6. Kết cấu đề tài
1.5.3. Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu biển Phuket – Thái Lan
Thái Lan là nước có ngành du lịch phát triển mạnh ở châu Á. Truyền thống văn hóa và sự mến khách của nhân dân Thái Lan là yếu tố quan trọng góp phần tăng cường thu hút khách du lịch đến với đất nước này. Ngành du lịch là ngành thu được nguồn ngoại tệ chủ yếu và cao hơn các ngành sản xuất khác của Thái Lan. Hàng năm, Thái Lan đón một lượng khách du lịch quốc tế trên 10 triệu lượt người. Thị trường khách quốc tế chủ yếu của Thái Lan là các nước trong khối ASEAN, châu Á, châu Âu như Pháp, Đức, Bỉ… Trong các địa điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan, không thể không kể đến đảo Phuket.
Phuket là “đảo ngọc” của Thái Lan, được bao bọc bởi 36 hòn đảo nhỏ hơn. Thiên nhiên ban tặng Phukhet phong cảnh thiên nhiên kỳ thú; nhiều vịnh, đảo kỳ vĩ; những bãi biển dài với dải cát trắng mịn; nét duyên dáng của những rừng dừa. Phukhet còn hấp dẫn du khách với những nét kiến trúc độc đáo Trung – Bồ đẹp mắt. Người dân bản địa thân thiện và hiếu khách cũng là một ấn tượng đẹp trong lòng các du khách.
Phukhet tập trung nhiều bãi biển dài và đẹp, trong đó không thể không kể đến Patong, Karon, Kata và Nai Harn. Patong là trung tâm giải trí về đêm nổi tiếng với bờ biển dài 4km, các tiệm ăn phục vụ đủ các món ăn phong phú. Phukhet đáp ứng mọi nhu cầu thưởng ngoạn của du khách với nhiều điểm tham quan; hoạt động vui chơi, giải trí
hấp dẫn. Đến đây, du khách có thể thoả sức mua sắm hoa phong lan, các đồ thủ công truyền thống, vải lụa, quần áo, đồ sơn mài, ngọc trai, trang sức và đồ cổ cho tới những đồ hiện đại. Đây là nơi lý tưởng để chèo thuyền buồm, lặn, chơi golf và tất cả các hoạt động thể thao, du lịch tàu ngầm… Bên cạnh đó, Phuket còn nổi tiếng với những ngôi chùa Đạo Phật lớn và nổi tiếng linh thiêng nhất, những lễ hội văn hóa đặc sắc. Phuket còn nổi tiếng với những khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn có nhà gỗ cho tới các khách sạn 5 sao với nhiều mức giá khác nhau. Từ tháng 6 tới tháng 8, Phukhet luôn chật kín du khách và đây cũng là thời điểm các dịch vụ ở Phukhet hạ giá thấp nhất để hút khách.
Có được sự phát triển du lịch mạnh mẽ như vậy là do chính sách phát triển du lịch trọng tâm của chính phủ Thái Lan. Cơ quan Du lịch Quốc gia Thái Lan, gọi tắt là TAT là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất, có trách nhiệm xúc tiến và phát triển du lịch Thái Lan. Sự hoạt động của TAT rất đạt hiệu quả, bởi có chiến lược và biết tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu thị trường và xúc tiến quảng bá, sau đó đưa ra định hướng và những giải pháp cụ thể cho các doanh nghiệp thực hiện. TAT luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan đến du lịch để chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai các hoạt động du lịch; qua đó, liên tục đề xuất, trình Chính phủ phê duyệt từ các chính sách, chiến lược cho đến các chiến dịch, chương trình xúc tiến quảng bá từng thị trường khách cụ thể, trong từng giai đoạn nhất định.
Chính vì sự hoạt động có hiệu quả của chính phủ Thái Lan, cùng với những yếu tố thuận lợi về thiên nhiên, con người và những sản phẩm văn hóa, du lịch đa dạng, Phuket đã và đang trở thành một điểm đến của Đông Nam Á.
Tóm tắt chương 1
Tóm lại, trong chương 1, tác giả đã tiến hành đưa ra những khái niệm, mô hình lý thuyết về việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu cần được xây dựng từ việc xác định cấu trúc nền móng của thương hiệu, định vị thương hiệu, chiến lược truyền thông, đo lường và hiệu chỉnh chiến lược truyền thông. Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, tác giả đưa ra những phương pháp để phát triển thương hiệu. Tác giả
tập trung vào 3 chiến lược chính để phát triển thương hiệu là các chiến lược về mở rộng thương hiệu, củng cố thương hiệu và nhóm các dịch vụ truyền thông thương hiệu. Bên cạnh việc đưa ra các mô hình lý thuyết về xây dựng và phát triển thương hiệu thì tác giả con đưa ra những kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu du lịch biển của những thương hiệu du lịch lớn trong nước như biển Nha Trang, Mỹ Khê, nước ngoài như biển Phuket của Thái Lan. Đây là những bài học kinh nghiệm quý báu cho thị xã Cửa Lò nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch biển Cửa Lò trong các năm tới.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG VỀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU DU LỊCH BIỂN CỬA LÒ 2.1. Lịch sử hình thành biển Cửa Lò
Cách đây 500 năm, Cửa Lò còn là một cửa biển hoang sơ do Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi - con trai trưởng của Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí đem quân binh tới lập Trại Cây Bàng rồi hình thành làng Vạn Lộc đầu tiên, dần dà cho đến tận bây giờ. Trải qua bao biến động thăng trầm, giờ đây vẫn còn đền Vạn Lộc thờ tướng quân Nguyễn Sư Hồi và là một di tích lịch sử cấp quốc gia, rất có giá trị du lịch về lịch sử, tâm linh.
Cuối thế kỷ XIX, cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến Nghệ An, và Vinh trở thành một trung tâm công nghiệp, nơi tập trung đông đảo công nhân và cả bộ máy hành chính với đội ngũ viên chức người Pháp, người Việt. Lý do của sự thay đổi xã hội đó là vị thế về cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của Cửa Lò. Cửa Lò là nơi nghỉ mát tuyệt vời với hơn 10 cây số bãi biển quanh năm sóng nước trong xanh và những hòn đảo trời cho gần kề tầm mắt. Chính vì thế mà Bảo Đại - ông vua cuối cùng của triều Nguyễn đã tìm đến để xây Nhà Mát ăn chơi trong những cuộc du hành ra phương Bắc. Ngày 05/06/1907 người Pháp đã quy hoạch chọn Cửa Lò làm nơi xây dựng nhà nghỉ bãi tắm cho đến nay đã hơn 100 năm.
Sau chiến tranh chống Mỹ cứu nước, người ta đã tìm thấy ở đây một tiềm năng du lịch tiềm tàng, nối với nhiều điểm du lịch nổi bật của xứ Nghệ và cả nước. Ngày 29/8/1994, Chính phủ đã quyết định cho Nghệ An biến một vùng quê Cửa Lò trở thành Thị xã Cửa Lò. Mô hình quy hoạch thiết kế đầu tiên, giờ đây đã và đang biến thành hiện thực. Những con đường dọc ngang như kẻ bàn cờ. Những khách sạn vươn lên chiếm lĩnh bầu trời. Những rừng cây xanh, những khu vui chơi, những đầm hồ sinh thái rộng mở. Điện sáng như sao sa mở ra một vòng cung biển diệu kỳ như câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Và đến năm 2009 Cửa Lò đã hội tụ đủ các tiêu chuẩn để trở thành đô thị loại III. Trải qua gần 20 năm Cửa Lò mới thực sự được đánh thức và khẳng định vị thế của mình trên lộ trình phát triển của đất nước nói chung và của tỉnh Nghệ An nói riêng.
Hiện nay, kinh tế dịch vụ, đặc biệt là du lịch phát triển nhanh ở Cửa Lò và trở thành ngành kinh tế động lực thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Đến năm 2011 đã có trên 2 triệu lượt khách đến với Cửa Lò trong năm, có 235 khách sạn, nhà nghỉ, trên 6.500 phòng và gần 14.000 giường. Hệ thống hạ tầng du lịch được nâng cấp và đầu tư khá đồng bộ. Các loại dịch vụ phát triển đa dạng, chất lượng nâng lên rõ rệt.
Thị xã Cửa Lò đang khuyến khích các cơ sở dịch vụ đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo nhiều sản phẩm dịch vụ có thương hiệu, chất lượng cao, hấp dẫn khách du lịch. Thị xã và chính quyền thành phố Vinh – Nghệ An đang thu hút các nhà đầu tư xây dựng một số khu du lịch - Resort ở Lan Châu, Cửa Hội, Đảo Ngư, trung tâm hội nghị, hội thảo, nghỉ dưỡng cao cấp với mục tiêu gắn phát triển du lịch với phát triển thương mại. Mở rộng sắp xếp mạng lưới ki-ốt, công viên bãi tắm, các chợ, các siêu thị; xây dựng các trung tâm lữ hành, kết nối du lịch Cửa Lò với các khu du lịch trong tỉnh và khu vực. Bên cạnh đó, hình thành trung tâm thương mại chất lượng cao, các khu du lịch tổng hợp, xây dựng hạ tầng cơ sở, đảm bảo quy hoạch, trật tự văn minh và bảo vệ được cảnh quan môi trường sinh thái, nhằm tăng lượng khách du lịch, tăng thời gian lưu trú và tăng số ngày khách đến trong năm. Phấn đấu tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2010-2015 từ 6.500-7.000 tỷ đồng, trong đó vốn xây dựng từ ngân sách và huy động khác 1.000 - 1.200 tỷ đồng. Trong giai đoạn phát triển mới Cửa Lò có nhiều thuận lợi: Nghị quyết 05 ngày 28/10/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2011-2020 đã định hướng rõ "Xây dựng Vinh - Cửa Lò - Nam Đàn trở thành cụm du lịch gắn với du lịch Quốc gia, Quốc tế; Cửa Lò trở thành đô thị du lịch có môi trường xanh, sạch, dịch vụ đa dạng, hấp dẫn".
Vấn đề đặt ra hiện nay của Cửa Lò là một quy hoạch thật sự khoa học, những chính sách đồng bộ để phát triển và sự đồng thuận cao để biến tiềm năng, nhân lực, vật lực thành sản phẩm. Sự phát triển bền vững của Cửa Lò cần được khẳng định một cách có trách nhiệm và tự hào của người Cửa Lò, người Nghệ An và đã tiến hành làm kỷ niệm 105 năm ngày truyền thống du lịch Cửa Lò; chuẩn bị để Cửa Lò thành Thành phố Du lịch biển Xanh - Sạch - Đẹp, giàu mạnh, văn minh và trong suốt quá trình phát triển tương lai.
2.2. Thực trạng hoạt động kinh doanh du lịch tại Cửa Lò 2.2.1. Các lĩnh vực kinh doanh 2.2.1. Các lĩnh vực kinh doanh
Biển Cửa Lò phục vụ du khách về các dịch vụ du lịch tắm biển, thăm các danh lam thắng cảnh, du lịch nghỉ dưỡng và cung cấp các sản phẩm hải sản có giá trị cao.
Thực tế hiện nay, hình ảnh của Cửa Lò trong mắt khách du lịch là một điểm đến có nguồn tài nguyên biển phong phú, thiên nhiên đẹp và đa dạng, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch nghỉ dưỡng, muốn khám phá và trải nghiệm những điều mới lạ.
Xét trên góc độ tài nguyên và hiện trạng phát triển, du lịch biển Cửa Lò có không ít những đặc điểm nổi bật hấp dẫn khách du lịch. Trước hết, đó là tài nguyên du lịch biển chưa được khai thác nhiều, có nhiều nơi còn tương đối nguyên sơ và chưa bị ô nhiễm. Nhược điểm của vấn đề này là khả năng phục vụ du lịch hạn chế, trong khi du lịch nghỉ biển thường yêu cầu nhiều về dịch vụ. Nhưng ngược lại, vẻ đẹp nguyên sơ của biển Cửa Lò rất thu hút đối tượng du khách nghỉ biển hướng tới nghỉ dưỡng môi trường tự nhiên thuần túy, thay cho việc sử dụng nhiều dịch vụ và tiện nghi nhân tạo.
Cung cấp các dịch vụ lưu trú, bãi tắm
Biển Cửa Lò cung cấp các dịch vụ lưu trú tại các khách sạn nhà nghỉ trên địa bàn thị xã. Hiện nay, tại thị xã Cửa Lò có đến 226 cơ sở lưu trú, với tiềm năng phục vụ 18,000 lượt khách/ngày đêm. Bãi tắm Cửa Lò chia thành ba bãi nhỏ: Bãi tắm Lan Châu (ở phía Bắc), Bãi tắm Xuân Hương (ở giữa) và Bãi tắm Song Ngư (ở phía Nam). Hiện nay, khu vực khai thác du lịch chủ yếu ở Bãi tắm Xuân Hương. Do vậy tiềm năng khai thác các bãi tắm còn rất nhiều.
Dịch vụ tour
Cửa Lò cũng cung cấp nhiều tour du lịch hấp dẫn khác ở trong và ngoài Thị Xã như: Kim Liên (Nam Đàn), Quảng trường Hồ Chí Minh (Thành phố Vinh), rừng nguyên sinh Pù Mát (Con Cuông), Lạc Xao (Lào) và Thái Lan. Với những giá trị vốn có và cảnh đẹp do thiên nhiên ban tặng, Cửa Lò có thể phát triển nhiều loại hình du lịch với sắc thái ý nghĩa riêng.
Tham quan các khu vực sinh thái
Đến với Cửa Lò, các khách du lịch có thể đến thăm Đảo Ngư, Đảo Mắt, khu du lịch sinh thái Cửa Hội, Hang Bua, nước khoáng Kim Sơn. Lộ trình du lịch này đã được
xây dựng một các thuận lợi cho các du khách có thể đến thăm các điểm du lịch đem lại sự thoải mái khi hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên Cửa Lò.
Du lịch tâm linh và nghỉ dưỡng.
Du khách có thể đến thăm chùa Song Ngư, chùa Lô Sơn, đền Vạn Lộc, đền Thu Lũng, các khu di tích, khu lưu niệm. Qua đó du khách sẽ cảm nhận được các giá trị văn hóa của Cửa Lò được vun đắp qua hàng trăm năm qua. Bên cạnh đó, cũng có những khu nghỉ dưỡng cao cấp đang được hình thành như Cua Lo Golf Resort.
Các di chỉ văn hóa và các làng nghề, làng văn hóa
Cửa Lò mảnh đất này còn được gọi là nơi tụ hội của nhiều núi và đảo như: Núi Lò (Lô Sơn), Núi Cờ, Núi Voi, Núi Mão, Núi áo, Núi Yên ngựa, Núi Kiếm, Hòn Thỏi Mực, Núi Bảng… đã phát thịnh sinh ra nhiều tướng tài có công lao với đất nước và xây dựng được nền văn hiến của đất này. Núi Cờ (còn gọi là núi Động Đình) có khu mộ Nguyễn Hội do hổ táng. Nguyễn Hội là thân sinh của Thái Uý Cương quốc công Nguyễn Xí - Công thần khai quốc triều Lê. Các bia đá còn lại đến ngày nay ở đền thờ Nguyễn Xí ( Nghi Hợp). Tại Cửa Lò hiện nay có 4 làng nghề truyền thống, trong đó hiện tại có một làng nghề sản xuất nước mắm ở khối Hải Giang 1, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò mới được hình thành từ hơn chục năm nay đang phát triển mạnh mẽ và cung cấp loại hình du lịch thăm quan làng nghề cho các du khách.
Dịch vụ hải sản tươi sống
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động ngư nghiệp, tại Cửa Lò có chợ hải sản lớn, cung cấp các mặt hàng hải sản tươi sống, phục vụ khách tham quan và các nhà hàng, khách sạn trong địa bàn.
Vật phẩm du lịch lưu niệm
Các vật phẩm du lịch lưu niệm tại Cửa Lò chưa thực sự phát triển, các vật phẩm chủ yếu là áo phông, mũ đi biển có in dòng chữ “Du lịch Cửa Lò”, bên cạnh đó là các sản phẩm lưu niệm có nguồn gốc từ biển như vỏ ốc, sò… có giá trị thấp.
Câu cá trên biển
Câu cá trên biển là một dịch vụ du lịch mới mẻ, được cung cấp trong những năm gần đây, phục vụ các du khách muốn tham quan khám phá và trải nghiệm cuộc
sống của các ngư dân miền biển. Đây là một loại hình mới nhưng được rất nhiều du khách yêu thích và yêu cầu sử dụng.
2.2.2 Kết quả hoạt động du lịch của biển Cửa Lò từ 2008 – 2012
Ngày 30/11/2012, UBND Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng II, hạng III của Chủ tịch Nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tổng kết hoạt động du lịch năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013. Đây là sự động viên, khích lệ tinh thần lớn lao cho sự đầu tư phát triển du lịch nghiêm túc, cũng như sự nỗ lực của toàn bộ chính quyền và nhân dân thị xã Cửa Lò trong những năm qua.
Qua quá trình nghiên cứu tìm hiểu, tác giả tổng kết lại kết quả hoạt động du lịch của Cửa Lò trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2012 như sau:
Bảng 2.1. Kết quả hoạt động du lịch biển Cửa Lò giai đoạn 2008-2012
TT Danh mục ĐVT 2008 2009 2010 2011 2012
1 Lượng khách 1000 Lượt 1,402 1,600 1,760 2,030 1,935 2 Doanh thu Tỷ đồng 329 465 730 920 1,120 3 Số lao động Người 5,800 6,000 6,150 6,670 6,789 4 Cơ sở lưu trú Cơ sở 214 220 225 226 246 5 Số phòng Phòng 5,472 5,700 5,792 5,826 6,453