Thành lập bộ phận cho vay DN và cho vay hộ sản xuất, cá thể riêng

Một phần của tài liệu Hạn chế rủi ro tín dụng tại chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn hà nội (Trang 75 - 77)

Tại NHNo Việt Nam nói chung, NHNo Hà Nội nói riêng, vấn đề này chưa được thực hiện trong khi giải pháp này đã được một số NHTM CP khác áp dụng.

Tại Chi nhánh NHNo Hà Nội, một cán bộ tín dụng có thể đảm trách luôn vai trò cho vay tất cả các thành phần kinh tế và thực hiện cả khâu thẩm định và cho vay. Nhược điểm của mô hình này là khó khăn cho cán bộ đó trong việc quản lý tất cả các khách hàng (doanh nghiệp, hộ sản xuất, cá nhân vay tiêu dùng, cầm cố) và hạn chế sự chuyên sâu về nghiệp vụ. Trường hợp trình độ năng lực của cán bộ có hạn, nhất là đối với cán bộ tín dụng tại các PGD, điều này có thể gây ra rủi ro tín dụng do cán bộ không đảm nhiệm hết được công việc.

Do vậy, việc tách cơ cấu cán bộ cho vay thành hai bộ phận: bộ phận cho vay doanh nghiệp và bộ phận cho vay hộ sản xuất, cá nhân là cần thiết. Trong bộ phận cho vay doanh nghiệp có thể tách thành hai bộ phận nhỏ là cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa và bộ phận cho vay doanh nghiệp lớn. Ưu điểm của cơ cấu này là tăng cường khả năng quản lý khách hàng, bố trí cán bộ vào các bộ phận phù hợp hơn với

năng lực của họ, tăng cường sự chuyên môn hoá trong nghiệp vụ. Đây là yếu tố góp phần hạn chế rủi ro tín dụng cho Chi nhánh.

Tuy nhiên, cần lưu ý khi thực hiện giải pháp này đó là, việc phân chia cán bộ thực hiện cho vay phải được dựa trên cơ sở trình độ, năng lực của CBTD. Những cán bộ có trình độ năng lực tốt, đặc biệt về khả năng phân tích tài chính doanh nghiệp, sẽ được giao quản lý cho vay các doanh nghiệp. Bởi vì, xét về qui trình cho vay, việc thẩm định, quản lý tín dụng đối với các doanh nghiệp sẽ phức tạp, khó khăn, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao hơn là việc cho vay các khách hàng là hộ sản xuất và cá nhân.

3.3.2. Tăng cường nhận biết dấu hiệu và cảnh báo rủi ro tín dụng

Chi nhánh cũng cần chủ động về công tác cảnh báo các dấu hiệu rủi ro tín dụng, xây dựng thành văn bản các dấu hiệu rủi ro và thông báo định kỳ hoặc đột xuất các thay đổi về tình hình kinh tế xã hội, dự báo biến động về ngành nghề, giá cả thị trường…Trong đó, nội dung cảnh báo cụ thể như sau:

+ Dấu hiệu về khoản vay của khách hàng, biểu hiện: chậm thanh toán hoặc thanh toán không đủ nợ đến hạn; khách hàng có nhu cầu điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc xin gia hạn nợ; chu kì vay tăng - chủ yếu đối với món vay theo hạn mức.

+ Các dấu hiệu liên quan đến khách hàng vay, bao gồm: trình độ và cách thức tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh, nhân sự của khách hàng, tình hình tài chính của khách hàng, xuất hiện các rủi ro cho hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, sự vi phạm pháp luật của người đứng đầu doanh nghiệp, khách hàng sử dụng tiền vay không đúng mục đích đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng...

+ Ngoài những yếu tố nằm trong phạm vi của doanh nghiệp còn có những yếu tố được coi là những dấu hiệu rủi ro nằm ngoài doanh nghiệp (tình trạng lạm phát, sự tăng lãi suất đầu vào, nền kinh tế lâm vào khó khăn, khủng hoảng hoặc suy thoái; sự thay đổi chính sách kinh tế gây khó khăn cho doanh nghiệp (chính sách thay đổi tiền lương, chính sách giá cả), sự biến động bất lợi trong ngành nghề của khách hàng (xu hướng thu hẹp ngành nghề này và mở rộng ngành nghề khác thông qua các thay đổi chính sách của Chính phủ…)

Những nội dung này sẽ mang tính chất cảnh báo, định hướng cho các cán bộ tín dụng trong hoạt động cho vay, tăng cường sự chủ động phát hiện ra các dấu hiệu rủi ro tín dụng nhằm có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, để nhận biết các dấu hiệu nợ có nguy cơ rủi ro, cần có kinh nghiệm, kiến thức sâu rộng để nhận biết. Các cán bộ tín dụng cần phải thu thập đầy đủ các thông tin của khách hàng để đánh giá về tình hình vay vốn của khách hàng.

Sau khi nhận biết các dấu hiệu cảnh báo, cán bộ phải xác định nguyên nhân “tận gốc” các dấu hiệu đó. Cách thức để làm được việc này là có thể:

+ Đến trực tiếp tận nơi để quan sát + Phân tích tình huống đó

+ Dùng các nhật trình để mô tả lại vấn đề + Đặt câu hỏi tại sao xảy ra tình huống đó

Ví dụ, khách hàng trả nợ không đúng hạn, nguyên nhân trực tiếp là không có đủ dòng tiền do không bán được hàng hoặc không thu được nợ hay nhu cầu sản phẩm bị giảm sút, khách mua hàng gặp khó khăn, vòng đời sản phẩm bị suy thoái, nguyên nhân tận gốc là quản trị kém (do năng lực quản trị kém, ban lãnh đạo không đồng tâm, kém nhạy cảm với thị trường…).

Dựa trên cơ sở phân tích tìm hiểu tận gốc nguyên nhân như vậy, Ngân hàng cần đánh giá liệu vấn đề này tạm thời hay vĩnh viễn, mang tính hệ thống (không thể đa dạng hoá, các khoản nợ hiện hành khác cũng hầu như chắc chắn bị quá hạn, thậm chí không có khả năng thu hồi) hay mang tính sự vụ (xảy ra với một hợp đồng, một món cụ thể, có khả năng thu hồi), nghiêm trọng hay không đáng kể (căn cứ vào qui mô khoản nợ). Từ đó, Ngân hàng xác định biện pháp hành động đối với khách hàng để tìm cách phục hồi khoản nợ hoặc thu hồi, giảm tổn thất ở mức tối thiểu nhất có thể cho Ngân hàng.

Một phần của tài liệu Hạn chế rủi ro tín dụng tại chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn hà nội (Trang 75 - 77)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(93 trang)
w