- Vị trí địa lý kinh tế
Điện Biên là tỉnh miền núi cao, biên giới; có diện tích tự nhiên rộng 9.562,9 km2, 50% diện tích có độ cao trên 1000m so với mực nước biển, 70% diện tích có độ dốc 25 độ trở lên. Địa hình chia cắt, có nhiều sông, suối, là vùng đầu nguồn của sông Đà, sông Mã và sông Mê Công. Phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, phía Tây và Tây Nam giáp với Lào. Trên tuyến biên giới Việt - Lào có 2 cặp cửa khẩu đó là: cửa khẩu chính Huổi Puốc - Na Son và cửa khẩu Quốc tế Tây Trang - Xốp Hùn; trên tuyến biên giới Việt - Trung, có cặp cửa khẩu A Pa Chải - Long Phú hiện đang hoàn tất các thủ tục để trình Chính Phủ hai nước cho phép thành lập cửa khẩu chính.
Điện Biên nằm cách thủ đô Hà Nội 500 km theo đường bộ, có cảng Hàng không Điện Biên Phủ đi Hà Nội và đã được Chính phủ cho phép mở đường bay tới một số nước trong khu vực như: Lào, Myanma, Cam Pu Chia.
Tỉnh có 9 đơn vị hành chính gồm 01 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện với 106 xã, phường, thị trấn.
Là tỉnh có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh, là đầu mối giao thông quan trọng giữa khu vực các tỉnh Tây Bắc, Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào và Vân Nam Trung Quốc.
Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21 - 230C, lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.700 - 2.500mm nhưng phân bố không đều trong năm. Mưa lớn thường tập trung vào các tháng 6, 7, 8 và chiếm tới 80% lượng mưa cả năm. Độ ẩm không khí trung bình hàng năm từ 80 - 85%. Số giờ nắng hàng năm bình quân từ 1.580 -1.800 giờ.
- Về tài nguyên thiên nhiên + Tài nguyên đất
Điện Biên có tổng diện tích tự nhiên là 956.290 ha. Trong đó: diện tích đất đang sử dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp của Điện Biên có 711.230,9 ha, chiếm 74,37% diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó đất sử dụng vào lâm nghiệp chiếm 61,7% diện tích đất tự nhiên (diện tích đất có rừng là khoảng 401.000 ha, chiếm 44% diện tích tự nhiên); đất mặt nước nuôi trồng thủy sản là 778 ha, chiếm 0,08% diện tích tự nhiên của tỉnh. Đất chưa sử dụng của Điện Biên còn rất lớn, với 225.594 ha, chiếm 23,6% tổng diện tích tự nhiên, cùng với khoảng 189.000 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng, tuy hầu hết là đất dốc chỉ thích hợp để phát triển sản xuất lâm nghiệp nhưng được xác định là nguồn tài nguyên quí giá, một thế mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
+ Tài nguyên nước và thủy năng
Với lượng mưa hàng năm khá lớn, hệ thống ao hồ và sông suối nhiều (toàn tỉnh có hơn 10 hồ lớn và hơn 1.000 sông suối lớn nhỏ phân bố tương đối đồng đều trong tỉnh) nên nguồn nước mặt ở Điện Biên rất phong phú theo 3 hệ thống sông chính là sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông. Sông Đà trên địa bàn Điện Biên có các phụ lưu chính là Nậm Ma, Nậm Bum, Nậm Pô, Nậm Mức... với tổng diện tích lưu vực khoảng 5.300 km2, chiếm 55% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Hệ thống sông Mã có các phụ lưu chính là sông Nậm Khoai thuộc huyện Tuần Giáo và sông Nậm Mạ thuộc huyện Điện Biên với diện tích lưu vực 2.550 km2. Đây là hệ thống sông lớn thứ hai của tỉnh.
Hệ thống sông Mê Kông có diện tích lưu vực là 1.650 km2
với các nhánh chính là sông Nậm Rốm, Nậm Núa.
Đặc điểm chung của các sông suối trong tỉnh là có độ dốc lớn, lắm thác nhiều ghềnh, nhất là các sông suối thuộc hệ thống sông Đà và sông Nậm Rốm. Chất lượng nước tương đối cao, ít bị ô nhiễm.
+ Tài nguyên khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản ở Điện Biên chưa được thăm dò đánh giá kỹ. Qua tra cứu các tài liệu lịch sử liên quan cho thấy, Điện Biên có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng về chủng loại, gồm các loại chính như: nước khoáng, than mỡ, đá vôi, đá đen, đá granit, quặng sắt và kim loại màu,... nhưng trữ lượng thấp và nằm rải rác trong tỉnh. Sơ bộ cho thấy, các khoáng sản chính ở Điện Biên gồm có:
Sắt có phân bố rải rác ở các huyện Điện Biên, Tuần Giáo và Mường Chà với quy mô nhỏ, chỉ ở mức điểm quặng và chưa xác định được trữ lượng.
Chì - kẽm phân bố tập trung quanh huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Tủa Chùa và thành phố Điện Biên Phủ, hiện nay có điểm quặng chì kẽm ở khu vực Tuần Giáo đang hoạt động.
Đồng qua khảo sát sơ bộ phát hiện mỏ đồng ở khu vực Chà Tở huyện Mường Chà với trữ lượng khá lơn nhưng chưa được thăm dò đánh giá cụ thể.
Nhôm và nhôm - sắt có triển vọng ở xã Phình Sáng huyện Tuần Giáo với trữ lượng cấp P khoảng 40 - 50 triệu tấn.
+ Tiềm năng du lịch: được thiên nhiên ưu đãi với địa hình đa dạng, nhiều sông, hồ và những cảnh quan đẹp... Điện Biên các vùng sinh thái tự nhiên khá lớn để phục vụ và phát triển du lịch, như: hồ Pa Khoang, rừng nguyên sinh Mường Nhé, Mường Toong, rừng Mường Phăng, động Pa Thơm, hang Thẩm Púa, các điểm suối khoáng nóng Hua Pe, U Va (Điện Biên), bản Sáng (Tuần Giáo) tương lai có hồ thủy điện Sơn La... là một trong những điểm
du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó, Điện Biên còn có nhiều di tích lịch sử gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, tiêu biểu là các di tích như: Tháp Mường Luân, thành Tam Vạn, thành Bản Phủ, đền thờ Hoàng Công Chất và đặc biệt là cụm di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ... Đây là những tiềm năng quý để khai thác phát triển dịch vụ du lịch.
- Đặc điểm về dân số, văn hóa, nguồn nhân lực
+ Dân số toàn tỉnh hiện nay khoảng 493.007 người, trong đó nam chiếm 50,17%, còn nữ chiếm 49,83%. Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên là 1,728% cao hơn mức trung bình của cả nước. Xét về không gian sinh sống thì toàn tỉnh tỷ lệ dân số sống ở nông thôn chiếm tới 84,84%. Mật độ dân số trung bình toàn tỉnh là 51,6 người/km2. Toàn tỉnh có 21 dân tộc anh em cùng sinh sống với các đặc điểm văn hóa truyền thống khác nhau tạo nên bản sắc văn hóa rất đa dạng đặc trưng của vùng Tây Bắc.
+ Hiện nay, số lao động đang làm việc trong các ngành của nền kinh tế là 260.471 người. Trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế có 26,90% số lao động đã qua đào tạo, trong đó trình độ trên đại học là 0,38%; trình độ cao đẳng, đại học là 7,14%; trình độ trung cấp là 11,60%; và trình độ sơ cấp, công nhân kỹ thuật là 7,78%. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 4,30% còn ở nông thôn số ngày làm việc trung bình trong năm là 306 ngày. Tuy nhiên, khó có thể thống kê chính xác tương đối mức độ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn (số liệu lấy tư niên giám thống kê tỉnh, năm 2009)