Bối cảnhquốc tế và trong nước

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế Tỉnh Điện Biên (Trang 84)

- Bối cảnh quốc tế

+ Sự hình thành nền kinh tế tri thức với đặc trưng nổi bật là sự xâm nhập nhanh của tri thức và công nghệ cao vào tất cả các ngành, các lĩnh vực và quyết định xu hướng hình thành cơ cấu kinh tế mới. Trong nền kinh tế này, những lợi thế truyền thống đang dần nhường chỗ cho lợi thế về tri thức, về công nghệ và năng lực sáng tạo của con người. Sự di chuyển những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và cả những ngành sử dụng nhiều vốn từ các nước phát triển nhất ra nước ngoài để tập trung vào những ngành công nghệ cao với tính cách là một chiến lược phát triển quy mô lớn, là một cơ hội tốt cho các nước đang phát triển hiện nay.

+ Quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc đã dần xóa nhòa biên giới kinh tế quốc gia. Việc hình thành sự liên kết chức năng sản xuất làm cho các chính sách kinh tế quốc gia ngày càng phải tính tới sự phối hợp với các yếu tố bên ngoài chứ không chỉ mang sắc thái đôc lập như trước. Giờ đây các doanh nghiệp quốc gia thường xuyên phải chịu sức ép cạnh tranh mang quốc tế. Về phương diện tài chính, quy mô của sự lưu chuyển luông vốn đã đạt mức kỷ lục.

Trong quá trình toàn cầu hóa, các dòng di chuyển lao động quốc tế diễn ra thường xuyên với quy mô lớn đã đem lại những cơ hội lớn cho các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển dư thừa lao động có thể xuất khẩu

lao động ra nước ngoài nhất là sang các nước phát triển hơn. Các nước đang phát triển cũng có cơ hội tốt hơn để thu hút lao động trình độ cao thuộc mọi lĩnh vực mà họ đang cần. Bên cạnh đó, việc di chuyển lao động sẽ kéo theo tăng cầu về các dịch vụ kèm theo như vận tải, thông tin liên lạc, nhà ở… tạo sự kích thích đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các nước đang phát triển cũng phải đối mặt với tình trạng "chảy máu chất xám" đang diễn ra. Điều này đã làm cho qua trình bắt nhịp vào dòng chảy chung của toàn cầu hóa và kinh tế trị thức trở nên càng khó khăn.

Sự vận động của quá trình phân công lao động quốc tế hình thành chuỗi giá trị toàn cầu có ảnh hưởng rất quan trọng đối với các nước đang phát triển. Một mặt, các quốc gia đang phát triển có thể thâm nhập ngay vào chuỗi giá trị toạn cầu ngay cả khi các nước này chưa có một hệ thống công nghệ hoàn chỉnh và hiện đại. Nhưng mặt khác, những biến đổi cơ cấu kinh tế của các nước khó trành khỏi bị lệ thuộc vào chiến lược toàn cầu của các công ty xuyên quốc gia.

Tóm lại, xu thế toàn cầu hóa kinh tế quốc tế hiện nay có tác động rất mạnh mẽ đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng nước, vì chính sự phân công lao động diễn ra trên phạm vi quốc tế ngày càng sâu sắc và cơ hội thị trường rộng lớn được mở ra trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế quốc tế, cho phép các nước có khả năng khai thác những thế mạnh của nhau để trao đổi các nguồn lực, vốn, kỹ thuật, hàng hóa và dịch vụ một cách hiệu quả... Quá trình đó vừa bắt buộc, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các nước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với sự phân công lao động trên quy mô toàn thế giới.

+ Những năm gần đây giá cả nông sản trên thị trường thế giới có xu hướng tăng mở ra cơ hội nâng cao khả năng cạnh tranh cho những quốc gia còn đang dựa nhiều hơn vào nông nghiệp. Cùng với sự phát triển của tri thức

khoa học, mức độ áp dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã nâng cao năng suất cũng như giá trị gia tăng trong nông nghiệp lên rất nhiều. Đây là cơ hội để Điên Biên phát huy lợi thế so sánh về tiềm năng nông nghiệp chất lượng cao thân thiện với môi trường.

+ Hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Sau cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra quá trình cơ cấu lại một cách sâu sắc nền kinh tế của các nước và toàn cầu. Một trong những đặc điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính lần này là nó diễn ra đồng thời với cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng khí hậu và môi trường, do đó kinh tế thế giới sẽ hướng mạnh vào công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Các nền kinh tế tùy thuộc quá nhiều vào xuất khẩu sẽ phải điều chỉnh theo hướng chú trọng hơn tới thị trường nội địa. Hệ thống tài chính ngân hàng có thể sẽ được cơ cấu lại. Điều này sẽ có tác động đáng kể tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam cũng như của tỉnh Điện Biên.

- Bối cảnh trong nước

+ Nền kinh tế Việt Nam chuyển từ cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường có sự định hướng của nhà nước xã hội chủ nghĩa theo quan điểm đổi mới của đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 đến nay đã được hơn hai mươi năm. Thể chế kinh tế thị trường đã từng bước được hoàn thiện hơn và đã được nhiều nước trên thế giới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường hoàn thiện. Với sự hình thành, mở rộng và từng bước hoàn thiện cơ chế thị trường, việc phân bổ nguồn lực vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhau, tức là quyết định trạng thái cơ cấu kinh tế quốc gia, ngày càng dựa vào các quyết định mang tính thị trường. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một nền kinh tế thị trường thực sự. Các loại thị trường chưa đồng bộ, trong đó một số thị trường mới ở trạng thái manh nha như thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ, thị trường chứng khoán…. Tình trạng

độc quyền còn tồn tại trọng một số lĩnh vực, trong đó có tình trạng độc quyền nhà nước biến thành độc quyền công ty. Một trong những nguyên nhân cơ bản là chưa có sự tách bạch quyền quản lý nhà nước và quyền kinh doanh của danh nghiệp. Tư duy của thời kỳ kế hoach hóa tập trung như tư tưởng bao cấp, đối xử không công bằng, cơ chế xin-cho, thiếu minh bạch, thiếu thông tin… vẫn còn là trở ngại lớn.

Tóm lại, vai trò của yếu tố thị trường trong phân bổ nguồn lực còn hạn chế do tình trạng bất đối xứng thông tin hoặc tình trạng méo mó thông tin còn phổ biến.

+ Việt Nam ra nhập WTO đánh dấu sự phát triển mới của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trở thành thành viên chính thức của tổ chức thương mại thế giới tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường rộng lớn. Đồng thời cũng tạo áp lực nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư. Mặc dù tỷ lệ đầu tư trên GDP tăng lên nhưng hiệu quả đầu tư lại có xu hướng giảm thể hiện qua chỉ số ICOR tăng lên với tốc độ cao hơn, trong khi tốc độ đổi mới công nghệ còn chậm khiến vấn đề cơ cấu và chất lượng đầu tư cần được xem xét lại. Môi trường đầu tư tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vấn đề lớn cần giải quyết như: thủ tục hành chính phức tạp, quan liêu tham nhũng tràn lan; hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư; thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo, đặc biệt là công nhân kỹ thuật và kỹ sư ngày càng rõ rệt; tiến độ giải phóng mặt bằng còn châm.

+ Xu hướng FDI vào Việt Nam : những năm vừa qua xu hướng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và qua đó cũng cho thấy môi trường đầu tư ở Việt Nam đã được cải thiện. Năm 2008, năm thu hút FDI đạt mức kỷ lục 71,7 tỉ USD, số dự án có quy mô vốn đăng ký trên 1 tỉ USD là 11 dự án, mức vốn

đăng ký bình quân một dự án khoảng 65 triệu USD. Đến năm 2009, do ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2009 cũng suy giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2008. Các số liệu sơ bộ tính đến 15-12-2009 cho thấy, Việt Nam thu hút chỉ bằng 53,9% về số dự án mới và 30% vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ 2008. Tuy nhiên, vốn đăng ký tăng thêm của các dự án đang hoạt động lại sụt giảm rất ít. Có 215 dự án đã được điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm là 5,14 tỉ USD, bằng 98,3% so với năm 2008 (mức cao nhất kể từ khi ban hành văn bản pháp quy đầu tiên về đầu tư nước ngoài).

+ Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ, tỷ lệ lao động biết chữ khá cao so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Đây là tiềm năng để tiếp cận với kỹ năng lao động, tiếp cận với khoa học công nghệ tiến tiến, với kiến thức quản lý hiện đại một cách nhanh chóng. Vế mặt địa lý, Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm Đông Nam Á- một khu vực đang phát triển năng động của thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, tăng cường giao lưu kinh tế với khu vực và thế giới.

Tình hình chính trị ổn định, vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao cùng với các hoạt động kinh tế đối ngoại tích cực trong năm 2009 của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta sẽ tiếp tục củng cố lòng tin và làm gia tăng mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với nước ta trong năm 2010 và thời gian tới.

- Bối cảnh của tỉnh

+ Tiếp tục thực hiện tái định cư thủy điện Sơn La với nguồn vốn của chính phủ, tỉnh có thể tận dụng để nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật.

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004 - 2010 đạt ở mức khá, trên 11% một năm. Thu nhập bình quân đầu

người tăng lên 547 USD/người/năm chưa bằng một nửa mức thu nhập bình quân của cả nước.

+ Năm 2010 tình hình kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc phát triển khá với mức tăng GDP 11,6%, , tổng sản lượng lương thực toàn vùng tăng 1,4%. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, một số địa phương có mức tăng khá cao như Lào Cai tăng 29,8%, Sơn La tăng 25%, Phú Thọ tăng 23%...Cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông của vùng tiếp tục được cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên; tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong vùng được giữ vững…

+ Điện Biên vẫn là tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, ngày càng tụt hậu xa so với cả nước, đời sống dân cư còn rất khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người. Tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, với phong tục tập quán khác nhau, đặc biệt các thế lực thù địch đã lợi dụng điều này để chống phá, gây mất đoàn kết, do đó tiềm ẩn nguy cơ bất ổn chính trị.

+ Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội là hạn chế lớn nhất không chỉ riêng với tỉnh Điện Biên mà là khó khăn chung của các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua tỉnh đã tập trung đầu tư cải thiện tình hình cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội như đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, mạng lưới điện, bệnh viên, trường học…Hiện nay, các quốc lộ 6, quốc lộ 12, quốc lộ 279 đã hoàn thiện việc nâng cấp đưa vào sử dụng, giảm thời gian và chi phí vận chuyển đáng kể, hệ thống đường đến các trung tâm xã cũng được nâng cấp, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã, phường có điện thoại và điểm bưu điện văn hoá xã; trung tâm các khu đô thị, thị tứ đã được phủ sóng điện thoại di động. Mặc dù đã được đầu tư nâng cấp đáng kể so với trước đây nhưng nhìn chung hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều yếu kém chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế Tỉnh Điện Biên (Trang 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)