Thức ăn và cách cho ăn

Một phần của tài liệu hiện trạng kỹ thuật nuôi và tình hình bệnh trên tôm chân trắng (penaeus vannamei boone, 1931) tại tỉnh quảng ngãi (Trang 62)

Kinh phí mua thức ăn cho tôm chiếm tỷ lệ lớn của giá thành sản phẩm. Đối với nuôi tôm thâm canh, thức ăn chiếm khoảng 40 – 50% tổng chi phí đầu tư cho sản xuất một vụ. Do vậy, việc lựa chọn loại thức ăn có chất lượng tốt sẽ giảm giá thành sản xuất, nâng cao lợi nhuận, đồng thời giảm tối thiểu ô nhiễm môi trường [15].

a. Loại thức ăn

Điều tra việc sử dụng thức ăn để nuôi tôm chân trắng thương phẩm trong 230 hộ nuôi cho thấy, 100% hộ nuôi tôm ở Quảng Ngãi đã dùng thức ăn tổng hợp để nuôi tôm. Trong đó, có 82/230 (chiếm 35,7%) hộ sử dụng thức ăn Nuri của Công ty Unipresident, có 47/203 (chiếm 20,4%) hộ nuôi đã sử dụng thức ăn Lotus của Công ty CP, có 34/230 (chiếm 14,7%) hộ nuôi đã sử dụng thức ăn Grobest, có 23/230 (chiếm 10%) hộ nuôi đã sử dụng thức ăn vanalist (Pháp), còn lại 19,2% hộ nuôi đã sử dụng các loại thức ăn khác như Tonwei (Đài Loan), Red star của Công ty Dachan, Hoachen và Tomboy.

Kết quả điều tra đã thể hiện rằng, 100% các hộ nuôi ở Quảng Ngãi đã không còn sử dụng thức ăn tươi để nuôi tôm chân trắng, bao gồm cả các hộ nuôi theo hình thức QCCT, đây được coi là một thành công của công tác khuyến ngư tại địa phương. Việc thay thế thức ăn tươi bằng các loại thức ăn tổng hợp đã góp phần tránh ô nhiễm môi trường và giảm thiểu dịch bệnh.

b. Cách cho ăn

Kết quả điều tra thực tế đã chứng tỏ rằng, các hộ nuôi tôm chân trắng ở Quảng Ngãi thường cho tôm ăn 2 – 4 lần/ngày. Trong đó, cho tôm ăn 2 lần/ngày có tần suất gặp 7%, tập trung chủ yếu ở hình thức nuôi quảng canh cải tiến (QCCT); cho tôm ăn 3 lần/ngày chiếm 50%, chủ yếu tập trung ở hình thức nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh; cho tôm ăn tới 4 lần/ngày chiếm tỷ lệ 43%, chủ yếu gặp ở hình thức thâm canh. Tuy nhiên, số lần cho tôm ăn trong ngày còn phụ thuộc vào cỡ tôm lớn hoặc nhỏ đang nuôi trong ao, ở hình thức nuôi BTC và TC, cho ăn 4 lần/ngày khi tôm mới thả, sau 45 ngày tuổi, thì giảm xuống 1 bữa, cho ăn 3 lần/ngày, cắt một bữa ăn vào buổi tối. Điều này được cho là phù hợp, vì trong các ao nuôi TC và BTC, mật độ cao nên hàm lượng oxy vào buổi tối thường thấp, do vậy quạt nước phải hoạt động sớm để cung cấp oxy đầy đủ cho tôm. Nếu quạt nước trùng với bữa ăn tối làm các hạt thức ăn tan rã trong nước, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường nước ao. Do đó, khi tôm đã lớn > 45 ngày nuôi, chỉ cần cho ăn 3 lần/ngày.

c. Kỹ thuật cho tôm chân trắng ăn trong ao nuôi thương phẩm

Trong ao nuôi tôm chân trắng thương phẩm, thức ăn được cho theo đường, khi tôm còn nhỏ, thức ăn được rãi ở ven bờ, khi tôm lớn hơn, vùng cho tôm ăn thường cách bờ 2 – 3m, đây là hành lang sạch do máy quạt nước tạo dòng chảy để gom tụ chất thải vào giữa ao. 100% số hộ được điều tra đều sử dụng sàng ăn, để kiểm tra khả năng sử dụng thức ăn, đánh giá sức khỏe của tôm và điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Kỹ thuật dùng sàng: cho 3 - 4% lượng thức ăn của mỗi lần cho ăn vào trong sàng, sau 2 giờ tiến hành kiểm tra, nếu tôm ăn hết thức ăn trong sàng thì điều chỉnh tăng lượng thức ăn lên, nếu sau 3 giờ tôm ăn chưa hết thức ăn trong sàng thì điều chỉnh lượng thức ăn giảm.

d. Khẩu phần cho ăn

Thường từ 2,5 – 10% khối lượng thân trong ngày tùy theo từng giai đoạn phát triển. Tôm nhỏ khẩu phần thức ăn trong ngày lớn có thể từ 8 – 10%; đến khi tôm lớn, gần đến lúc thu hoạch, khẩu phần thức ăn thường từ 2 – 3%.

- Cách xác định khẩu phần thức ăn: Các hộ nuôi tôm chân trắng ở Quảng Ngãi (100% với n=230) đã xác định khẩu phần thức ăn của tôm theo thời gian nuôi, dựa theo hướng dẫn của nhà sản xuất thức ăn và dựa theo kinh nghiệm của người nuôi.

e. Hệ số thức ăn

Hệ số thức ăn (FCR) trung bình ở 230 hộ nuôi được xác định là 1,17±0,01, tuy nhiên, các hình thức nuôi khác nhau thì có hệ số thức ăn khác nhau và phụ thuộc vào chất lượng của từng loại thức ăn. Số liệu ở bảng 3.14 thể hiện: với hình thức nuôi quảng canh cải tiến, có FCR thấp nhất 0,7±0,02 (có 61hộ); với hình thức nuôi bán thâm canh FCR = 1,12±0,01 (có 101 hộ) và ở hình thức thâm canh có FCR= 1,20±0,01 (có 68 hộ). Các ao nuôi ở vùng triều có hệ số thức ăn thấp hơn so với các ao nuôi trên đất cát. Lý giải vấn đề này, các hộ nuôi cho rằng, đối với các ao nuôi ở vùng triều, việc gây màu nước ban đầu dễ dàng và màu nước thường ổn định trong suốt chu kỳ nuôi, nên nguồn thức ăn tự nhiên bổ sung cho tôm tốt hơn so với ao nuôi trên đất cát.

Bảng 3.14: Hệ số thức ăn (FCR) trong nuôi tôm chân trắng thương phẩm Hình thức Hệ số QCCT BTC TC TB chung Trung bình 0,7±0,02 1,12±0,01 1,20±0,01 1,17±0,01 FCR Dao động 0,6-0,8 1-1,4 1,1-1,4 0,7-1,4

Theo kết quả nghiên cứu của Phạm Công Kỉnh (2009), hệ số thức ăn nuôi tôm chân trắng toàn vụ 1,04. Như vậy hệ số thức ăn nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Phạm Công Kỉnh.

Một phần của tài liệu hiện trạng kỹ thuật nuôi và tình hình bệnh trên tôm chân trắng (penaeus vannamei boone, 1931) tại tỉnh quảng ngãi (Trang 62)