Thái Lan

Một phần của tài liệu chuyển đổi ngành nghê trong nông nghiệp và nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa và đô thị hóa (Trang 34)

Ở Thái Lan, Chính phủ nước này đưa ra một loạt chương trình hành động tạo việc làm thông qua thay đổi và cơ cấu lại hệ thống sản xuất nông nghiệp từ việc mở rộng đất nông nghiệp và đẩy mạnh đa dạng hoá cây trồng sang việc tăng cường, chuyên sâu sản xuất, đặc biệt chú trọng áp dụng công nghệ trồng trọt hiện đại để tiết kiệm đất. Bên cạnh đấy, thay vì tập trung vào

một số giống cây truyền thống như lúa, cao su, ngô, sắn như trước đây, Thái Lan chuyển sang trồng một số loại quả nhiệt đới. Ngoài ra, chiến lược đa dạng hoá không chỉ dừng ở cây trồng mà còn áp dụng cho chăn nuôi gia súc và thuỷ sản. Việc đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi đã giúp Thái Lan ngày càng mở rộng danh sách hàng nông nghiệp xuất khẩu trên thị trường quốc tế, ví dụ như: bột sắn, gia cầm đông lạnh, tôm tươi và tôm đông lạnh…

Bên cạnh đấy Chính phủ Thái Lan cũng đã đặc biệt chú trọng vào phát triển ngành du lịch này dựa vào lợi thế về đa dạng văn hóa, truyền thống và nguồn thiên nhiên ở các khu vực nông thôn để chuyển đổi ngành nghề cho người dân nông thôn. Hiện tại, du lịch nông thôn được phát triển theo 5 hướng: du lịch nghỉ dưỡng; du lịch gắn với tìm hiểu văn hoá, lịch sử và khảo cổ; du lịch sinh thái gắn với bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, duy trì giá trị nhân văn và giá trị xã hội truyền thống của người dân địa phương; du lịch gắn với làng bản, chia sẻ cuộc sống với người dân làng, chia sẻ những thành quả kinh tế và các lợi ích khác; du lịch nông học, có thể nhìn, quan sát và thực hành các hoạt động nông nghiệp truyền thống, nhưng các hoạt động này không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái hoặc năng suất của vùng. Việc khuyến khích phát triển ngành du lịch nông thôn đã được chính phủ Thái Lan đề ra trong các bản kế hoạch phát triển đất nước, qua các chính sách bảo tồn du lịch và đặc biệt là qua 3 dự án gần đây về: khu bảo tồn BanPrasat; dự án phát triển du lịch sinh thái xã Umphang, với mục tiêu là bảo tồn động vật hoang rã, rừng và nguồn tài nguyên thiên nhiên; dự án du lịch gắn với bản làng là ý tưởng của Ngân hàng phát triển Châu Á kết hợp với các nước tiểu vùng sông Mêkông. Việc tăng cường hợp tác giữa người dân địa phương với chính quyền và các chuyên gia trong phát triển ngành du lịch ở các khu vực nông thôn dường như là một cách tiếp cận đem lại hiệu quả ở Thái Lan, bởi vì một khi người dân cảm thấy chính họ được quản lý, được tham gia bình đẳng các

hoạt động phát triển du lịch ở khu vực làng xã của mình thì họ sẽ có ý thức trách nhiệm cao, đặc biệt là có thể kiểm soát và giải quyết tốt các tác động tiêu cực mà du lịch gây ra.

Sau biến cố khủng hoảng tài chính năm 1997, đã chứng kiến cú sốc về sự sụt giảm mạnh việc làm và thu nhập ở khu vực phi nông nghiệp. Điều này đã làm cho một số lượng lớn lao động nông thôn bị mất việc làm phải trở về lại vùng nông thôn. Để đối phó với tình trạng di cư trở về quê cũ hàng loạt, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Thái Lan đã ban hành chính sách mới, trong đó đặt trọng tâm vào: đào tạo lại lao động phục vụ sản xuất nông nghiệp, lấy mủ cao su, sửa chữa máy móc phục vụ nông nghiệp, trồng và thu hoạch nấm, nuôi ong lấy mật, nuôi tằm, chăm sóc vườn cây ăn quả, tỉa cây; đào tạo một số nghề trong phi nông nghiệp, bao gồm chế biến thực phẩm, bảo quản thực phẩm, nghề thủ công mỹ nghệ gia đình và doanh nghiệp, du lịch sinh thái; đào tạo các kỹ năng marketting và buôn bán nông nghiệp quy mô nhỏ; hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp nông thôn quy mô vừa và nhỏ nhằm thu hút lực lượng lao động. Bên cạnh đó, Phòng phát triển kỹ năng lao động đã xây dựng chuẩn quốc gia về kỹ năng lao động, với 3 mức độ kỹ năng cho 43 ngành. Nhiều hoạt động như: cung cấp thông tin việc làm, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ đào tạo, hội thảo… cũng được tăng cường.

Một phần của tài liệu chuyển đổi ngành nghê trong nông nghiệp và nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa và đô thị hóa (Trang 34)