Điều tra mức độ và phân bố song song với thu thập tài nguyên cây trồng là hoạt động quan trọng đầu tiên trong hầu hết các chương trình nghiên cứu trong ngành trồng trọt. Càng ở những nước có ngành sản xuất cây có múi phát triển thì việc thu thập, lưu giữ và đánh giá, sử dụng nguồn gen càng được quan tâm (Singh, et.al.,1980; Zhusheng, C.,2000; Anderson, 2000)[95] [101] [64]. Không kể những nước có kỹ nghệ trồng cây có múi phát triển như Mỹ, Braxin, Israel, Italia, Nhật Bản...mà một số nước trồng cây có múi như Ấn Độ, Trung Quốc và các nước ở Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Philippin kể cả Việt Nam cũng đã thu thập cho mình một ngân hàng gen cây có múi khá đa dạng, phong phú và bước đầu sử dụng các kỹ thuật hiện đại, tiến hành đánh giá đưa vào khai thác sử dụng các nguồn gen quí phục vụ sản xuất. Xu hướng chung là tập trung vào lưu giữ, đánh giá sử dụng các giống bản địa, địa phương nhằm khai thác những đặc trưng, đặc tính tốt của giống phục vụ cho việc phục tráng, thương mại hóa sản phẩm và lai tạo giống, đặc biệt là tạo giống chống chịu với điều kiện sinh thái, khí hậu và sâu bệnh.
Ở Trung Quốc tập đoàn cây có múi thu thập đang được lưu giữ, khai thác có tới 1041 mẫu giống trong đó có 272 giống quýt, gồm 155 giống bản địa, 10 giống đột biến, 4 giống tâm phôi và 103 giống nhập nội. Ở Ấn Độ, tập đoàn cây có múi khoảng 667 mẫu giống, trong đó có 68 giống quýt. Tại Malaysia, có 236 mẫu giống cây có múi đang được bảo tồn, trong đó có tới gần 200 mẫu giống quýt. Diện tích trồng quýt và các dạng lai của nước này là 1.295ha với nhiều giống thương phẩm có năng suất và chất lượng cao. Tại Thái Lan và Philippine tập đoàn cây có múi cũng khá đa dạng với hơn 100 mẫu giống nhưng đa phần là các giống nhập nội (IPGRI, 2004)[82].
Trường Đại học Nông Nghiệp Hà Nội – Luận văn thạc sĩ khoa học nông nghiệp……….. 25 Giai đoạn 2000 - 2003, được sự tài trợ của Ngân hàng châu Á (ADB), trong khuôn khổ Dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững cây ăn quả bản địa ở châu Á”, một số nước châu Á đã thu thập bổ sung thêm 555 mẫu giống cây có múi, trong đó Bangladesh : thu thập mới 59, Trung Quốc: 115, Ấn Độ: 68, Nepal:32, Philippin: 93 và Việt Nam thu thập mới 188 mẫu giống. Trong giai đoạn này 983 mẫu giống cây có múi đã được mô tả đánh giá và tư liệu hoá. Từ các nguồn gen thu thập được, 51 dòng ưu trội đã được chọn lọc giới thiệu vào sản xuất (IPGRI, 2004)[82].
Những năm gần đây, ngoài phương pháp phân tích các đặc điểm hình thái, các phương pháp phân tích đẳng men (Isozyme analysis) và đánh giá bằng chỉ thị AND (RFLP, RAPD, SSR) đã được phát triển và sử dụng trong công tác phân loại, đánh giá đa dạng di truyền và xác định nguồn gốc các loài thuộc chi Citrus (Durham, et.al.,1992; Chadha and Singh,1996; Guangming, et.al.,2002)[74] [68][80]. Các chỉ thị ADN và chỉ thị đẳng men đã cho những thông tin giá trị về mối quan hệ di truyền giữa các giống và loài của chi Citrus, cho phép thiết lập các bản đồ gen của chi Citrus (Singh and Shyam Singh, 2003)[96]. Việc xác định được các gen chỉ thị cho những đặc tính mong muốn sẽ làm tăng hiệu quả của công tác chọn tạo giống cũng như tạo cây chuyển nạp gen của cây có múi (Liou, et.al.,1996; Bryan, et.al.,1999; Nobumasa Nito, 2004)[85][65][89].