các chủ thể hoạt động và phát triển
Các chính sách của Chính phủ cần có sự đồng bộ, giảm sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, tăng tính thống nhất và ổn định, tạo hành lang pháp lý an toàn, bền vững, ngày càng phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế cho các doanh nghiệp, cá nhân trong nước. Giải pháp này vừa là cơ sở xây dựng thể chế kinh tế cũng vừa là công cụ bảo vệ cho các chủ thể kinh tế trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Việc cải cách hành chính cần được thực hiện triệt để và nhanh chóng để giúp đỡ các thành phần kinh tế phát triển, nhất là các DNNQD và HSX cá thể còn yếu kém về vốn, trình độ quản lý, kiến thức pháp luật, thị trường…Hiện nay, rủi ro pháp lý của các doanh nghiệp là khá nhiều, Chính phủ cần xem xét vấn đề này và giải quyết cho các doanh nghiệp, giảm chi phí hành chính, “chi phí bôi trơn” do các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp vốn đang còn gặp khó khăn trong đợt suy thoái kinh tế. Chính phủ cũng cần có những cơ chế hỗ trợ ngành công nghiệp non trẻ khi nước ta thực hiện hội nhập nền kinh tế, tháo gỡ dần những khó khăn khi mà tiến trình hội nhập đang thực hiện.
Chính phủ phải có cơ chế để phát triển đồng bộ, hiệu quả các thị trường, có những biện pháp ổn định thị trường, ổn định nền kinh tế vĩ mô, tạo được “tấm đệm” để tránh được những cơn sốc kinh tế như thời gian vừa qua. Nhất là đối với thị trường ngoại hối, doanh nghiệp luôn gặp khó khăn về ngoại tệ, nhất là đôla Mỹ vào thời điểm quí III hàng năm cho hoạt động nhập khẩu. Sự tồn tại của thị trường “chợ đen” đã và đang bóp méo thị trường ngoại hối chính thức, làm giảm hiệu quả điều
hành chính sách tiền tệ thông qua công cụ tỷ giá hối đoái hiện nay. Sự kết hợp của thị trường “chợ đen” và giao dịch mua bán ngoại tệ “ngầm” thông qua tài khoản ngân hàng giữa các doanh nghiệp đã khiến các doanh nghiệp ngoài khó khăn về nguồn cung ngoại tệ còn bị chồng chất thêm gánh nặng về chi phí mua ngoại tệ, đẩy chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh lên, làm giảm sự cạnh tranh của doanh nghiệp và làm tăng nguy cơ lạm phát, gây bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô cũng như đời sống kinh tế xã hội trong nước.
Chính phủ cần tạo lập hệ thống pháp lý hoàn thiện cho hoạt động tài chính ngân hàng, giúp các định chế tài chính dần dần tiến tới quá trình hội nhập. Cho các tổ chức tín dụng thời gian và lộ trình cần thiết để các tổ chức tín dụng nâng cao qui mô, chất lượng hoạt động gần hơn với điều kiện quốc tế. Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ pháp lý cho các tổ chức tín dụng hoàn thành công việc này, chỉ đạo ban hành các văn bản pháp lý chỉ đạo hoạt động các định chế tài chính phù hợp với các thông lệ, luật pháp quốc tế vì tiến trình hội nhập kinh tế nước ta với thế giới ngày càng gần và sâu hơn.
Trong vấn đề pháp lý, Chính phủ nên có giải pháp hữu hiệu để giảm dần thói quen dùng tiền mặt trong giao dịch mua bán hiện nay. Giải pháp này sẽ giúp các NHTM quản lý luồng tiền của khách hàng rất tốt, tăng hiệu quả quản lý nợ, giảm rủi ro tín dụng cho các ngân hàng.