7. Kết cấu của luận văn
1.2.2. Vai trò của tài nguyên nước và nước sạch đối với con người
1.2.2.1. Vai trò của tài nguyên nước đối với con người
- Nước là vật phẩm quý giá nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho loài người, nó là khởi nguồn của sự sống: vạn vật không có nước không thể tồn tại và con người cũng không là ngoại lệ. Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy con người có thể nhịn đói được 3 tuần nhưng sẽ chết khát nếu 3 ngày không được uống nước. Nước chiếm 99% trọng lượng sinh vật sống trong môi trường nước và 70% trọng lượng cơ thể người...
- Nước cũng là tài nguyên có ý nghĩa đa ngành, là nguồn nguyên liệu không thể thiếu cho hoạt động của các ngành kinh tế. Hiện nay, nông nghiệp vẫn là ngành sử dụng nước nhiều nhất, chiếm 75-80% tổng lượng nước sử dụng hàng năm, kế theo là nước dùng cho công nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt. Theo tính toán, tổng nhu cầu sử dụng nước của nước ta vào năm 2040, tổng lượng nước cần dùng tăng lên 260 tỷ m3, trong đó ngành nông nghiệp và dịch vụ là 134 tỷ m3, công nghiệp 40 tỷ m3.
- Ngoài những chức năng trên, nước còn là chất năng lượng (hải triều, thủy năng), chất mang vật liệu và tác nhân điều hòa khí hậu, thực hiện các chu trình tuần hoàn vật chất trong tự nhiên. Nước cũng là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người, số lượng cùng với chất lượng nguồn nước mà con người có và sử dụng là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá trình độ văn minh, tiến bộ của con người hiện nay.
1.2.2.2. Vai trò của nước sạch đối với con người
- Nước là yếu tố thứ hai quyết định sự sống chỉ sau không khí, vì vậy con người không thể sống thiếu nước. Nước chiếm khoảng 58-67% trọng lượng cơ thể người lớn và đối với trẻ em lên tới 70-75%, đồng thời nước quyết định tới toàn bộ quá trình sinh hóa diễn ra trong cơ thể con người.
- Đối với phát triển kinh tế, nước sạch là người bạn không thể thiếu của nông nghiệp nông thôn. Những cây trồng lương thực thực phẩm khi không được cung cấp nguồn nước sạch thì khó có thể đảm bảo được chất lượng cây trồng, không thể có sản phẩm an toàn phục vụ cho người dân và để xuất khẩu ra thị trường thế giới.
- Ngoài ra, nguồn nước sạch còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hoạt động y tế và nhiều hoạt động khác như các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, du lịch dịch vụ...
- Đối với môi trường, nước là một phần tất yếu của môi trường. Bởi vậy, môi trường tự nhiên chỉ có thể được đảm bảo khi tài nguyên nước trong sạch. Nguồn nước được đảm bảo trong sạch chính là các dòng sông, ao hồ... không bị ô nhiễm, khiến cho không khí, đất đai không bị ảnh hưởng, các loài sinh vật có thể sinh sống bình thường...
1.2.3. Thực trạng chung về vấn đề cấp nước sạch ở nước ta
Trong thời gian qua, tình hình cấp nước các đô thị Việt Nam đã được Đảng, Chính Phủ quan tâm ưu tiên đầu tư, cải tạo và xây dựng mới các hệ thống cấp nước (HTCN), nhờ vậy tình hình cấp nước đã được cải thiện một cách đáng kể.
Nhiều dự án với vốn đầu tư trong nước, vốn tài trợ của các Chính phủ, các tổ chức Quốc tế đã và đang được triển khai.
Hiện nay toàn bộ 63 thành phố, thị xã tỉnh lỵ trong cả nước đã có các dự án cấp nước ở các mức độ khác nhau. Tổng công suất thiết kế đạt 6,7 triệu m3/ngày đêm. Nhiều nhà máy (NM) được xây dựng trong thời gian gần đây có dây chuyền công nghệ xử lý và thiết bị khá hiện đại. Trong 692 đô thị vừa và nhỏ (loại IV và loại V) đã có khoảng 350 thị xã, thị tứ có hệ thống cấp nước tập trung quy mô từ 500 đến 2.000, 3.000 m3/ngày-đêm được xây dựng từ nhiều nguồn vốn và do nhiều cơ quan, doanh nghiệp quản lý.
Tuy nhiên tình hình cấp nước đô thị còn nhiều bất cập:
- Tỷ lệ cấp nước còn rất thấp:Hiện nay 63 Tỉnh, thành phố có 86 công ty cấp nước cho đô thị. Trong đó vai trò chính cung cấp dịch vụ cấp nước cho các đô thị là các công ty cấp nước địa phương. Một số Trung tâm nước sạch nông thôn đảm nhiệm việc cấp nước cho các đô thị loại IV, V. Các công ty cấp nước hầu hết thuộc loại hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên (TNHH NN MTV). Với hơn 420 nhà máy, tổng công suất thiết kế đạt 6,7 triệu m3/ngày đêm. Độ bao phủ dịch vụ đạt 78% cho các đô thị loại I và II, các đô thị loại IV và V chỉ đạt 10 – 15%.
- Công suất thiết kế của một số nơi chưa phù hợp với thực tế: Nhiều nơi thiếu nước, nhưng cũng có đô thị thừa nước, không khai thác hết công suất, trên thực tế các nhà máy chỉ khai thác được 60 – 70% so với công suất thiết kế, cá biệt tại một số thị xã chỉ khai thác khoảng 15 – 20% công suất thiết kế.
- Tỷ lệ thất thoát thất thu nước còn cao: Theo thống kê của Cục Hạ tầng kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng, tính đến tháng 10/2013, công suất cấp nước sạch của các đô thị Việt Nam đạt khoảng 6,7 triệu m3/ngày đêm. Tuy nhiên lượng nước thất thoát lại lên đến 1,8 triệu m3/ngày (chiếm tỉ lệ 27%). Theo báo cáo của Cục Hạ tầng Kỹ thuật, “hiện 11/63 tỉnh thành có tỷ lệ thất thu, thất thoát nước trên 30%, 22/63 tỉnh thành có tỷ lệ TTTT từ 25 – 30% và 18/63 tỉnh thành có tỷ lệ TTTT từ trong 18 – 25%”[6, tr.2].
Tỷ lệ thất thu cao không chỉ chứng tỏ sự yếu kém về mặt năng lực quản lý (cả tài chính và kỹ thuật) mà nó còn thể hiện kết quả của quá trình đầu tư không đồng bộ giữa việc tăng công suất với công tác phát triển mạng lưới đường ống.
Nếu quy lượng nước thất thoát này ra thành tiền, với giá nước bình quân 3.000 đồng/m3 thì mỗi ngày thất thoát khoảng 5,4 tỉ đồng. Chỉ riêng năm 2005 tỉ lệ thất thoát nước sạch bình quân cả nước là 35%, đến năm 2009 là 30% và hiện nay là 27%. Mặc dù tỉ lệ thất thoát nước sạch giảm qua từng năm nhưng so với các nước trên thế giới thì tỉ lệ này vẫn còn rất cao. Nếu so với các nước như Singapore có tỉ lệ thất thoát nước 5%, Đan Mạch 6%, Nhật Bản 7% thì tỉ lệ thất thoát nước tại Việt Nam còn quá cao, lãng phí lớn.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến thất thoát nước sạch lớn là do hệ thống đường ống cấp nước tại nhiều đô thị hiện nay đã quá cũ, có nhiều tuyến ống trên 30 năm sử dụng, bị rò rỉ nước ở mức cao và có cả sự gian lận trong sử dụng nước. Nếu không có sự đầu tư và thay thế thì nguồn nước sạch bị lãng phí sẽ tiếp tục gia tăng khi nhu cầu sử dụng nguồn nước đang tăng cao.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, số tiền để trả tiền nước chỉ bằng 0,4% thu nhập bình quân đầu người (trong khi tỉ lệ này ở các nước trong khu vực là 3% đến 5%) đã khiến một bộ phận người dân thiếu ý thức tiết kiệm khi sử dụng nước sinh hoạt. Đây cũng là nguyên nhân khiến nguồn nước sạch đang bị lãng phí trầm trọng.
Được biết, mục tiêu của Chương trình chống TTTT nước sạch của nước ta đến năm 2015 bình quân 25%, năm 2020 còn 18% và đến năm 2025 còn 15%. Để thực hiện được mục tiêu này, việc tiên quyết là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng và năng lực chính quyền địa phương, năng lực quản lý của doanh nghiệp, đồng thời phải xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về chống TTTT nước sạch…
- Chất lượng nước: tại nhiều nhà máy chưa đạt tiêu chuẩn quy định, tình trạng nguồn nước ngầm, nước mặt bị ô nhiễm nặng nề ảnh hưởng đến sức khoẻ
của nhân dân. Theo số liệu thống kê, tổng công suất khai thác hiện nay là 6,03 triệu m3/ngày đêm (trong đó 75,62% là nước mặt và 24,38% là nước ngầm). Công tác khảo sát và quản lý nguồn nước nói chung do Bộ Tài nguyên - Môi trường và địa phương quản lý. Việc chất lượng nguồn nước có những biến động trong quá trình khai thác do nhiều nguyên nhân:
- Tình hình khí tượng thuỷ văn trong những năm gần đây có nhiều biến động phức tạp, tình hình, hạn hán, lũ lụt ngày càng nghiêm trọng do hậu quả của hiện tượng phá rừng kết hợp với ENNINO. Do ảnh hưởng của thuỷ triều, nhiều nguồn nước của các đô thị duyên hải (Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Mỹ Tho, Cà Mau, Kiên Giang…) bị nhiễm mặn với thời gian kéo dài cả trên diện rộng và chiều sâu trên đất liền.
- Công tác khảo sát nguồn nước chưa sát với tình hình thực tế, chưa dự báo được những biến động về mặt trữ lượng cũng như về mặt thuỷ địa hoá.
- Công nghệ xử lý nước tại một số nhà máy nước chưa đồng bộ và hoàn chỉnh. Một số dự án công nghệ do tư vấn nước ngoài thiết kế chưa phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
- Vấn đề ô nhiễm nguồn nước do tác động của con người đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Tình hình xả nước thải không qua xử lý ra sông hồ nơi cũng là nguồn cung cấp nước không được kiểm soát. Tại nhiều địa phương hàng ngàn, hàng vạn lỗ khoan mạch nông đang là nguồn gây ô nhiễm cho tầng chứa nước đang khai thác.
- Công tác quản lý khai thác nguồn nước mặt và nước ngầm chưa được các cấp, các ngành quan tâm thích đáng. Tư duy “Nước trời cho” đã dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý, tác động xấu đến chất lượng nguồn nước mặt và nước ngầm.
Trong những nguyên nhân trên thì tình trạng ô nhiễm nước là vấn đề đáng lo ngại nhất. Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa khá nhanh và sự gia tăng dân số gây áp lực ngày càng nặng nề đối với tài nguyên nước trong vùng lãnh thổ. Môi trường nước ở nhiều đô thị, khu công nghiệp và làng nghề ngày càng bị ô
nhiễm bởi nước thải, khí thải và chất rắn thải. Ở các thành phố lớn, hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường nước do không có công trình và thiết bị xử lý chất thải. Ô nhiễm nước do sản xuất công nghiệp là rất nặng. Tình trạng quy hoạch các khu công nghiệp chưa gắn với vấn đề xử lý chất thải, nước thải nên ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn, các khi công nghiệp, khu đô thị đang ở mức báo động. Mặc dù, trong tổng số 194 khu công nghiệp trong cả nước, có trên 70% khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các đô thị chỉ có khoảng 60 – 70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường...
Không chỉ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mà ở các đô thị khác như Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nam Định, Hải Dương... mức thải sinh hoạt cũng không được xử lý ô nhiễm nguồn nước nơi tiếp nhận nước thải đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép, các thông số chất lơ lửng (SS), BOD, COD, DO đều vượt từ 5 – 10 lần, thậm chí 20 lần tiêu chuẩn cho phép.
Về tình trạng ô nhiễm nước ở nông thôn và khu vực sản xuất nông nghiệp, hiện nay Việt Nam có gần 76% dân số đang sinh sống ở nông thôn là nơi có cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi, làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao. Theo báo cáo của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển nông thôn, số vi khuẩn Feca coliform trung bình biến đổi từ 1.500 – 3.500MNP/100ml ở các vùng ven sông Tiền và sông Hậu, tăng lên tới 3.800 – 12.500MNP/100ml ở các kênh tưới tiêu.
Trong sản xuất nông nghiệp, do lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và sức khỏe nhân dân.
Theo thống kê của Bộ Thủy Sản, tổng diện tích mặt nước sử dụng cho nuôi trồng thủy sản đến năm 2013 của cả nước là 1.037 nghìn ha. Do nuôi trồng
thủy sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật nên đã gây nhiều tác động tiêu cực tới môi trường. Cùng với việc sử dụng nhiều và không đúng cách các loại hóa chất trong nuôi trồng thủy sản, thì các thức ăn dư lắng xuống đáy ao, hồ, lòng sông làm cho môi trường nước bị ô nhiễm, các chất hữu cơ làm phát triển một số loài sinh vật gây bệnh và xuất hiện một số tảo độc, thậm chí đã có dấu hiệu thủy triều đỏ ở một số vùng ben biển Việt Nam. Chất lượng nước, đặc biệt là tình trạng nước ngầm bị nhiễm thạch tín, là vấn đề nảy sinh hết sức nghiêm trọng.
- “Cơ chế chính sách ngành nước còn nhiều bất cập, đặc biệt là cơ chế tài chính (giá nước) chưa phù hợp với tinh thần Chỉ thị số 40/1998/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý và phát triển cấp nước đô thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải xây dựng giá nước theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng và trả nợ vốn vay” [8, tr.2]. Hiện nay giá nước sinh hoạt tại các địa phương còn nhiều bất cập, tạo ra sự thiếu hợp lý, không công bằng giữa người dân ở các đô thị lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh) và người dân ở các đô thị nhỏ kinh tế khó khăn nhưng lại thiếu nước trầm trọng. Điều quan trọng nhất phải đề cập đến là: giá nước sinh hoạt ở các đô thị hiện nay không thể hiện được nguyên tắc "nước cần được xem là hàng hoá kinh tế". Các Công ty cấp nước chưa thực sự chuyển đổi từ loại hình doanh nghiệp công ích sang hoạt động kinh doanh.
Theo các chuyên gia cấp nước, nếu mức bình quân của giá nước sinh hoạt trên toàn quốc hiện nay là 3.000 đ/m3 thì chi phí này mới chiếm 0,4% thu nhập thực tế của người dân, trong khi đó tại các nước ở khu vực phát triển tỷ lệ này là 3%. Nguyên nhân của tình trạng trên là do:
- Nhận thức của Lãnh đạo địa phương còn hạn chế, tư duy "nước trời cho", nước là dịch vụ công ích, Chính phủ phải có trách nhiệm đầu tư và cung cấp nước "miễn phí" cho dân vẫn còn tồn tại phổ biến.
- Cơ chế, chính sách tài chính trong cấp nước đô thị vẫn còn thiếu hoàn chỉnh và không đồng bộ. Tỷ lệ khấu hao tài sản cố định là vấn đề khó khăn lớn nhất trong quá trình tính giá thành. Một số doanh nghiệp còn rất lúng túng không biết tính khấu hao như thế nào vì chưa có hướng dẫn cụ thể.
- Nhiều dự án vay của nước ngoài phải trả nợ theo lộ trình tăng giá nước nhưng điều kiện trả nợ lại không khả thi và khó thực hiện.
Trong qui hoạch xây dựng, ngành nước phải là người đi tắt đón đầu qui hoạch nhưng trên thực tế thì gần như ngược lại, chỗ nào có hạ tầng rồi sau đó nước mới “len vòi” chảy vào mà ít khi có sự phối hợp ngay từ đầu giữa các ngành để mang lại hiệu quả cao và có tính lâu dài, tránh lãng phí không cần thiết. Công ty cấp nước thì cứ đào lên rồi lấp xuống, xây mới và tu sửa. Để lý giải cho tình trạng trên, người ta vẫn thường viện dẫn nguyên nhân do thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống trước kia đã cũ đang được cải tạo... Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa chính do quá trình quản lý và bất cập trong cơ chế, chính sách.