Trị số huyết áp

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số chỉ số huyết động của động mạch thận và mức lọc cầu thận ở bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát (Trang 101 - 104)

- Công thức ước đoán MLCT của CKDEP

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1 ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

4.2.1. Trị số huyết áp

Trong nghiên cứu của chúng tôi chỉ chọn các bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát vì vậy để loại trừ các bệnh nhân tăng huyết áp thứ phát chúng tôi chỉ chọn các bệnh nhân 40 tuổi trở lên, khám để loại trừ các bệnh lý gây tăng huyết áp như u tủy thượng thận, hẹp động mạch thận. Chúng tôi không chấp nhận các bệnh nhân có protein niệu đại thể dương tính để loại trừ các bệnh nhân có bệnh thận từ trước gây khó khăn trong việc xác định nguyên tổn thương thận và thay đổi kết quả nghiên cứu.

So sánh giữa 197 người bị tăng huyết áp với nhóm chứng thấy rằng có sự khác biệt rõ giữa các con số huyết áp. Rõ nhất là chênh lệch về huyết áp tâm thu (Bảng 3.3). Huyết áp tâm thu nhóm bệnh cao hơn hẳn nhóm chứng (172,4mmHg so với 111,9mmHg). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Huyết áp tâm trương nhóm bệnh và nhóm chứng cũng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <0,05, con số chênh lệch là 26 mmHg. Tương tự, huyết áp trung bình giữa nhóm bệnh và nhóm chứng cũng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Độ chênh lệch giữa nhóm bệnh và nhóm chứng là 37mmHg.

Nghiên cứu của chúng tôi trung bình HATT là 172,4 mmHg, HATr là 96,4 mmHg cao hơn kết quả nghiên cứu I-SEARCH Việt Nam [22] HATr 90,8 mmHg và HATT là 154,8mmHg và kết quả nghiên cứu I-SEARCH toàn cầu [33] HATT 149,2 mmHg, HATr 87,4 mmHg.

Chúng tôi phân tích con số huyết áp theo nhóm tuổi thấy rằng huyết áp tăng dần theo tuổi. Ở nhóm tuổi 40-50 huyết áp tâm thu là 166,2 mmHg, huyết áp tâm trương là 97,0 mmHg, huyết áp trung bình là 120,2 mmHg; ở nhóm 51- 60 huyết áp tâm thu là 175,7 mmHg, huyết áp tâm trương là 99,0 mmHg, huyết áp trung bình là 124,5 mmHg; ở nhóm 61-70 tuổi huyết áp tâm thu là 168,9 mmHg, huyết áp tâm trương là 94,5 mmHg, huyết áp trung bình là 118,5 mmHg; ở nhóm trên 70 tuổi huyết áp tâm thu là 180,4 mmHg, huyết áp tâm trương là 94,9 mmHg, huyết áp trung bình là 123,6 mmHg.

Phân tích theo giai đoạn tăng huyết áp (Bảng 3.5) chúng tôi thấy: Có 91 bệnh nhân giai đoạn I chiếm 46,2%. Có 106 bệnh nhân giai đoạn II chiếm 53,8%. Sự khác biệt về tỷ lệ này có ý nghĩa p <0,05. Hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp trong nghiên cứu là mức độ nhẹ và trung bình. Trong nghiên cứu này không có bệnh nhân tăng huyết áp giai đoạn III. Theo phân loại tăng huyết áp của tổ chức y tế thế giới, những bệnh nhân tăng huyết áp giai đoạn III là khi có trên 2 cơ quan đích bị tổn thương. Trong khi đó những cơ quan sớm bị tổn thương là mắt và thận. Khi loại trừ các bệnh nhân có protein niệu đại thể dương tính thì không thấy có bệnh nhân nào tăng huyết áp có trên 2 cơ quan đích bị tổn thương.

Tăng huyết áp là một bệnh rất thường gặp ở nhiều nước trên thế giới. Ở Châu Âu và Bắc Mỹ, tỷ lệ tăng huyết áp đều khá cao, chiếm từ 15 – 20%. Tại Mỹ (2002) có 28,6% người trưởng thành bị tăng huyết áp; Canada (1995) 22%; Tây Ban Nha (1996) là 30%; tại Pháp tỷ lệ tăng huyết áp lên tới 41% (1994);

Trung Quốc (2002) là 27%; Mexico (1998) là 19,4%; Venezuela (1997) là 36,9%; Cu Ba (1998) là 44%, Hungaria (1996) là 26,2%, Albania (2003) 31,9%, Philippins (2000) 23%, Malaysia (2004) 32,9% [36], [48], [71], [82], [118]. Các nghiên cứu từ trước đến nay cũng đã làm sáng tỏ sự nguy hiểm của tăng huyết áp đối với hệ thống tim mạch. Tăng huyết áp là yếu tố độc lập của nguy cơ tim mạch, 30% bệnh nhân tăng huyết áp sẽ bị ít nhất một biến chứng tim mạch, nguy cơ bệnh mạch vành tăng gấp 3 lần ở bệnh nhân tăng huyết áp, nguy cơ tai biến mạch não tăng gấp 7 lần, nguy cơ bệnh động mạch chi dưới tăng gấp 2,5 lần. Khi điều trị huyết áp tâm thu giảm 5 mmHg, tỷ lệ tử vong do đột quỵ giảm 14%, do bệnh mạch vành giảm 9% [111], [125], [128]. Năm 1960, theo điều tra của Đặng Văn Chung, tỷ lệ tăng huyết áp tại Việt Nam là 2-3%. Năm 1975, theo điều tra của Bộ Y tế, tỷ lệ tăng huyết áp là 2,4%. Năm 1980, nghiên cứu của Phạm Khuê cho biết tỷ lệ tăng huyết áp ở người trên 60 tuổi là 9,2%. Năm 1984, theo điều tra của Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ tăng huyết áp là 4,5%. Năm 1992, theo điều tra của Trần Đỗ Trinh và cộng sự, tỷ lệ tăng huyết áp tại Việt Nam là 11,7% [24]. Năm 1999, theo điều tra của Phạm Gia Khải và cộng sự, tỷ lệ tăng huyết áp là 16,1%; độ tuổi càng cao, tỷ lệ tăng huyết áp càng tăng, đặc biệt từ lứa tuổi 55 trở lên đối với nam và 65 tuổi trở lên đối với nữ, có khoảng một nửa số người cao tuổi bị tăng huyết áp [13].

Tác giả Farbom P (2008) cho rằng tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây ra các biến cố tim mạch với tần suất ở những người Thụy điển là 27% [59]. Kết quả nghiên cứu cho thấy trên 10881 người tăng huyết áp tuổi trung bình là 56,1 ± 5,2, nam giới là 54,6%, huyết áp tâm thu 170,4 ± 18,0 mmHg, huyết áp tâm trương là 104,8 ± 6,9 mmHg, mức lọc cầu thận là 89,1 ± 16,1 ml/phút/1,73m2, micro albumin niệu 22,8%. Tác giả Folkert đánh giá điều trị thông qua dấu hiệu albumin niệu và cho rằng albumin niệu là dấu hiệu quan trọng để theo dõi [61].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số chỉ số huyết động của động mạch thận và mức lọc cầu thận ở bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát (Trang 101 - 104)