Cũng giống như các loài tôm he châu Á, tôm chân trắng (Penaeus vannamei) cũng rất mẫn cảm với các loài khác nhau của vi khuẩn Vibrio spp, gây nên các bệnh lý như tạo phát sáng trong các trại sản xuất tôm giống do V. Harveyi, gây ra tình trạng bệnh gan tụy hay đường ruột mãn tính, hoặc tạo ra các thương tổn mòn cụt trên vỏ kitin do V. Parahaemolyticus, V. alginolyticus, V. Vulnificus, Lightner (1996), Flegel
(2006). Tuy nhiên, ở tôm chân trắng còn được biết là có thể bị bệnh do nhiễm các giống vi khuẩn khác ngoài Vibrio spp [41,50].
a. Bệnh hoại tử gan tụy ở tôm (Necrotising Hepatopancreatitis-NHP)
NHP đã được thông báo xảy ra lần đầu tiên tại Texas năm 1985. Các trận dịch khác cũng đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ, bờ biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương như: Peru, Ecuador, Venezuela, Brazil, Costarica, Panama và Mexico. NHP là một trong những bệnh nguy hiểm ở tôm he châu Mỹ, nó có thể gây chết đến 95% tôm chân trắng [37,41,50].
Các loài tôm he châu Mỹ như: Penaeus vannamei, L. stylirostris, Penaeus setiferus P. aztecus và P. californiensis đều được biết là mẫn cảm với vi khuẩn gây bệnh NHP, tuy nhiên gây tác hại lớn đã được phát hiện thấy ở các giai đoạn cuối của hậu ấu trùng, ấu niên và trưởng thành của loài tôm chân trắng (P. vannamei). Ngoài yếu tố vật chủ, thì một số yếu tố môi trường như độ mặn cao (>30‰) và nhiệt độ (>29ºC) kéo dài cũng được xem là các nhân tố nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sự xuất hiện và tác hại của bệnh NHP trên tôm chân trắng [60,73].
Krol et al.(1991) đã công bố về việc phát hiện các loại vi khuẩn gây bệnh hoại tử cơ quan gan tụy (NHP) ở tôm chân trắng. Bằng cách dùng kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM), các tác giả này đã phát hiện và nhận dạng ra 3 loại vi khuẩn cùng tham gia gây ra bệnh NHP: 1.Vi khuẩn giống với Rickettsia, dài 0,9µm và rộng 0,3µm chiếm chỗ trong nguyên sinh chất và vách tế bào; 2. Vi khuẩn dạng xoắn, tương tự như giống Spiroplasma; 3. Vi khuẩn dạng sợi ngắn mà trước đây chưa được thông báo là tác nhân gây bệnh ở tôm. Loại vi khuẩn 2 và 3 chiếm chỗ ở vách của tế bào vật chủ. Loại vi khuẩn này có đặc điểm gram âm, ký sinh nội bào, có kích thước nhỏ, có dạng que xoắn hoặc có thể có các hình dạng khác nhau, có hoặc không có tiên mao, thuộc nhóm alpha Proteobacteria thuộc bộ Ricketsiales đã được biết là tác nhân chính gây bệnh hoại tử gan tụy (NHP) ở tôm chân trắng [41,50,60].
Một số dấu hiệu chính đã được xác định là đặc thù cho bệnh NHP ở tôm chân trắng như tôm bơi chậm chạp gần bờ, giảm ăn, ruột rỗng, sinh trưởng giảm rõ rệt, tỷ lệ giữa khối lượng và chiều dài thân thấp (tôm bị óp), tổ chức gan tụy nhợt nhạt, hoại tử hay teo nhỏ, mềm hoặc hóa lỏng ở trung tâm, đôi khi có các vệt sọc nâu đen trên mô gan tụy. Ngoài ra, tôm đã bị bệnh NHP có thể kèm theo các dấu hiệu nhiễm khuẩn cơ
hội như mang đen, các vết thương tổn mầu nâu, đen trên vỏ ki tin, các phần phụ bị mòn cụt [41,50].
Nhiều tác giả đã cho rằng, NHP là bệnh nhiễm khuẩn hệ thống, ở những con tôm chân trắng bị bệnh, người ta đã tìm thấy vi khuẩn ở nhiều tổ chức cơ quan khác nhau như gan tụy, cơ quan lympho (LO), các tế bào máu có nhiệm vụ thực bào, các tế bào biểu mô ở anten. Trên tiêu bản mô bệnh học, các khuẩn lạc của vi khuẩn chiếm chỗ trong nguyên sinh chất của tế bào vật chủ, làm biến dạng cấu trúc hình ống của biểu mô gan tụy. Ngoài ra, các vùng thương tổn ở gan tụy thường bị bao vây bởi nhiều tế bào máu [41,42,50,60].
Hiện tượng gây chết tôm chân trắng khi bị bệnh NHP (necrosis hepatopancreactic) đã được quan sát thông qua một thí nghiệm in vivo. Một nhóm tôm khỏe gồm 140 con tôm chân trắng được bố trí nuôi riêng rẽ và mỗi con tôm được cho ăn một miếng nhỏ (0,05g) mô gan tụy của tôm bị bệnh NHP, nhóm tôm đối chứng gồm 120 con cũng được cũng được cho ăn 1 miếng nhỏ (0,05g) mô gan tụy nhưng của tôm không bị bệnh NHP. Sau 60 ngày ở nhiệt độ 300C, độ mặn 30%o, tôm ở nhóm thí nghiệm đã thể hiện bệnh lý của bệnh NHP và bắt đầu chết từ ngày thứ 16 đến ngày thứ 51, thời gian sống sót trung bình của các cá thể ở nhóm này là 34,5 ngày, mức bị chết hàng ngày trung bình là 0,09, trong khi đó chỉ số này ở hội chứng đốm trắng (WSS) là 0,40 và ở hội chứng Taura (TS) là 0,30. Vincent và cs (2004) và OIE (2010) đã đưa ra khuyến cáo người nuôi nên lựa chọn đàn tôm giống không nhiễm các mầm bệnh nguy hiểm (SPF) để phòng bệnh NHP. Tuy nhiên, khi tôm chân trắng bị bệnh NHP, có thể dùng kháng sinh để trị bệnh. Oxytetracycline hoặc Florfenicol là 2 loại kháng sinh đã được tổ chức OIE khuyến cáo có thể sử dụng để trị bệnh NHP ở tôm he nuôi, nếu phát hiện bệnh sớm và chữa trị kịp thời [60,73].
b. Bệnh gây chết cấp tính ở tôm chân trắng do Streptococcus sp
Hasson và cs (2009) đã lần đầu tiên báo cáo về việc phát hiện bệnh nhiễm khuẩn hệ thống ở tôm chân trắng nuôi do liên cầu khuẩn gram dương –Streptococcus sp. Các mẫu tôm chân trắng bị nhiễm cấp tính cầu khuẩn này đã bộc lộ bệnh lý bên ngoài không rõ ràng, tuy nhiên, mô trong nội tạng đã thể hiện bị hoại tử và hemolymph của tôm bệnh bị đục mờ. Các tác giả đã phát hiện một lượng rất lớn cầu khuẩn gram dương trong hemolymph, trong nguyên sinh chất của các tế bào máu và tồn tại ngoại bào trong các mô của tim, cơ quan lympho, mang, ruột, gan tụy, tuyến
anten và hạch thần kinh. Loài Streptococus sp. đã được phân lập từ tôm chân trắng bị bệnh có các đặc điểm: khuẩn lạc nhỏ 0,3-0,5mm trên môi trường BA hay TSA có bổ sung 5% máu cừu ở nhiệt độ 280C, sau 24h. Vi khuẩn này có thể mọc trong điều kiện yếm hoặc hiếu khí, phản ứng oxidase và catalase đều âm tính. Khi nuôi cấy trong môi trường TSB, các cầu khuẩn đã nối thành các chuỗi dài từ 5-8 tế bào. Khi phân loại bằng phương pháp truyền thống trên A-PI 20, cho thấy loài vi khuẩn này tương đồng tới 99,9% với loài S. uberis, nhưng khi định danh bằng kỹ thuật sinh học phân tử (PCR) lại cho thấy sự tương đồng với loài S. porcinus [43].
Burgents và cs (2005) đã nghiên cứu về số phận của các tế bào vi khuẩn khi xâm nhập vào cơ thể của tôm. Một liều gây chết của Vibrio campbellii có gắn với các phân tử protein huỳnh quang đã được tiêm vào cơ thể của mỗi con tôm thí nghiệm. Số lượng tổng số của vi khuẩn đã tiêm vào sau 240 phút tồn tại trong mô của cơ quan Lympho được xác định bằng kỹ thuật real time - PCR cao hơn so với các mô khác trong cơ thể, bao gồm cả máu, nhưng % số vi khuẩn có thể nuôi cấy lại được từ cơ quan lympho lại thấp hơn các mô khác trong cơ thể.