Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới, với trên 1.3 tỷ dân nhưng gần 70% dân số vẫn còn sống ở khu vực nông thôn, hàng năm có tới 150 triệu lao động dư thừa, (con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều). Trong thời kỳ đầu cải cách mở cửa, xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (XHCN), tốc độ đô thị hóa của Trung Quốc diễn ra nhanh chóng. Diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do tác động của quá trình CNH, ĐTH, trong khi dân số tăng nhanh làm cho tỷ lệ thất nghiệp ở các vùng nông thôn ngày càng tăng. Với số lao động nông thôn dư thừa này, hàng năm có đến hàng triệu lao động nhập cư vào các đô thị tìm kiếm việc làm; thực trạng này đã gặp không ít những khó khăn cho công tác quản lý đô thị, trật tự an ninh, chăm lo đời
sống, việc làm, giáo dục, y tế, nhiều vấn đề xã hội khác liên quan.
Trong điều kiện việc làm khó khăn lại không được đào tạo về tay nghề, số lao động này là một gánh nặng lớn đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Mặt khác, diện tích đất canh tác giảm, đất canh tác bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ còn 1,40 mẫu, bằng một phần tư bình quân thế giới, dẫn đến tình trạng an toàn lương thực bị đe dọa, chế độ trợ cấp nông nghiệp còn nhiều hạn chế, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn. Mức thu nhập bình quân của cư dân thành thị và nông thôn ở Trung Quốc chênh lệch khá xa. Năm 2007, mức thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 4.140 Nhân dân tệ, khu vực thành thị là 13.786 Nhân dân tệ. Theo báo cáo công tác của Chính phủ nước Trung Quốc, tháng 3 – 2008, vẫn còn 14,79 triệu nông dân Trung Quốc có thu nhập ròng dưới 785 Nhân dân tệ /năm, đây là mức chuẩn nghèo tuyệt đối. Cả nước vẫn còn 28,41 triệu nông dân thuộc diện thu nhập thấp (từ 786 – 1067 Nhân dân tệ /năm). Theo báo cáo của Ngân hàng châu Á, mùa hè năm 2007, Trung Quốc vẫn còn khoảng 300 triệu người, đa số là nông dân, có thu nhập dưới 1 USD/ ngày. http://www.viet-studies.info/kinhte/DDDy_TrungQuoc.htm.
Trước những khó khăn đó, để giải quyết việc làm cho số lao động nông nghiệp phải chuyển đổi nghề trong quá trình CNH, ĐTH, Trung Quốc đã tập trung thực hiện một số biện pháp cơ bản là:
Thay đổi nhanh chóng và tích cực cơ cấu kinh tế nông thôn. Cả bốn ngành: nông, lâm, ngư nghiệp và chăn nuôi phát triển toàn diện, công nghiệp hóa, dịch vụ hóa nông thôn đều chuyển biến mạnh mẽ. Hiện nay cơ cấu lao động nông thôn Trung Quốc cũng chuyển dịch rất mạnh: 226 triệu lao động nông thôn chuyển sang chế độ làm thuê trong các xí nghiệp hoặc các ngành dịch vụ khác. Trung Quốc cũng đã đầu tư ưu tiên mạnh mẽ cho khu vực nông thôn: 150 triệu học sinh tiểu học và trung học ở nông thôn đều được học hoàn
toàn miễn phí; 730 triệu nông dân hưởng chế độ y tế hợp tác kiểu mới, đời sống văn hóa tinh thần cũng như các thể chế dân chủ về chính trị, văn minh tinh thần không ngừng mở rộng. Kết cấu hạ tầng cơ bản hoàn thành, 95% số thôn có đường bộ tới trung tâm, 98,7% số thôn có điện, 97,6% có điện thoại và cũng chừng ấy có máy thu hình…
Hỗ trợ việc học nghề cho các tầng lớp thu nhập thấp trong toàn xã hội 66,6 tỷ Nhân dân tệ trong 5 năm tài chính của chính quyền trung ương, trong đó, phần đáng kể dành cho nông dân. Trung bình mỗi năm giúp 8 triệu lao động nông thôn có việc làm.
Đáng chú ý là trong sản xuất nông nghiệp, để hạn chế tốc độ giảm sút sản lượng, chính phủ nước này đã ban hành chính sách khuyến khích sản xuất lương thực, áp dụng “giá sàn” đối với gạo; áp dụng thí điểm miễn 100% thuế đất nông nghiệp cho 6 tỉnh, giảm 2% cho 11 tỉnh và giảm 1% cho các tỉnh còn lại. Ngoài ra, còn có chính sách trợ cấp cho nông nghiệp qua chương trình Giống , Máy móc và trang thiết bị.
Cải cách doanh nghiệp nhà nước là một trong những vấn đề trọng tâm của chính phủ Trung Quốc. Đến nay, nước này chỉ còn 168 doanh nghiệp lớn trực thuộc trung ương, doanh nghiệp nhà nước chiếm 30% tổng giá trị tài sản. Trong số các chính sách đạt hiệu quả phải kể đến chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc. Sự phát triển của các doanh nghiệp này chính là động lực phát triển kinh tế đất nước. Trong những năm qua, khoảng 200 triệu dân đã chuyển từ nghề nông sang các ngành nghề khác hoặc ra đô thị làm ăn. Doanh nghiệp nhà nước được cải cách mạnh mẽ làm cho một lượng lớn nhân công dôi ra và số nhân công này được bổ sung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc hiện đóng góp 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tạo ra 75% số việc làm chiếm 45% tổng thu thuế và 60% kinh ngạch xuất khẩu của cả nước. Doanh nghiệp vừa và nhỏ
đã đi vào chuyên môn hóa khá cao, tập trung vào các ngành chế biến nông sản thực phẩm, may mặc, giày dép… lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ thực sự đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển ở Trung Quốc.
Phát triển các xí nghiệp địa phương để thu hút lao động. Chính sách khuyến khích phát triển các xí nghiệp địa phương đã làm cho công cuộc cải cách mở cửa diễn ra sâu rộng hơn. Các doanh nghiệp địa phương đóng vai trò chính trong việc thu hút lực lượng lao động dôi dư ở khu vực nông thôn trong quá trình CNH, ĐTH. Nhờ có chính sách khuyến khích đầu tư của Nhà nước cùng với sự đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào lĩnh vực phi nông nghiệp đã thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp địa phương. Đây là dấu hiệu cất cánh của công nghiệp hóa nông thôn ở Trung Quốc mà mục tiêu ưu tiên hàng đầu là tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động dư thừa trong quá trình công nghiệp hóa.
Xây dựng các đô thị quy mô nhỏ và vừa để giảm bớt lao động nhập cư vào các thành phố lớn. Trung Quốc cho rằng có hai cách để giải quyết chuyển đổi lao động dư thừa ở nông thôn, đó là: Chuyển họ sang làm ở các cơ sở công nghiệp và dịch vụ ở vùng nông thôn hoặc chuyển họ đến làm việc ở các thành phố.
Năm 1995, có tới 60 triệu lao động nông thôn ra thành phố tìm việc làm, họ hòa vào dòng người sống trôi nổi ở các thành phố. Vấn đề đặt ra là phải tìm cách tạo ra nhiều đô thị mới để thu hút họ. Sự phát triển nhiều đô thị nhỏ và vừa ở các vùng nông thôn cùng với việc công nghiệp hóa nông thôn không chỉ là một giải pháp quan trọng để thu hút lao động dư thừa ở khu vực này mà còn góp phần tối đa hóa việc phân bổ các nguồn lực ở các khu vực và thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn. Nhờ có chính sách đúng đắn trong việc thúc đẩy việc hình thành các đô thị nhỏ và vừa ở nông thôn mà chỉ sau một thời gian thực hiện đã đem lại thành quả rất đáng
khích lệ.Sinh Ký là một đô thị mới thành lập ở tỉnh Giang Tô, giá trị tổng sản lượng của 118 xí nghiệp địa phương đã đạt 2.8 tỷ đồng nhân dân tệ (năm 1991) và giá trị sản lượng bình quân đầu người ở đây đã đạt 6000 USD. Một đô thị khác ở tỉnh Chiết Giang là đô thị Long Cương được thành lập từ vùng nông thôn năm 1984, chỉ sau 2 năm, những người dân nông thôn ở đây quy mô dân số ở mức 30.000 người, đã xây dựng được 27 tuyến phố, với diện tích xây dựng gần một triệu m2
và tổng chi phí 160 triệu đồng nhân dân tệ, trong đó Nhà nước chỉ phải chi phí hỗ trợ có 9 triệu đồng nhân dân tệ. Năm 1993, quy mô dân số ở đây đã thu hút lên đến 130.000 người và giá trị sản lượng hàng năm đạt 800 triệu nhân dân tệ.
Như vậy, các đô thị nhỏ được thành lập ở nông thôn đã thúc đẩy nhu cầu về phát triển công nghiệp nông thôn và là nền tảng quan trọng cho quá trình chuyển đổi bộ mặt xã hội ở nông thôn. Lợi thế của việc phát triển các đô thị nhỏ ở nông thôn là có nhiều cơ hội tạo việc làm cho lao động, bởi các đô thị này có dân số ít, những ngành nghề công nghiệp mới sẽ có khả năng thu hút nhiều lao động hơn. Trước mắt những lao động có kỹ năng sẽ có cơ hội tham gia vào các ngành công nghiệp dịch vụ mà không cần phải làm nông nghiệp. Những đô thị nhỏ nằm giữa các thành phố lớn và vùng nông thôn sẽ đem lại cho nó những tập quán lối sống của cả hai khu vực, nên những người nông dân sẽ dễ dàng định cư ở đây hơn là các thành phố lớn. Các chi phí sinh hoạt ở đây thấp hơn so với các thành phố lớn.