(Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2012)
3.2.3.2 Những tồn tại, khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai và phát triển dịch vụ IBMB tại BID
Hành lang pháp lý chưa đồng bộ: Thời gian qua, mặc dù hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán đã cải thiện khá nhiều, song vẫn chưa đầy đủ và đồng bộ. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thanh toán điện tử và thương mại điện tử. Luật giao dịch điện tử đã được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2005 nhưng vẫn chưa đủ cơ sở để các ngân hàng tổ chức triển khai các kênh giao dịch điện tử vì chưa tạo được một cơ chế tổng hợp điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử trong ngành ngân hàng, chưa có sự chấp nhận đồng bộ giao dịch điện tử, chứng từ điện tử giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Môi trường pháp lý cho các giao dịch dịch điện tử chưa được nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể mang tính nguyên tắc. Việc ban hành các văn bản có liên quan đến giao dịch điện tử còn mang tính đơn lẻ, hoặc có phạm vi áp dụng hẹp, nên chưa đáp ứng yêu cầu về việc triển khai các hoạt động ngân hàng điện tử một các đồng bộ và hoàn chỉnh.
Hệ thống pháp lý bảo vệ thông tin cá nhân vẫn còn thiếu những quy định, chế tài cụ thể về bảo vệ đối tượng sử dụng thương mại điện tử. Khái niệm “chứng thực số” và “chữ ký số” cũng tương đối mới đối với người sử dụng tại Việt Nam. Để hiểu được vai trò của nó trong giao dịch điện tử, người dùng đòi hỏi phải có kiến thức nhất định về công nghệ thông tin (mã hóa bất đối xứng, public key, private key, tổ chức chứng thực chữ ký số…). Vì vậy, đa phần khách hàng chưa hưởng ứng dịch vụ này do họ chưa tin tưởng vào chữ kí điện tử và chữ kí số. Việc sử dụng “chữ kí tươi” đã ăn sâu vào thói quen giao dịch vủa người Việt Nam, do vậy lượng lớn khách hàng chưa muốn thay đổi cách giao dịch.
Mặc dù đã có Luật giao dịch điện tử và nghị định hướng dẫn của Chính phủ về việc sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký số nhưng có vẻ như luật này vẫn cần thêm nhiều biện pháp tuyên truyền, khuyến khích của chính phủ để nó thực sự đi vào đời sống của người dân, được người dân chấp nhận.
Chất lượng đường truyền dịch vụ Internet chưa ổn định: Tỷ lệ sử dụng người dùng Internet tăng đến gần 19/100 người ở Việt Nam nhưng chất lượng đường truyền thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhiều người và nói
chung thường là băng thông thấp. Tốc độ truy cập Internet nhìn chung là chậm, thường là do các tường lửa của chính phủ đã chặn kết nối. Số lượng các thuê bao sử dụng băng thông truy cập Internet bị giới hạn, chiếm khoảng 14% các phương pháp truy cập Internet sẵn dùng.
Mặc dù ADSL cho phép truy cập Internet với tốc độ nhanh gấp 40 lần các kết nối dial-up thông thường, chất lượng phục vụ ở Việt Nam vẫn còn kém, dung lượng thấp trong khi nhu cầu sử dụng internet đã tăng lên rất nhanh chóng từ cuối năm 2004 cho tới nay. Theo như khảo sát của bộ ngoại thương, khoảng 2% các công ty sử dụng Internet cho mục đích thương mại. 30% các doanh nghiệp quan tâm tới việc truy cập Internet.
Việc phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam chưa mạnh, dân chúng chưa thực sự tin tưởng và chưa quen với việc giao dịch mua bán qua Internet. Trong khi đó thì chất lượng đường truyền Internet tại nước ta lại chưa ổn định và cước sử dụng còn khá cao so với các nước khác trong khu vực. Điều này đã khiến cho các khách hàng không thực sự tin tưởng khi thực hiện các giao dịch có liên quan đến tài khoản của mình trên Internet.
Sức ép của hội nhập kinh tế quốc tế: làm cho mức độ cạnh tranh giữa các ngân hàng trong nước và các ngân hàng nước ngoài ngày càng gay gắt, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. Năm 2005, có 30 chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đến năm 2007 con số này là 35. Một số ngân hàng trước đây tập trung vào hoạt động bán buôn thì nay đã hướng tới thị trường bán lẻ tiềm năng như Standard Charterd, ANZ, HSBC… Với thế mạnh về công nghệ, sản phẩm dịch vụ, trình độ quản lý… các ngân hàng này dần trở thành các đối thủ cạnh tranh lớn của các ngân hàng trong nước. Trong khi đó trình độ công nghệ ngân hàng Việt Nam nói chung và BIDV nói riêng còn thấp, thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, các sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn, khả năng cạnh tranh hạn chế. Đây là khó khăn lớn đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung và BIDV nói riêng.
Đối với dịch vụ IBMB, BIDV gặp rất nhiều đối thủ cạnh tranh như các ngân hàng thương mại nhà nước, các ngân hàng liên doanh và ngân hàng nước ngoài lớn. Thông thường, các ngân hàng liên doanh cạnh tranh để giành giật các doanh nghiệp cổ phần và khách hàng cá nhân tại các khu vực thành thị. Trước đây thì các ngân hàng nước ngoài thường tập trung cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay họ lại chuyển hướng sang các đối tượng khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân Việt Nam. Trên thực tế, tất cả ngân hàng thương mại nhà nước đều phải cạnh tranh để giành lấy các khách hàng tại các khu vực thành thị.
Tiềm lực tài chính chưa mạnh: Tiềm lực tài chính của các Ngân hàng thương mại Việt Nam so với tiềm lực tài chính của các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới còn rất khiêm tốn, do vậy gây khó khăn trong việc đầu tư mới/ đổi mới hệ thống công nghệ để phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại. BIDV là ngân hàng nhà nước, do vậy đối với các dự án đầu tư công nghệ lớn, việc chủ động trong quyết định lĩnh vực đầu tư tới tổng mức đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào chính phủ, Ngân hàng nhà nước và các khâu xét duyệt, đấu thầu, do vậy có thể ảnh hưởng tiến độ dự án thầu. Chính điều này hạn chế các ngân hàng nói chung và BIDV nói riêng trong nghiên cứu, thử nghiệm triển khai những dịch vụ mới, nâng cấp dịch vụ cũ để đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của khách hàng.
Về phía khách hàng:
Sau đổi mới ngành ngân hàng, toàn bộ những yêu cầu quản lý tiền mặt trước đó đã được dỡ bỏ, tiền mặt trở thành công cụ thanh toán không hạn chế về đối tượng và phạm vi sử dụng. Tiền mặt dần trở thành công cụ thanh toán ưa thích của người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp Việt Nam bởi tính tức thời và thủ tục đơn giản. Thói quen dùng tiền mặt trong thanh toán của đại đa số người dân Việt Nam đã ăn sâu vào tiềm thức, việc thay đổi dần tư duy và nhận thức của người dân mất nhiều thời gian, công sức, và chính chất lượng các dịch vụ ngân hàng điện tử, tiện
ích của nó sẽ là yếu tố quan trọng giúp các khách hàng nghiên cứu, thích thú khi sử dụng dịch vụ.
Đến nay, tỷ lệ đơn vị hưởng lương từ Ngân sách nhà nước trả lương qua tài khoản là gần 50% nhưng thực tế có không ít tài khoản mà thời gian số dư tồn tại trên tài khoản chỉ tính bằng giờ không chỉ bởi họ cần rút tiền để tiêu mà vẫn còn tâm lý “để tiền trong tài khoản của ngân hàng thì không yên tâm”. Trong mua sắm cũng vậy, phần đông người mua và người bán vẫn quen thực hiện theo phương thức “tiền trao cháo múc”. Một phần là họ sợ không nhận được hàng hóa mặc dù tiền đã được chuyển khoản đi, mặt khác thì pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam cũng chưa thực sự phát huy được hiệu quả.
Ngoài ra thì do trình độ sử dụng máy tính của người dân Việt Nam còn thấp, phần lớn chưa thể tiếp cận được những công nghệ hiện đại, chưa thể khai thác được hết tính năng của chúng. Nhiều người mặc dù có nhu cầu nhưng họ lại không có khả năng sử dụng. Chính điều này cũng đã bó hẹp phạm vi cung ứng dịch vụ trực tuyến của các ngân hàng ở những thành phố, khu đô thị lớn- những nơi đã và đang đạt được những kết quả nhất định trong công tác xã hội hoá tin học.
Khi nghiên cứu về khách hàng của dịch vụ ngân hàng hiện đại, người ta thường xuất phát từ mức sống, thu nhập, trình độ văn hoá của người dân. Nếu xét mặt bằng chung về các yếu tố trên thì người dân Việt Nam nói chung vẫn rất khó tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng hiện đại. Hầu hết người dân vẫn chưa làm quen được với các ứng dụng IT và Internet. Chi phí truy cập Internet bằng ADSL ở Việt Nam cao gấp 3-4 lần mặt bằng chung tại Mỹ (khoảng 25 USD/ tháng) và Trung Quốc (khoảng 24 USD/tháng) phụ thuộc vào thời gian truy cập và dung lượng dữ liệu nhận/gửi. Do thu nhập của người dân Việt Nam thấp nhưng giá cước điện thoại và cước phí sử dụng Internet lại quá cao so với mức thu nhập trung bình đã cản trở người dân sử dụng các dịch vụ IBMB.