Khi Steve Jobs mất vào tháng 10 năm 2011, nhiều nhà bình luận đã băn khoăn rằng liệu Apple, công ty mà ông đồng sáng lập và điều hành qua nhiều năm, với những đổi mới và lợi nhuận khổng lồ, có thể tiếp tục tăng trưởng nếu thiếu ông không.
Sau thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, Jobs đã rời khỏi vị trí CEO của Apple, song ảnh hưởng của ông đối với công ty vẫn vô cùng to lớn. Suy cho cùng, những đổi mới của Apple – từ máy tính cá nhân đến iPod, iPhone và iPad – đã thay đổi triệt để cách thế giới giao tiếp và giải trí. Sau cái chết đau buồn của Jobs ở tuổi 56, nhiều người đã đặt dấu hỏi lớn về tương lai của Apple.
Những bàn cãi về vấn đề này đã khiến tôi suy nghĩ về khả năng lãnh đạo và băn khoăn tự hỏi liệu có cách đúng đắn duy nhất nào để tạo nên một công ty vĩ đại không. Việc so sánh trải nghiệm của tôi tại Virgin và của Jobs tại Apple có thể làm sáng tỏ nhiều điều, bởi chúng tôi đều xây dựng và điều hành các doanh nghiệp trong năm thập kỷ qua, nhưng mỗi chúng tôi đều đi theo một con đường hoàn toàn khác biệt.
Những ý tưởng của Jobs về cách mọi người nên dùng công nghệ để tương tác với nhau và cuộc theo đuổi một tầm nhìn duy nhất đó đã dẫn ông đến việc tạo ra một công ty có văn hóa tích hợp sự tập trung mang tính ám ảnh vào các thiết kế công nghệ cao. Việc sử dụng máy tính trong các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp vẫn bị giới hạn cho đến khi ông và đội của mình tung ra Apple II vào năm 1977, một sản phẩm đã làm thay đổi việc tính toán và cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Apple cũng dẫn đầu một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp âm nhạc khi đưa ra iPod và iTunes vào năm 2001; trong khi sự ra đời sau này của iPhone và iPad lại châm ngòi cho sự sáng tạo của toàn ngành phát triển ứng dụng. Đam mê của Jobs với những thiết kế vĩ đại chính là nền tảng cho thứ mà ngày nay là một trong những thương hiệu được kính nể nhất thế giới.
Khi tôi cùng những người bạn xây dựng Virgin, chúng tôi phải tiếp cận mọi thứ theo hướng thật khác biệt, bởi tầm nhìn của chúng tôi không dựa quá nhiều vào sản phẩm mà vào dịch vụ. Văn hóa của chúng tôi phát triển từ sự gắn bó mật thiết giữa chúng tôi với khách hàng và giữa chúng tôi với nhau. Điều này dẫn chúng tôi đến việc xây dựng một công ty đặt dịch vụ chăm sóc khách hàng và sự gắn kết giữa các nhân viên lên hàng đầu; và đặt trọng tâm vào việc cung cấp các giá trị tuyệt vời cũng như duy trì ý thức về sự hài hước trong mọi thứ chúng tôi làm – từ đó, công ty của chúng tôi đã liên tiếp thành lập hàng trăm doanh nghiệp trong nhiều ngành khác nhau.
Steve Jobs là doanh nhân có xu hướng độc đoán, tiếp cận vấn đề từ trên xuống, trong khi tôi luôn tin vào nghệ thuật trao quyền – một trong những vai trò chính của tôi là tìm ra những người tốt nhất có thể cho Virgin và trao cho họ sự tự do cũng như sự khích lệ để thăng hoa. Khi thành lập Virgin Records, tôi thậm chí còn chuyển ra khỏi văn phòng và làm việc trong một nhà thuyền. Lúc đó, tôi đã nghĩ, và bây giờ vẫn nghĩ, rằng nếu bạn thường xuyên vắng mặt, những người khác sẽ buộc phải chỉ huy, từ đó họ nâng cao được các kỹ năng lãnh đạo, xây dựng sự tự tin ở họ, khiến doanh nghiệp mạnh hơn, còn bạn có thêm thời gian để sáng tạo.
Vậy làm thế nào mà những đường lối gần như đối lập của chúng tôi lại cùng tạo nên những công ty thành công? Tôi tin rằng đó là do chúng tôi đều theo đuổi đam mê của mình – chúng tôi đều thực sự tận hưởng và tin tưởng vào những gì chúng tôi đang làm. Bởi khả năng cao là bạn sẽ kiên trì, có cảm hứng và cống hiến nhiều hơn nếu thích những gì bạn đang làm, và nếu cuối cùng, bạn tạo ra được thứ gì đó bạn thực sự tự hào, điều đó sẽ được lan tỏa đến đội ngũ nhân viên và khách hàng của bạn. Điều này đúng với Steve Jobs, và vì lý do này, bất chấp phong cách vô cùng khác biệt giữa chúng tôi, ông ấy luôn là doanh nhân mà tôi ngưỡng mộ nhất.
Khi nhìn lại cuộc đời của Steve Jobs, tôi nhận thấy ông chưa bao giờ mất đi tình cảm sâu đậm dành cho công ty mình sáng lập ra, dù cho có bị đuổi khỏi Apple vào năm 1985. Sau khi rời Apple, ông chuyển nguồn năng lượng đó vào việc đầu tư và điều hành Pixar, một công ty nhỏ đã đạt được những thành tựu về công nghệ cũng như nghệ thuật ấn tượng đồng thời làm thay đổi hoàn toàn lĩnh vực làm phim hoạt hình dùng công nghệ tạo hình bằng máy tính. Khi được đề nghị trở lại Apple vào năm 1997, ông đã đưa công ty đang trì trệ lên một tầm cao mới và tiếp tục cống hiến trong suốt thời gian chống chọi với bệnh tật. Điều hành Virgin là cuộc phiêu lưu lớn nhất đối với tôi: đầy thử thách, thú vị và sáng tạo, một việc tôi sẽ làm ngay cả khi không hề liên quan về mặt tài chính với nó nữa.
Có lúc, theo đuổi tầm nhìn của mình có nghĩa là bạn sẽ phải lờ đi những lời cảnh báo hay thậm chí là chế nhạo của những người khác. Tôi đã viết về quyết định thành lập Virgin Atlantic và sau đó là Virgin Australia như sau: Quá nhiều quyết định của tôi đã đi ngược lại lời khuyên của các nhà phân tích ngành, các chuyên gia quản lý và đôi khi là cả các cố vấn thân cận nhất của tôi.
Còn đối với Jobs, các sản phẩm mà ông và đội ngũ của mình đã hình dung ra quá khác biệt đến mức giá cổ phiếu luôn giảm sau khi một trong các sản phẩm của Apple lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng, bởi cổ đông và các “chuyên gia” đều chắc chắn rằng công ty đang đi sai hướng. Điều này xảy ra gần đây nhất khi iPhone 4S được phát hành, và một lần nữa nhận định này lại sai – doanh số bán thiết bị này đã phá vỡ mọi kỷ lục trước đó của Apple.
Khi bạn theo đuổi tầm nhìn kinh doanh của riêng mình, hãy can đảm bởi để xây dựng công ty của mình, bạn phải vượt qua các rào cản và lờ đi những lời chỉ trích. Hãy theo đuổi đam mê của bạn; hãy thừa nhận khi đối mặt với thứ gì đó bạn không giỏi; và hãy giao cho người khác làm việc đó hoặc tìm cách vượt qua nó (ngay cả Jobs cũng thuê những chuyên gia giỏi để chỉ đạo các hoạt động quan hệ công chúng và ông nổi tiếng với việc thành lập liên minh với các đối thủ của Apple là IBM và Microsoft); khi mọi thứ đi sai hướng, hãy đứng dậy và đi tiếp. Đây là cuộc phiêu lưu cần đến lòng dũng cảm và niềm tin.
Trong suốt cuộc đời mình, Steve Jobs đã khuyến khích mọi cá nhân ông làm việc cùng cũng như các khách hàng của ông hãy “Tư duy khác biệt”. Đây chắc chắn là lời khuyên cơ bản mà mọi doanh nhân cần khắc sâu trong tâm trí.