Tuần hoàn tại thận Mạch máu thận

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số chỉ số huyết động của động mạch thận và mức lọc cầu thận ở bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát (Trang 35 - 37)

- Công thức ước đoán MLCT của CKDEP

1.3.1.Tuần hoàn tại thận Mạch máu thận

Mạch máu thận

Mỗi thận thường được cấp máu bởi một động mạch thận. Động mạch thận xuất phát từ động mạch chủ bụng ở khoảng giữa chỗ xuất phát của động mạch mạc treo tràng trên và động mạch mạc treo tràng dưới, ngang mức với thân đốt sống thắt lưng thứ 1, sau đó chếch xuống dưới và ra sau. Động mạch thận phải dài hơn động mạch thận trái, chạy luồn sau tĩnh mạch chủ dưới dọc phía sau tĩnh mạch thận phải, để tới rốn thận [1].

Lưu lượng máu đến thận và sự phân phối máu trong thận

Lưu lượng máu đến thận là 1200 ml/phút tương đương với 20% cung lượng tim trong khi trọng lượng của cả hai thận chỉ chiếm dưới 0,5% trọng lượng cơ thể. Lưu lượng máu đến cao như vậy đã giúp hai thận biến đổi một cách liên tục thành phần của huyết tương và các dịch thể khác [1].

Tất cả lượng máu đến thận đều đi vào mao mạch cầu thận, đây là loại mao mạch duy nhất trong cơ thể được đặt giữa tiểu động mạch đến (hay tiểu động mạch trước cầu thận) và tiểu động mạch đi (hay tiểu động mạch sau cầu thận). Đặc tính này giúp giải thích áp lực thuỷ tĩnh cao trong mao mạch cầu thận

(khoảng 45 mmHg) là chính để giữ độ lọc cầu thận. Sự co thắt tiểu động mạch đi sẽ làm giảm tức khắc áp lực thuỷ tĩnh trong các mao mạch quanh ống thận xuống còn khoảng 15 mmHg, áp lực thấp này sẽ giúp cho sự tái hấp thu dịch quanh ống thận vào trong lòng mao mạch được dễ dàng. Sau khi đi vào mao mạch cầu thận, khoảng 90% máu sẽ đến các mao mạch quanh ống thận để tưới máu cho vùng vỏ thận và chỉ có khoảng 10% đến các mao mạch thẳng (vasa recta) để tưới máu tuỷ thận. Nói một cách khác lưu lượng máu cho nhu mô thận và áp suất phần oxy (PO2) giảm dần dần từ vùng nông (vỏ thận) đến vùng sâu (tuỷ thận) của thận [1], [43], [76].

Điều hoà lưu lượng dòng máu thận

Tuần hoàn thận chủ yếu tuỳ thuộc vào kháng lực của các tiểu động mạch và do sự tương tác giữa một bên là tính điều hoà nội tại của thận với một bên là các yếu tố ngoại lai có nguồn gốc từ các hormon (các chất vận mạch) và thần kinh (hệ thần kinh giao cảm thận). Sự điều hoà nội tại giúp lưu lượng máu thận tương đối ổn định ngay cả khi áp lực động mạch trung bình dao động trong một khoảng rất rộng từ 80 – 180 mmHg. Tính tự điều hoà được thực hiện bằng sự co hay giãn các sợi cơ trơn của các tiểu động mạch đến theo hai cơ chế. Theo lý thuyết co cơ (myogenic theory) khi huyết áp cao sẽ làm căng giãn vách tiểu động mạch đến và gây ra sự co cơ trơn trong thành tiểu động mạch, trong khi huyết áp giảm sẽ làm giãn tiểu động mạch. Tuy nhiên, cơ chế chính liên quan trong sự tự điều hoà của thận là cơ chế tác động ngược ống thận - cầu thận (tubuloglomerular feedback). Theo cơ chế này, khi áp lực thuỷ tĩnh trong mao mạch cầu thận giảm sẽ kích thích bộ máy kẽ quản cầu tiết ra renin. Nhiều chất vận mạch ảnh hưởng đến lưu lượng máu thận bằng cách tác động lên các cơ trơn của tiểu động mạch đến và tiểu động mạch đi. Các chất gây co mạch tại thận như angiotensin II, epinephrin và norepinephrin, vasopressin và endothelin làm giảm

lưu lượng máu đến thận. Ngược lại, các chất giãn mạch như bradykinin, prostaglandin, dopamin và nitric oxide làm tăng lưu lượng máu đến thận. Sự kích thích các sợi thần kinh giao cảm gây co mạnh các tiểu động mạch và làm giảm quan trọng lưu lượng máu đến thận và sự tái phân phối máu từ những vùng nông sang những vùng sâu của thận. Hệ thần kinh giao cảm thường được kích thích khi hạ huyết áp do xuất huyết hay khi vận động mạnh [1], [18], [91].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số chỉ số huyết động của động mạch thận và mức lọc cầu thận ở bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát (Trang 35 - 37)