Thực trạng vai trò của anh chị em trong việc hình thành, phát triển nhân cách cho trẻ em

Một phần của tài liệu Gia đình với việc hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ em ở ngoại thành Hà Nội hiện nay (Trang 69)

triển nhân cách cho trẻ em

2.2.3.1. Hình thành, phát triển phẩm chất (đạo đức) cho trẻ em

Trong số học sinh được nghiên cứu, có tới 86% số học sinh cho rằng các em học hỏi và tiếp nhận những kỹ năng sống; cách giao tiếp; cách ứng xử xã hội từ bố mẹ và các thành viên trong gia đình. 55% số học sinh được hỏi thì nói rằng bố mẹ, ông bà hay anh chị mình chính là biểu tượng, hình mẫu cho sự phấn đấu và hoàn thiện nhân cách của các em [59]. Chính vì vậy có thể khẳng định, anh chị cũng là người có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho các em.

Hiện nay ở ngoại thành Hà Nội vai trò của anh chị em trong gia đình đối với sự hình thành phát triển phẩm chất cho trẻ em vẫn được coi trọng. Anh chị có vai trò chỉ bảo dẫn dắt các em, có trách nhiệm yêu thương đùm bọc các em. Hướng dẫn các em từ cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, đối nhân xử thế với những người xung quanh. Anh chị em bổ sung, hỗ trợ cho nhau, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Những anh chị lớn là yếu tố thúc đẩy sự hòa nhập xã hội của em mình. Tuy nhiên những trẻ có cá tính cũng có thể ảnh hưởng ngược lại anh, chị chúng.

Như vậy có thể nói, vai trò của anh chị em trong việc hình thành phẩm chất đạo đức cho trẻ được diễn ra theo hai hướng: tích cực và tiêu cực, tùy thuộc vào nề nếp gia phong và sự gương mẫu của anh chị. Để phát triển nhân cách cho trẻ, anh chị phải là những người gương mẫu, biết yêu thương các em và có lối sống lành mạnh.

Số liệu điều tra của chúng tôi ở 4 huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây về quan hệ giữa anh chị em trong gia đình hiện nay cho thấy, có

10% ý kiến cho rằng tốt hơn trước nhiều, 49% cho rằng tốt hơn trước, 24% cho rằng quan hệ vẫn như cũ, 14% cho rằng kém hơn trước, và 3% cho rằng kém hơn trước nhiều, có 1% không trả lời câu hỏi. Như vậy đa số các ý kiến cho rằng quan hệ này vẫn như cũ hoặc tốt hơn, còn khoảng 14% số ý kiến quan niệm anh chị em không mặn mà như trước đây [76]. Mối quan hệ anh em có liên quan và ảnh hưởng lớn đến vai trò của anh chị đối với các em trong gia đình, 59% số ý kiến cho rằng quan hệ anh chị em là tốt hơn trước [76], điều đó khẳng định gia phong nề nếp của các gia đình ở ngoại thành Hà Nội vẫn được giữ gìn, mặt khác thể hiện vai trò của anh chị với các em vẫn được phát huy.

2.2.3.2. Hình thành, phát triển năng lực (tài) cho trẻ em

Ở ngoại thành Hà Nội, mối quan hệ anh chị em là mối quan hệ gắn bó mật thiết. Trong gia đình, các anh có năng lực (tài), đó là tiền đề cơ bản giúp các em phấn đấu vươn lên trong học tập. Từ việc chọn trường chọn lớp, nếu anh học tốt thì các em cũng sẽ noi theo để học tốt, nghề nghiệp mà anh chọn cũng giúp em xác định được hướng đi cho riêng mình. Nói tóm lại, sự gương mẫu của anh chị đem lại một hiệu quả giáo dục rất to lớn cho các em. Số liệu điều tra của chúng tôi ở một số huyện: Từ Liêm, Phúc Thọ, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây về mức độ ảnh hưởng của anh chị trong việc hình thành và phát triển năng lực ở trẻ em cho thấy có 20% ý kiến cho rằng có ảnh hưởng nhiều, 50% ý kiến cho rằng có ảnh hưởng, 30% ý kiến cho rằng không có ảnh hưởng. Như vậy có tới 70% ý kiến cho rằng anh chị có ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực cho trẻ [76]. Điều này khẳng định trong gia đình, ngoài vai trò của cha mẹ, ông bà thì vai trò của anh chị trong việc phát triển tài năng cho trẻ cũng không kém phần quan trong. Chính vì vậy trong giai đoạn hiện nay cần phải nâng cao, phát huy vai trò của anh chị nhằm đạt được mục tiêu xây dựng một nhân cách phát triển đầy đủ cả đức và tài cho trẻ em.

Tuy nhiên cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập, quá trình đô thị hóa đã tác động tiêu cực đến đời sống của không ít thế hệ trẻ trong đó ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ anh chị em trong gia

đình, một số anh chị tỏ ra lạnh lùng không quan tâm đến các em, thường xuyên đánh đập, quát tháo các em làm cho trẻ bị ảnh hưởng cả về mặt thể chất và tinh thần. Như vậy vai trò của anh chị trong việc hình thành phát triển nhân cách cho trẻ cũng đặc biệt quan trọng

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy, anh chị trong gia đình có ảnh hưởng đến định hướng giá trị nhân cách của trẻ em, 76% số trẻ có học lực khá giỏi, có đạo đức tốt là những trẻ em được anh chị giáo dục dạy dỗ. Và có tới 71% số trẻ em có học lực yếu, đạo đức chưa tốt luôn bị anh chị quát tháo, đánh đập [76].

Như vậy, nếu các em sống trong gia đình mà anh chị có những biện pháp giáo dục thiếu khoa học bạo lực, độc đoán, lạnh lùng, thiếu sâu sát, thiếu quan tâm, anh chị có những hành vi lệch chuẩn thì định hướng giá trị nhân cách của các em cũng thiên về sự phát triển lệch lạc. Thực tế cho thấy hành vi phạm tội của một số em bắt nguồn từ gia đình. Do anh chị đánh đập, chửi mắng, thiếu quan tâm, hoặc anh chị là những người nghiện ma tuý, cờ bạc, làm ăn phi pháp. Kết quả điều tra ở một số tỉnh thành phố cho thấy, có tới 8% trẻ em vi phạm pháp luật do anh chị thiếu gương mẫu, có tiền án tiền sự [11]. Một số điều tra của Viện khoa học Công an càng làm sàng tỏ thêm điều đó. Trong số 100 bị can trẻ em vị thành niên phạm tội thì: 58% do bố mẹ nghiện rượu, 32% bố mẹ có tiền án tiền sự và 7% số em có anh chị ruột đi tù [79]. Vì vậy các thành viên trong gia đình cần phải gương mẫu, các hình thức giáo dục trong gia đình cần được chú ý đặc biệt, tránh sử dụng các hình thức thiếu tích cực và đặc biệt là các hình thức giáo dục roi vọt, xâm phạm thể chất và tinh thần của con em mình.

Một phần của tài liệu Gia đình với việc hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ em ở ngoại thành Hà Nội hiện nay (Trang 69)