Chi phí sản xuất chung

Một phần của tài liệu hoàn thiện cơ chế định giá tiêu thụ nước sạch tại công ty tnhh nn mtv xây dựng và cấp nước thừa thiên huế (Trang 68 - 72)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.3.3. Chi phí sản xuất chung

٭ Khấu hao tài sản cố định

Cấp nước là loại hình kinh doanh khá đặc thù với giá trị tổng tài sản lớn, chủ yếu là tài sản cố định trong đó hệ thống đường ống truyền tải và nhà máy xử lý nước chiếm giá trị lớn. Hiện tại tài sản cố định của Công ty chiếm trên 80% tổng giá trị tài sản, phần lớn tài sản có thời gian khấu hao dài.

Hiện tại Công ty đang áp dụng phương pháp khấu hao đường thẳng theo quy định tại Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định và các văn bản có liên quan.

Với mục tiêu nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước, thực hiện nhiệm vụ cấp nước không phân biệt địa giới hành chính, Công ty phải song song thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng lực sản xuất và diện bao phủ như: Phát huy tối đa công suất các nhà máy hiện có; Cải tạo, mở rộng quy mô, năng lực cấp nước các nhà máy Dã Viên, Tứ Hạ, A Lưới, Chân Mây…; xây dựng mới các nhà máy Lộc Trì, Lộc An, Hồng Thủy, Hồng Hạ, Đông Sơn, Cù Dù, Phong Điền, Lộc Bổn…; Đầu tư hệ thống cấp nước Khu du lịch Laguna, Thị trấn Phú Lộc, Thị trấn Phong Điền và các xã phụ cận, HTCN Đông phá Tam Giang, tuyến ống truyền tải DN 1.000 Điện Biên Phủ, DN 800 Đống Đa, Tuyến ống DN 500 Phạm Văn Đồng; Tuyến ống DN 315 băng đầm Cầu Hai để cấp nước cho các xã Khu III của huyện Phú Lộc và Phú Vang…; Đầu tư, xây dựng bổ sung các nhà máy xử lý nước cơ động và trạm tăng áp; Tiếp nhận các nhà máy và hệ thống cấp nước từ các ban quản lý dự án địa phương (nguyên giá tài sản lớn nhưng giá trị sử dụng thấp, không hiệu quả, một số nhà máy chưa được tính khấu hao đầy đủ hoặc đã hết thời gian khấu hao nhưng cần phải sửa chữa để duy trì hoạt động)… làm cho tổng giá trị tài sản Công ty tăng mạnh, giá trị tài sản đầu tư của năm sau luôn cao hơn năm trước.

Trong điều kiện tỷ lệ lạm phát tăng, thiếu vốn đầu tư, ngân sách cấp chậm và hạn chế, cùng với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ… Công ty đã chủ động thực hiện điều chỉnh thời gian khấu hao các tuyến ống (từ 10-20 năm xuống 10 năm) nhằm đảm bảo nguồn vốn để tái đầu tư để thực hiện các dự án mở rộng mạng lưới hệ thống cấp nước đến vùng nông thôn, miền núi… nhằm tăng nhanh tỷ lệ người dân sử dụng nước, đảm bảo thời gian hữu dụng ước tính mà tài sản phát huy hiệu quả cho hoạt động SXKD của Công ty.

Với danh mục, giá trị tài sản hiện có và dự kiến tài sản sẽ đầu tư và hình thành trong năm 2013, cùng với hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định tại Thông tư 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính thì tổng chi phí khấu hao TSCĐ năm 2013 của Công ty là 58.987.074.176 đồng, chiếm 59,2% chi phí sản xuất chung và chiếm 22,2% tổng giá thành toàn bộ hoạt động SXKD nước sạch; trong đó khấu hao năm trước là 39.255.423.412 đồng và tài sản mới trong năm là 19.731.650.764 đồng (Phụ lục 9: Khấu hao tài sản cố định).

٭ Chi phí sửa chữa lớn

Căn cứ hình hình quản lý và sử dụng tài sản, hàng năm Công ty tiến hành xây dựng kế hoạch sửa chữa lớn và thực hiện trích và quyết toán theo quy định.

Căn cứ tính chất TSCĐ và kế hoạch SXKD hàng năm, Công ty thực hiện sửa chữa lớn TSCĐ nhằm duy trì, bổ sung năng lực cấp nước của hệ thống đường ống, nhà xưởng và máy móc thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động SXKD nước sạch.

Các nhà máy tiếp nhận từ ban quản lý các địa phương hầu hết đã xuống cấp nghiêm trọng, với công nghệ lạc hậu, tỷ lệ thất thoát cao, công suất nhỏ không đáp ứng được việc cấp nước liên tục cũng như chất lượng nước an toàn làm phát sinh chi phí sửa chữa, nâng cấp, cải tạo tăng cao qua từng năm hoạt động.

- Hệ thống tuyến ống truyền tải ngày càng mở rộng nhằm nâng cao độ bao phủ, đáp ứng mục tiêu nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước. Hiện tại Công ty

đang quản lý, vận hành trên 2.300 km đường ống truyền tải các loại, chiếm tỷ trọng giá trị lớn trong tổng giá trị tài sản của Công ty. Ngoài các yếu tố lắp đặt không đồng bộ (các thời điểm khác nhau), hàng ngàn km đường ống được lắp đặt trước 2002 và còn trên 3,55 km đường ống sắt trên mạng cần phải cải tạo, thay thế…

- Để thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cấp nước, Công ty vừa cải tạo, nâng cấp các nhà hiện tại, tiếp nhận các nhà máy nước nông thôn, đồng thời phải đầu tư xây dựng mới các nhà máy đảm bảo thực hiện quy hoạch cấp nước 2011 – 2020 định hướng 2030 đã làm cho số máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất không ngừng tăng lên, đòi hỏi chi phí cho hoạt động sửa chữa lớn máy móc thiết bị hàng năm tăng cao.

- Hoạt động sửa chữa lớn hàng năm được Công ty lập và thực hiện theo kế hoạch. Năm 2012 tổng chi phí sửa chữa lớn là 16,4 tỷ đồng. Kế hoạch sửa chữa lớn 2013 sẽ tập trung nâng cấp cải tạo các nhà máy như: Chân Mây, A Lưới, Tứ Hạ, Quảng Ngạn, Quảng Công, … và cải tạo một số tuyến ống truyền tải chính với tổng giá trị 18,95 tỷ đồng, tăng 15,4% so với 2012 (Phụ lục 10: Tổng hợp chi phí sửa chữa lớn 2011, 2012 và Khái toán chi phí sửa chữa lớn 2013).

- Với thực trạng chất lượng các công trình hiện tại, đặc biệt là các công trình tiếp nhận từ các địa phương, chất lượng kém đòi hỏi Công ty phải tiếp tục cải tạo, sửa chữa trong những năm đến. Tuy nhiên do nguồn kinh phí sửa chữa lớn còn hạn chế, do đó công tác sửa chữa lớn chưa đảm bảo theo yêu cầu thực tế và nếu đưa hết chi phí sửa chữa lớn để đáp ứng yêu cầu của Công ty thì sẽ gây tăng giá nước đột biến.

٭ Chi phí sửa chữa thường xuyên

Chi phí sửa chữa thường xuyên chủ yếu là chi phí vật tư phục vụ các hoạt động: Sửa chữa nước chảy, cải tạo chuyển dời hệ thống ống nhánh, nâng dời và khắc phục các sự cố liên quan đến đồng hồ sử dụng nước của khách hàng… nhằm duy trì dịch vụ cấp nước theo quy định tại Nghị định 117/2007/NĐ-CP

ngày 11/7/2007 và Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 117/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.

Hiện nay mạng lưới cấp nước được bao phủ trên diện rộng, số lượng khách hàng được lắp đặt nước tăng mạnh từ khi Công ty áp dụng lắp đặt nước miễn phí theo nghị định 117 của Chính phủ. Việc duy tu bảo dưỡng hệ thống ống nhánh của khách hàng được Công ty đặt lên hàng đầu, với chính sách không để khách hàng mất nước, nước đục, nước yếu, Công ty đã tiến hành thay đồng loạt các hệ thống ống thép do khách hàng lắp đặt từ trước nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục, đáp ứng thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng cũng như cải tạo di dời hệ thống ống nhánh đến từng nhà, ngõ xóm tạo cảnh quan môi trường đô thị văn minh hiện đại xứng tầm là thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2015 theo kết luận 48 của Bộ chính trị. Năm 2012, Công ty đã thực hiện các hoạt động sửa chữa thường xuyên với tổng chi phí hơn 6 tỷ đồng; năm 2013 dự kiến chi phí cho hoạt động này là 7,73 tỷ, tăng 27,8% so với thực hiện năm 2012 (Phụ lục 11: Chi phí sửa chữa thường xuyên và duy trì đấu nối 2012 - 2013).

٭ Chi phí quản lý phân xưởng (QLPX)

Chi phí quản lý phân xưởng, bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ, chi phí mua ngoài và các chi phí khác phục vụ cho hoạt động của các phân xưởng sản xuất và phục vụ sản xuất và cung cấp nước sạch, được ghi nhận và phản ánh phù hợp với thực tế hoạt động SXKD của Công ty.

Với việc mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động, tỷ lệ bao phủ và khách hàng sử dụng nước không ngừng tăng cao. Để đáp ứng yêu cầu quản lý sản xuất, Công ty đã không ngừng kiện toàn, tái cấu trúc bộ máy quản lý nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và hiệu quả SXKD dẫn đến chi phí quản lý phân xưởng tăng tương ứng.

Hiện tại Công ty sử dụng tiêu thức lao động sử dụng bình quân để tiến hành phân bổ chi phí QLPX cho các lĩnh vực hoạt động, năm 2012 chi phí

QLPX cho hoạt động SXKD nước sạch là 11,181,644,867 đồng. Năm 2013, khách hàng dự kiến tăng 8,7% đạt 173.500 khách hàng cùng với các nhà máy sẽ tiếp nhận trong năm, Công ty sẽ thành lập thêm chi nhánh mới, tuyển dụng bổ sung nguồn nhân lực, đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quản lý phân xưởng… và chi phí QLPX dự kiến là 13.924.370.218 đồng (Phụ lục 12: Chi phí quản lý phân xưởng 2011, 2012 và kế hoạch 2013).

Một phần của tài liệu hoàn thiện cơ chế định giá tiêu thụ nước sạch tại công ty tnhh nn mtv xây dựng và cấp nước thừa thiên huế (Trang 68 - 72)