Hiện nay, ở Việt Nam kế toán quản trị mới chỉ biết đến chủ yếu dưới dạng lý thuyết. Mặc dù Bộ tài chính đã ban hành thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/6/2006 về hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong Doanh nghiệp. Tuy nhiên, nội dung của Thông tư cũng chỉ mới hướng dẫn chung chung, giải thích thuật ngữ là chính và chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể.Trên thực tế chỉ có một số ít doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sử dụng đầy đủ kế toán quản trị, những doanh nghiệp này áp dụng kế toán quản trị do học hỏi từ các Công ty mẹ hoặc các Công ty trong tập đoàn. Còn hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều chưa có điều kiện và nhận thức đầy đủ để áp dụng và triển khai công tác kế toán quản trị. Điều này làm giảm hiệu quả trong quá trình ra quyết định kinh doanh của các nhà quản lý doanh nghiệp. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho Nhà nước là cần có những tác động tích cực nhằm tạo môi trường cho kế toán quản trị phát triển bằng các biện pháp cụ thể như sau:
- Nhà nước cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi để nâng cao nhận thức được vai trò quan trọng của kế toán quản trị trong các doanh nghiệp. Do hạn chế chưa nhận thức được tầm quan trọng cũng như nội dung của kế toán quản trị trong doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp thường xem nhẹ vai trò của kế toán quản trị trong doanh nghiệp, việc tổ chức thực hiện kế toán quản trị đang bị xem nhẹ. Do đó Nhà nước cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi để nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp.
- Nhà nước cần tạo ra những khuôn khổ pháp lý để các loại hình doanh nghiệp đều bình đẳng trong kinh doanh, thúc đẩy và khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường có cạnh tranh lành mạnh. Từ đó các doanh nghiệp sẽ nhận thức được đúng sự cần thiết phải tổ chức công tác kế toán quản trị để cung cấp thông tin kịp thời cho việc ra quyết định quản lý phù hợp để ứng phó với thị trường vốn đầy những biến động và rủi ro khó lường.
- Nhà nước cần có các biện pháp thực tế để học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm của các nước đã có bề dày kinh nghiệm về phát triển kế toán quản trị như Anh, Pháp, Mỹ…
Kế toán quản trị mặc dù còn mới mẻ đối với Việt Nam song các nước có nền kinh tế phát triển đã áp dụng từ rất lâu. Học hỏi thực tiễn, tiếp thu kinh nghiệm của các
nước đi trước là việc làm rất cần thiết. Nhà nước cần có các biện pháp như: Cử chuyên gia, cán bộ kế toán tài chính sang các nước có bề dày kinh nghiệm về phát triển kế toán quản trị để học hỏi kinh nghiệm tổ chức công tác kế toán quản trị ở các nước này. Đồng thời cũng cần mời các chuyên gia có kinh nghiệm về trực tiếp giảng dạy cho những người đã có kiến thức nhất định về kế toán quản trị để đào tạo học thành các chuyên gia giỏi về kế toán quản trị. Nhà nước cũng cần tổ chức các cuộc hội thảo về kế toán quản trị với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, những chuyên gia về kế toán quản trị cũng như những người có trách nhiệm liên quan để cùng nhau xây dựng và phát triển kế toán quản trị trong các doanh nghiệp Việt Nam.
- Nhà nước cần xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể hơn về kế toán quản trị
Về mặt lý thuyết, kế toán quản trị là không bắt buộc, nó là do nhà quản trị doanh nghiệp vận dụng linh hoạt phù hợp với đặc điểm tình hình tổ chức quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay là trình độ đội ngũ cán bộ kế toán và điều kiện trang bị phương tiện vật chất, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác kế toán giữa các doanh nghiệp trong ngành, các địa phương là không đồng đều. Chính vì vậy, Nhà nước cần có những quy định hướng dẫn cụ thể hơn nữa những nội dung cơ bản đã đề cập trong Thông tư số 53 về hướng dẫn thực hiện kế toán quản trị cho từng loại hình doanh nghiệp trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực kinh doanh để các doanh nghiệp có thể áp dụng một cách dễ dàng.
Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu triển khai, phát triển kế toán quản trị, để kế toán quản trị thực sự là một nội dung không thể thiếu trong hệ thống kế toán doanh nghiệp.