lược phát triển làng nghề truyền thống gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, giao thông đầu mối, bảo vệ môi trường, nâng cao trình độ dân trí cho các gia đình, đặc biệt là các bậc cha mẹ.

Phối hợp các ngành liên quan thực hiện lồng ghép mục tiêu chương trình hành động về công tác gia đình với thực hiện chủ trương chính sách phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững. Hội Phụ nữ của từng huyện, xã cần có những việc làm thiết thực mang lại hiệu quả cao như: tuyên truyền đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế như chuyển giao kỹ thuật, nhằm xóa đói giảm nghèo một cách bề vững trên cơ sở phát huy nội lực, tập trung giúp đỡ hộ nghèo đói do phụ nữ làm chủ hộ, mở rộng các hình thức giúp đỡ nhau làm kinh tế, liên kết với các trường để mở rộng việc đào tạo nghề cho chị em phụ nữ, tạo điều kiện cho chị em có điều kiện tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình.

Thứ ba: Đổi mới cách tổ chức - quản lý sản xuất kinh doanh, từng bước xây dựng mạng lưới và hình thức thông tin đại chúng kịp thời thiết thực và

ngày càng hiện đại về nông thôn, gia đình nông thôn. Trong chuyển dịch cơ cấu lao động phải coi trọng ngay trong quy mô hộ gia đình, áp dụng thời gian lao động linh hoạt để người phụ nữ vừa làm việc vừa có điều kiện chăm sóc con cái, phục vụ gia đình. Khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển góp phần giải quyết một bộ phận lao động nông nhàn ở nông thôn. Có chính sách, cơ chế bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng hạ tầng cơ sở cho các xã nghèo, nâng cấp cải tạo trục tuyến giao thông.

Thực hiện tốt những giải pháp này, một mặt sẽ thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lực lao động ở nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo, gia đình nghèo có việc làm và tăng thu nhập, là điều kiện để tạo lập công bằng xã hội. Mặt khác đa số dân ngoại thành Hà Nội sinh sống ở nông thôn, trong đó tình trạng nghèo vẫn là phổ biến, bởi vậy nếu thực hiện tốt những giải pháp này, sẽ có tác động đến tuyệt đại dân cư, tạo nên tính tích cực chính trị - xã hội cho họ, đồng thời tạo cơ hội cho đa số các gia đình có điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng con em mình. Điều kiện vật chất được nâng lên các bậc cha mẹ quan tâm nhiều hơn tốt hơn đến việc học tập của con cái, đầu tư các phương tiện và đồ dùng học tập đầy đủ hơn, con trẻ được ăn ngon mặc đẹp, được vui chơi giải trí, trẻ có điều kiện phát triển nhanh hơn về các mặt, nhất là phát triển nhân cách toàn diện hơn.

Một phần của tài liệu Gia đình với việc hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ em ở ngoại thành Hà Nội hiện nay (Trang 99)