Thực trạng vai trò của ông bà trong việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em ở ngoại thành Hà Nộ

Một phần của tài liệu Gia đình với việc hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ em ở ngoại thành Hà Nội hiện nay (Trang 64 - 69)

2.2.2.1. Hình thành, phát triển phẩm chất (đạo đức) cho trẻ em

Ở ngoại thành Hà Nội Hiện nay, ông bà có vai trò quan trọng trong việc hình thành phẩm chất đạo đức cho trẻ em. Ông bà thường dành nhiều thời gian gần gũi trẻ trong nhiều hoạt động hơn bố mẹ và sẵn sàng nói chuyện với cháu về bất kỳ vấn đề mà trẻ thường gặp phải. Họ cũng thường giúp trẻ giải quyết các vấn đề riêng cũng như nói chuyện về các kế hoạch tương lai của trẻ. Ông bà dạy các cháu những đạo lý dân tộc như nhớ về cội nguồn, nhớ về quê

hương đất nước. Phải gìn giữ bản sắc dân tộc, truyền thống cùng với phong tục tập quán văn minh, biết ơn tiên tổ, biết ơn ông bà cha mẹ, anh em. Ông bà thường dạy dỗ các cháu ngoan ngoãn, lễ phép với người trên hòa nhã với bạn bè, quản lý các cháu vui chơi giải trí.

Ông bà ở ngoại thành Hà Nội còn dạy các cháu lẽ sống của người Việt Nam từ khi lớn lên tới khi nhắm mắt xuôi tay là mang một trách nhiệm đối với những người xung quanh, với gia đình, họ hàng. Phát huy truyền thống gia đình và dòng họ đối với mỗi người Việt Nam trong lịch sử và hiện nay luôn là nhu cầu tinh thần chính đáng, vừa là biểu hiện của đạo lý uống nước nhớ nguồn, vừa có tác dụng giáo dục trẻ nối tiếp làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp. Vì vậy có thể khẳng định ông bà ngoại thành Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc hình thành những phẩm chất cho trẻ. Theo điều tra thực tế của chúng tôi ở 4 huyện ngoại thành, cho thấy lối sống của ông bà ảnh hưởng lớn tới nhân cách của các cháu (bảng 2.4)

Bảng 2.4. Lối sống của ông bà ảnh hưởng tới con cháu của gia đình các huyện ngoại thành Hà Nội theo vùng điều tra

Đơn vị tính: %

Mức độ Từ Liêm Hoài Đức Phúc Thọ Sơn Tây Thị xã

Ảnh hưởng rất nhiều 20 22 26 21

Ảnh hưởng nhiều 41 45 47 42

Ảnh hưởng không nhiều 25 21 17 25

Không ảnh hưởng 14 11 10 12

(Nguồn: Điều tra về lối sống của ông bà ảnh hưởng tới con cháu của gia đình các huyện Phúc Thọ, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây, Từ Liêm tháng 6/2013).

Như vậy có thể thấy với những huyện như Phúc Thọ thì lối sống của ông bà có ảnh hưởng rất lớn tới con cháu (47%), vì ở địa bàn này đa số con cháu sinh sống chung với ông bà; còn ở huyện Từ Liêm, mức độ ảnh hưởng ít nhất vì đây là địa bàn nằm sát thủ đô, gia đình hạt nhân đang chiếm ưu thế, ông bà thường sống riêng nhà với con cháu, vì vậy ông bà ảnh hưởng ở mức (41%).

Hiện nay, ở ngoại thành Hà Nội, trong một số gia đình, vai trò của ông bà với các cháu lại phụ thuộc vào mối quan hệ của cha mẹ chúng với ông bà. Nếu ý kiến của ông bà không được coi trọng trong gia đình thì vai trò của ông bà trong việc hình thành những phẩm chất cho trẻ cũng không được đề cao. Qua tiếp xúc và trao đổi với một số người già về vai trò của ông bà đối với con cháu ở một số huyên ngoại thành như Từ Liêm, Hoài Đức, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây được biết đa số ý kiến cho rằng vai trò của ông bà còn phụ thuộc vào sự mẫu mực của bố mẹ các cháu. Vì vậy, sự giáo dục của ông bà đối với con cháu, một mặt là sự nêu gương, mặt khác thông qua cha mẹ chúng [76].

Mặt khác ở ngoại thành Hà Nội hiện nay, vẫn còn tình trạng một số ông bà gia trưởng, tư tưởng độc đoán, can thiệp quá mức đụng chạm đến lòng tự trọng của con cháu. Đó là một số ông bà vẫn còn mang nặng tư tưởng phong kiến như: coi con cái là “sở hữu” của ông bà, ông bà yêu cầu gì, ép buộc gì con cháu cũng phải răm rắp theo, không được bày tỏ ý kiến; quan niệm dạy con cháu là việc riêng của từng gia đình, không ai bên ngoài có quyền góp ý hay can thiệp, nhiều gia đình áp dụng phương pháp “yêu cho roi cho vọt” đối với con cháu, hà khắc với trẻ em gái vì cho rằng “con gái là con người ta”… Chính vì những quan niệm bảo thủ, phong kiến nặng nề này mà trong không ít gia đình, trẻ em đã phải chịu đựng bạo hành về thể xác và tinh thần, ý kiến của các em không được ông bà tôn trọng, danh dự bị xúc phạm.

Khi được hỏi, các em mong muốn được ông bà giáo dục theo hình thức nào thì có tới 76% số trẻ em ở 4 huyện: Hoài Đức, Từ Liêm, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây đều cho rằng các em luôn mong muốn được ông bà động viên, khen thưởng khi làm được việc tốt, nhắc nhở, phê bình đúng mực khi mắc khuyết điểm, cho cháu tự quyết định và làm một số công việc tự phục vụ nhu cầu của bản thân; tâm sự, chia sẻ với ông bà như một người bạn. Và có tới 90% số trẻ em được hỏi cho rằng các hình thức giáo dục trên rất quan trọng đối với các em và các em luôn mong muốn trong gia đình mình được giáo dục như vậy [76].

2.2.2.2. Hình thành và phát triển năng lực (tài) cho trẻ em

Ở khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn gần 70% ông bà tham gia lao động sản xuất, trợ giúp con cháu. Nhiều ông bà đang làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh; tiếp tục có những đóng góp, tăng thu nhập cho gia đình, nuôi dạy con cháu [89]. Trong phòng chống bạo lực gia đình, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội xâm nhập vào mái ấm gia đình, ông bà cũng có vai trò rất quan trọng. Với kinh nghiệm từng trải ông bà có bản lĩnh đấu tranh, phòng ngừa các tệ nạn xã hội, thấy rõ những hiểm họa khôn lường do các tệ nạn xã hội gây ra cho gia đình, xã hội, để giáo dục cho con cháu phòng, chống có hiệu quả; xây dựng mái ấm gia đình thành gia đình văn hóa, không tệ nạn xã hội, không bạo hành; thành môi trường an toàn, tốt đẹp nhất cho con cháu phát triển [89].

Ông bà ở ngoại thành Hà Nội nói chung và 4 huyện nói riêng là những người có kinh nghiệm nên có khả năng dạy bảo cháu rất tốt, nhiều ông bà hướng dẫn đôn đốc cháu học, thay cha mẹ bảo ban các cháu, hình thành cho trẻ những kỹ năng quan trọng trong cuộc sống. Nhiều ông bà còn dạy cháu những kỹ năng lao động, làm việc độc lập tự chủ, từ đó trẻ biết quý trọng lao động yêu quý bản thân, gia đình và những người xung quanh.

Trẻ ở ngoại thành còn được các ông bà dạy cho các kỹ năng như trồng cây, chăm sóc cho những con vật nuôi trong nhà, chăn trâu,cắt cỏ, rọn dẹp nhà cửa… Trẻ có điều kiện tiếp xúc với môi trường tự nhiên và có cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo của mình. Ông bà đọc báo đọc truyện cho trẻ nghe, mang lại những kiến thức về tự nhiên xã hội, giúp trẻ mở rộng vốn kiến thức trên các lĩnh vực.

Nhân cách trẻ em hình thành và phát triển trong hoạt động giao lưu, vì vậy nhiều ông bà ở ngoại thành Hà Nội đã cho trẻ tham gia vào những hình thức vui chơi, sinh hoạt tập thể, những hoạt động xã hội. Thông qua các hoạt động học tập,

vui chơi giao tiếp trẻ lĩnh hội được các giá trị văn hóa nắm được các tri thức, kỹ năng, hình thành thái độ và phát triển được những năng lực cần thiết. Cũng chính trong quá trình học tập và trong đời sống hàng ngày, trẻ em được tham gia vào các quan hệ xã hội đa dạng, từng bước hoàn thiện quá trình xã hội hóa nhân cách.

Tuy nhiên, ở một số huyện ngoại thành, việc hình thành nhân cách cho trẻ trong gia đình có mâu thuẫn về phương pháp và nội dung giáo dục. Ông bà thường giáo dục con cháu theo kinh nghiệm, thói quen vốn có của mình. Các bậc cha mẹ lại dạy con theo phương pháp mới, theo cách nhận thức trong xã hội mới, vì vậy giữa ông bà và bố mẹ có sự không thống nhất về nội dung và cách thức giáo dục. Vì vậy trẻ cũng không biết nhận như thế nào cho đúng. Hiệu quả giáo dục của gia đình không mang lại kết quả cho trẻ.

Trong những năm gần đây với sự phát triển khoa học công nghệ, quá trình hội nhập, đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều ông bà ở ngoại thành Hà Nội cảm thấy lúng túng trong việc tiếp cận với những tri thức mới như công nghệ thông tin, thậm chí không biết dạy con cháu mình như thế nào cho đúng vì vậy vai trò của ông bà trong việc hình thành nhân cách cho trẻ phần nào bị giảm sút. Nhiều ông bà cho rằng hiện nay mối quan hệ giữa ông bà và các cháu không được gần gũi như trước, lớp trẻ có công việc riêng, suy nghĩ riêng, bận rộn với công việc, thời gian để trò chuyện tâm sự với ông bà ít. Vì vậy ông bà không có điều kiện tiếp cận với con cháu, vai trò của ông bà với các cháu cũng hạn chế.

Bên cạnh đó còn có một bộ phận ông bà không quan tâm dạy dỗ các cháu, coi việc dạy dỗ là trách nhiệm của cha mẹ các cháu nên tỏ ra thờ ơ với các cháu, vì vậy trẻ thiếu tình thương và sự dạy bảo của ông bà. Mặc dù nguyện vọng của trẻ là được sự quan tâm giáo dục của ông bà nhưng kết quả nghiên cứu thực tiễn của chúng tôi ở 4 huyện: Từ Liêm, Hoài Đức, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây lại cho thấy, chỉ có 49% số trẻ em được hỏi cho rằng các em được hưởng những hình thức giáo dục tích cực này mà thôi. Có tới 51% [76] số trẻ được hỏi cho rằng, ông bà thường xuyên sử dụng các hình thức

giáo dục ít tích cực hơn trong quá trình dạy cháu ở gia đình như: không bao giờ trách phạt khi mắc lỗi, không bao giờ động viên, khen thưởng các em khi các em đạt được điểm tốt hay làm được công việc có ích, một số em còn được giáo dục theo cách “yêu cho roi, cho vọt.” ít có sự quan tâm giáo duc [76].

Một phần của tài liệu Gia đình với việc hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ em ở ngoại thành Hà Nội hiện nay (Trang 64 - 69)