0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (102 trang)

Thiết kế bài học

Một phần của tài liệu DẠY HỌC CA DAO HÀI HƯỚC TRONG SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN 10 THEO ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI (Trang 85 -94 )

6. Cấu trúc của luận văn

3.1. Thiết kế bài học

CA DAO HÀI HƯỚC

(tiết 29, tuần 10)

I. Mục tiêu bài học

Giúp học sinh:

- Cảm nhận được tiếng cười lạc quan trong ca dao qua nghệ thuật trào lộng thông minh, hóm hỉnh của người bình dân vượt lên trên cuộc sống nhọc nhằn và thiệt thòi của họ.

- Tiếp tục rèn luyện kỹ năng tiếp cận và phân tích ca dao qua tiếng cười của ca dao hài hước.

- Trân trọng lối sống lạc quan yêu đời của người lao động thông qua tiếng cười của họ được biểu hiện một cách nghệ thuật trong ca dao.

II. Tiến trình giờ dạy

1. Ổn định tổ chức lớp, kiểm tra bài cũ 2. Giới thiệu bài mới

Hoạt động 1: Đọc và tìm hiểu cấu trúc bài ca.

Hướng dẫn học HS đọc chùm ca dao hài hước.

Gợi dẫn: Trong bốn bài ca dao chúng ta được học, những bài nào là

tiếng cười giải trí, tự trào, những bài nào là tiếng cười phê phán, chế giễu?

Yêu cầu:

Bài 1: Tiếng cười giải trí, tự trào. Cho học sinh đọc theo lối đối đáp, giọng đọc tươi vui, dí dỏm mang âm hưởng đùa cợt…

Bài 2,3,4 : Tiếng cười phê phán, chế giễu. Đọc với giọng vui tươi có pha ý giễu cợt.

Hoạt động 2: Hướng dẫn học sinh khám phá nội dung hài hước và nghệ thuật hài hước ở từng bài ca.

Bài 1

HS đọc - GV giúp giải nghĩa những từ khó.

Bài ca dao là lời dẫn cưới của chàng trai và lời thách cưới của cô gái:

Gợi dẫn 1: Việc dẫn cưới và thách cưới ở đây có gì khác thường?

Yêu cầu:

Cái khác thường trước hết ở “lễ vật” của việc dẫn cưới và thách cưới. - Lễ vật trong lời dẫn cưới của chàng trai là: “thú bốn chân”, tưởng sang trọng linh đình dẫn voi, trâu, bò hoá ra chỉ là con “chuột béo” mời cả dân, cả làng.

- Lễ vật trong lời thách cưới của nhà cô gái cũng chả phải là tiền bạc hay các lễ vật sang trọng mà chỉ đơn giản là “một nhà khoai lang”.

Gợi dẫn 2: Cách nói của chàng trai và cô gái có gì đặc biệt, nhất là cô gái?

Yêu cầu:

- Cưới là việc hệ trọng trong đời người, không thể có chuyện đùa cợt. Thế mà lời dẫn cưới của chàng trai và lời thách cưới của cô gái từ đầu đến cuối toàn là những lời đùa vui, cứ như thể họ là những người quyết định tất cả, có sao cũng được. Chàng trai thì khoa trương, phóng đại, dí dỏm: trong khi cô gái thì vô tư, hồn nhiên, thanh thản đến lạ thường.

- Đáng chú ý ở đây là lời thách cưới của cô gái. Cưới là việc hệ trọng trong đời người con gái, vậy mà chỉ có thách “một nhà khoai lang”. Cũng chẳng phải khoai to, khoai ngon, mà là khoai gì cũng được kể cả “củ rím”, “củ hà” em cũng đón nhận.

Điều đó cho thấy cô gái đã thấu hiểu cảnh ngộ của hai gia đình. Cô gái không chỉ cảm thông với chàng trai mà bằng lòng với cảnh nghèo của hai người.

Gợi dẫn 3: Qua lời đối đáp của chàng trai và cô gái ta thấy cuộc sống của người dân lao động xưa như thế nào?

Cuộc sống của người dân lao động xưa rất nghèo, nhưng trong cái nghèo ấy họ vẫn cất lên tiếng cười đùa vui, hóm hỉnh. Nhất là trong đám cưới - một đám cưới nghèo mà vẫn vui, vẫn có thể đùa cợt…

Gợi dẫn 4: Trong bài ca dao này, người dân lao động đã cười ai? Cười điều gì? Chọn thời điểm nào để cười?

Yêu cầu:

Người dân lao động xưa tự cười mình trong cảnh nghèo. Chọn đúng việc cưới xin là lúc để bộc lộ rõ nhất cái nghèo để cười, để vui. Vì ngày mai mà không được vui thì rất bất hạnh nên họ chuyển cái buồn vì nghèo khó thành niềm vui trào lộng không những để quên cái tình cảnh nghèo mà còn biểu lộ thái độ xem trọng và đề cao tình nghĩa hơn là vật chất.

Gợi dẫn 5: Đằng sau tiếng cười ấy, ta thấy được điều gì về phẩm chất, bản lĩnh, vẻ đẹp tâm hồn và triết lí sống của người dân lao động xưa?

Yêu cầu:

- Thể hiện ở lòng yêu đời và tinh thần lạc quan. Bởi yêu đời thì mới tự cười mình trong cảnh nghèo.

- Họ đã vượt lên cảnh nghèo để sống một cách lạc quan. Qua đó ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của họ: ham sống, sống vui tươi, hồn nhiên, chân thành, trong sáng. Họ sống vui, lạc quan, yêu đời trong cảnh nghèo khó của mình theo triết lí sống của người Việt Nam “an bần lạc đạo”.

Gợi dẫn 6: Tác giả dân gian đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật nào để thể hiện tiếng cười?

Yêu cầu:

- Lối nói khoa trương, phóng đại: dẫn voi, dẫn trâu, dẫn bò. - Lối nói giảm dần:

.Voi - trâu - bò - chuột (chàng trai) . Củ to - củ mẻ - củ rím, củ hà (cô gái)

- Cách nói đối lập: . Dẫn voi/ sợ quốc cấm.

. Dẫn trâu/ sợ họ (nhà gái) máu hàn. . Dẫn bò/ sợ họ (nhà gái) co gân. . Lợn gà/ khoai lang.

- Chi tiết hài hước:

. “Dẫn con chuột béo mời dân mời làng”.

Có thể liên tưởng đến chi tiết “Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã”, và tranh Đông Hồ thuộc văn hoá dân gian.

Bài 2,3,4

HS đọc lại 3 bài ca dao

Gợi dẫn 1: Tiếng cười trong ba bài ca dao này có gì khác so với tiếng

cười bài 1?

Yêu cầu:

Nếu như tiếng cười ở bài 1 là tiếng cười chính bản thân mình, tự trào về cái nghèo của mình, thì tiếng cười ở bài ba này là tiếng cười châm biếm, chế giễu, phê phán những thói hư tật xấu.

Gợi dẫn 2: Tác giả dân gian cười những loại người nào trong xã hội, nhằm mục đích gì với thái độ ra sao?

Yêu cầu:

Tác giả đã cười vào từng đối tượng cụ thể:

+ Bài 2,3 chế giễu loại đàn ông yếu đuối, lười nhác không có chí lớn trong xã hội.

+ Bài 4 châm biếm những người phụ nữ luộm thuộm, vô duyên, hay ăn quà vặt và không ý tứ với mình với người khác. Tiếng cười trào lộng châm biếm nhẹ nhàng toát lên từ hình ảnh người chồng đứng ra bênh che, nguỵ biện cho cái dở, cái xấu của vợ mình.

Chẳng biết những lời ấy là thật lòng hay lại mỉa mai thêm? Phải chăng đó cũng là thái độ chấp nhận bao dung độ lượng của người chồng vì đã trót “yêu” (chồng yêu…)

Tiếng cười nhằm mục đích phê phán trong nội bộ nhân dân nhằm nhắc nhắc nhở nhau tránh những thói hư tật xấu mà con người thường mắc phải. Thái độ của tác giả dân gian ở đây nhẹ nhàng, thân tình, mang tính giáo dục không vì thế mà kém phần sâu sắc.

Gợi dẫn 3: Hãy chỉ ra những điều đáng phê phán, chế giễu trong từng bài? Nét riêng trong nghệ thuật trào lộng của từng bài ca dao là gì?

Yêu cầu: Bài 2

- Phê phán loại đàn ông yếu đuối, không có sức trai, không đáng làm trai. - Nghệ thuật trào lộng ở đây là nói mỉa mai và phóng đại, làm cho sự đối lập ý ở câu 1 và câu 2 càng nổi bật, tạo nên tiếng cười vui thoải mái.

Làm trai cho đáng sức trai,

Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng.

Sức trai của anh chàng này là “gánh hai hạt vừng” trên vai mà vẫn phải gánh hết mình, phải “khom lưng chống gối” mới có thể đứng dậy và đi từng bước. Hình ảnh “khom lưng chống gối” thật là hài hước.

Nghệ thuật tăng tiến: gánh hai hạt vừng mà đã phải “khom lưng chống gối” thì quả là quá yếu quá lười biếng nên sinh ra cơ sự ấy. Tiếng cười thoát ra từ chỗ ý nhị kín đáo trong hình thức nghệ thuật này.

Bài 3

- Là tiếng cười châm biếm loại đàn ông lười biếng trong xã hội.

- Nghệ thuật trào lộng ở bài này là dùng sự so sánh bằng hình ảnh đối lập, hài hước:

Chồng người đi ngược về xuôi, Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo.

Tác giả dân gian so sánh giữa “chồng người” và “chồng em”, giữa một đằng thì chỉ ngồi ở xó bếp “sờ đuôi con mèo”, một sự lười biếng điển hình không chịu làm lụng, xoay sở để kiếm sống.

Bài 4

- Là tiếng cười châm biếm đối với những người đàn bà vừa xấu xí vừa lười biếng, lại còn hay ăn quà và bẩn thỉu.

- Nghệ thuật trào lộng độc đáo ở bài này là để cho nhân vật trữ tình tự khoe về những nết xấu của mình; đồng thời còn có cả những biện pháp nghệ thuật quen thuộc của ca dao: cường điệu, phóng đại sự việc để châm biếm, hài hước: “Lỗ mũi mười tám gánh lông”, “Đêm nằm thì gáy o o”…và lối nói mỉa mai, hài hước: “râu rồng trời cho”, “gáy cho vui nhà”, “về nhà đỡ cơm”, “hoa thơm rắc đầu”.

Nhìn chung các tác giả dân gian châm biếm, phê phán với thái độ vui vẻ, nhẹ nhàng chứ không mỉa mai sâu cay, gay gắt.

Gợi dẫn 4: Qua tìm hiểu những bài ca dao trên, các em có thể thấy được

những nét đặc sắc nào của nghệ thuật trào lộng qua các bài ca dao trên?

Yêu cầu:

Tiếng cười trào lộng, châm biếm trong các bài ca dao trên đã được tạo nên bởi những biện pháp nghệ thuật:

- Nói quá: Người bình dân Việt Nam xưa thường phóng đại, cường điệu để tô đậm các hiện tượng cần châm biếm. Ví dụ: “Cưới nàng anh toan dẫn voi…Nhà em thách cưới một nhà khoai lang”, “khom lưng chống gối, gánh hai hạt vừng”, “Lỗ mũi mười tám gánh lông”,…

- Tương phản: Tạo nên một sự đối lập giữa các ý thơ, câu thơ để tự nó toát lên tiếng cười. Ví dụ “Làm trai cho đáng sức trai” đối lập với “gánh hai hạt vừng” mà lại vẫn phải “khom lưng chống gối”.

- So sánh: Đây là nghệ thuật phổ biến trong ca dao. Riêng ở ca dao hài hước thì so sánh là để tô đậm sự vật, sự việc cần châm biếm. Ví dụ: “Chồng người đi ngược về xuôi - Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo”.

Các biện pháp nghệ thuật nói trên kết hợp chặt chẽ với nhau tạo nên cách nói, giọng nói mỉa mai dí dỏm, nhẹ nhàng nhưng ý nghĩa châm biếm lại sâu sắc.

Hoạt động 3: Củng cố

Gợi dẫn: Chùm ca dao hài hước đã để lại trong em ấn tượng như thế nào

về người bình dân xưa?

Yêu cầu:

Những bài ca dao hài hước đã đem đến cho ta một ấn tượng sâu sắc về những người bình dân xưa. Mặc dù cuộc sống còn nhiều vất vả, lo toan, nhưng họ luôn lạc quan, yêu đời và có một triết lí sống lành mạnh. Họ còn là những người dân quê thông minh, hóm hỉnh, lại rất có tài trào lộng để giải trí, để tự cười mình và châm biếm, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội.

CA DAO HÀI HƯỚC, CHÂM BIẾM

(tiết 33, tuần 9)

I. Mục tiêu bài học

- Hiểu được đối tượng, ý nghĩa của những bài ca dao trong bài học - Thấy được thủ pháp gây cười của những bài ca dao hài hước, châm

biếm.

II. Tiến trình giờ dạy

1. Ổn định tổ chức lớp, kiểm tra bài cũ 2. Giới thiệu bài mới

Hoạt động 1: Đọc văn bản: Chùm ca dao hài hước, châm biếm

GV đọc mẫu hướng dẫn HS cách đọc Gọi HS đọc và kiểm tra cách đọc.

Hoạt động 2: Tìm hiểu nội dung hài hước và nghệ thuật hài hước ở từng bài ca.

Tìm hiểu bài ca dao số 1:

Gợi dẫn 1: Nội dung bài ca dao này nói điều gì?

Yêu cầu:

- Hình ảnh chú cuội được giải thích khá bất ngờ:

+ Đây không phải hình ảnh chú cuội ngồi gốc cây đa quen thuộc mà là chú cuội “ phải ấp cây cả đời”-> gợi một sự hài hước (không gợi sự tích xúc động như hình ảnh quen thuộc)

+ Trong dân gian kể về sự tích chú cuội ngồi gốc cây đa khác truyện kể về tài nói dối của cuội, ở bài này hình ảnh chú cuội ngồi gốc cây đa được lồng ghép với cuội nói dối

Gợi dẫn 2: Em có nhận xét gì về cái cười và lời đáp của cuội?

Yêu cầu:

- Tính hài hước, láu lỉnh vốn là bản chất nhân vật cuội

+ Cuội ý thức rất rõ tật nói dối của mình và chuyện “bị phạt” về tật ấy -> Biểu hiện rất hồn nhiên, láu lỉnh ngay cả khi bị phạt

+ Cuội không mảy may ân hận hay xấu hổ. Còn cuội là còn sự nói dối để vang tiếng cười hài hước

=> Cuội láu lỉnh, hài hước, nói một đằng làm một nẻo. Người ta thích cười với cuội, cười cùng cuội, không ghét cuội nhưng ít tin cuội.

Tìm hiểu bài ca dao số 2,3.4:

Gợi dẫn 3: Trong quan niệm của nhân dân, nam nhi và người anh hùng phải như thế nào? Những hiện tượng nêu trong ba bài ca dao này có đúng với quan niệm ấy không?

Yêu cầu:

“Làm trai cho đáng nên trai, Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng”.

“Làm trai cho đáng nên trai,

Xuống Đông, Đông Tĩnh, lên Đoài, Đoài tan”.

Người anh hùng là người có tài năng đặc biệt, làm nên những việc phi thường được mọi người kính phục yêu mến.

- Trong ba bài ca dao này quan niệm làm trai hoàn toàn trái ngược. Tiếng cười châm biếm được tạo nên bởi thủ pháp nghệ thuật

+ Đối lập: Làm trai >< Các hiện tượng xã hội

+ Ngoa dụ: Làm trai chỉ giỏi “ăn cỗ” với khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng.

Gợi dẫn 4: Em hãy cho biết thủ pháp nghệ thuật chơi chữ ở bài 4

Yêu cầu:

+ Chơi chữ: Sử dụng thành ngữ anh hùng rơm và sự kết hợp hình ảnh “rơm” “mồi lửa” -> Là hình thức chơi chữ độc đáo, chế giễu kẻ không có can đảm, tài năng nhưng khoe mẽ.

 Sự kết hợp các thủ pháp nghệ thuật trên tạo nên cách nói dí dỏm nhẹ nhàng, sâu sắc để chế giễu những kẻ mang danh nam nhi mà háu ăn yếu đuối hèn nhát bất tài mà lại hay huênh hoang.

Tìm hiểu bài ca dao số 5:

Gợi dẫn 5: Nhận xét về các hiện tượng được nêu trong bài ca dao? Cách

nói ngược trong bài ca dao có dụng ý gì?

Yêu cầu:

Những hiện tượng được miêu tả đều phi lí, ngược đời, trái tự nhiên, chẳng bao giờ có trong thực tế:

- Không có chuyện ếch tha rắn, lợn liếm lông hùm

- Rất nhiều hiện tượng không gắn với tháng ba: tháng ba chưa có hồng, chưa có cào cào

Cách nói trong bài ca dao là cách nói ngược, cách nói này có nhiều ý nghĩa. - Tạo nên tiếng cười hài hước, giải trí, mua vui. -> Tiếng cười như thế rất cần trong cuộc sống.

- Chế giễu những hiện tượng phi lí ngược đời.

Hoạt động 3: củng cố

Gợi dẫn 6: Em hãy rút ra kết luận qua chùm ca dao hài hước, châm biếm?

Yêu cầu:

. Kết luận:

- Ca dao hài hước, châm biếm là những bài ca cốt để giải trí và phê phán những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống, cùng với truyện cười, vè sinh hoạt nó tập trung thể hiện nét đặc sắc của nghệ thuật đối lập, phóng đại, chơi chữ…

- Ca dao hài hước chứng tỏ sự thông minh, tinh thần đấu tranh, tinh thần lạc quan của con người Việt Nam trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu DẠY HỌC CA DAO HÀI HƯỚC TRONG SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN 10 THEO ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI (Trang 85 -94 )

×