HOÀN THIỆN TỔ CHỨC KẾ TOÁN QUẢN TRỊ CHI PHÍ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN
3.2.1. Xây dựng mô hình tổ chức bộ máy kế toán quản trị chi phí
Như chương 1 đã trình bày, có 3 loại mô hình tổ chức kế toán quản trị (kế toán quản trị chi phí) cơ bản, bao gồm mô hình kết hợp, mô hình tách biệt và mô hình hỗn hợp. Việc áp dụng mô hình nào là tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn và đặc điểm tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh của từng đơn vị.
Việc tổ chức bộ máy kế toán quản trị của doanh nghiệp xây dựng phải phù hợp với đặc điểm hoạt động, quy mô đầu tư và địa bàn tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng, phù hợp với mức độ phân cấp quản trị kinh tế - tài chính của doanh nghiệp xây dựng. Bộ máy kế toán phải gọn nhẹ, khoa học, hợp lý và hiệu quả cao trong việc cung cấp thông tin cho bộ máy lãnh đạo của doanh nghiệp xây dựng.
Nằm trong tình trạng chung của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tiềm lực kinh tế của các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện nay ở mức độ còn thấp. Mặt khác các doanh nghiệp này còn đang phải dành rất nhiều ngân quỹ cho việc đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản xuất. Chính vì vậy việc áp dụng mô hình tổ chức kế toán quản trị tách biệt trong các doanh nghiệp xây dựng của tỉnh Điện Biên là không hợp lý. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh Điện Biên là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, trình độ quản lý, năng lực cán bộ kế toán vẫn còn những hạn chế nhất định, không đáp ứng được yêu cầu của mô hình tổ chức kế toán quản trị hỗn hợp. Theo
tác giả, tại các doanh nghiệp này nên tổ chức công tác kế toán quản trị theo mô hình kết hợp giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính. Sở dĩ như vậy, ngoài các phân tích trên đây còn có một số lý do:
- Mô hình này cho phép kế thừa những nội dung của kế toán tài chính đã tồn tại và biểu hiện cụ thể trong hệ thống kế toán hiện hành.
- Kế toán quản trị mới được xây dựng và phát triển ở mức độ thấp, chưa đủ điều kiện để tách riêng thành một bộ phận độc lập, chuyên sâu.
- Tiết kiệm được chi phí trong hạch toán kế toán, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.
- Phù hợp với trình độ quản lý, năng lực cán bộ nhân viên cũng như trang thiết bị hiện có của các doanh nghiệp này.
Khi thực hiện kế toán quản trị trong doanh nghiệp theo mô hình kết hợp có thể không đảo lộn cơ cấu tổ chức của phòng kế toán, nhưng có thể không có sự phân định rõ ràng giữa nhiệm vụ kế toán tài chính và kế toán quản trị của các nhân viên. Do vậy, có thể xảy ra hiện tượng công việc được thực hiện chủ yếu hướng tới mục tiêu của kế toán tài chính, vai trò và trách nhiệm của kế toán quản trị bị lu mờ.
Để giải quyết vấn đề này, cần phải có sự phân công, phân nhiệm, xác định nhiệm vụ và yêu cầu rõ ràng đối với từng nhân viên kế toán về kế toán quản trị và kế toán tài chính để công việc kế toán nói chung, công việc kế toán quản trị nói riêng được tiến hành một cách trôi chảy, đạt được mục tiêu, yêu cầu quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, trong giai đoạn hiện nay, khi kế toán quản trị mới được quan tâm sử dụng, doanh nghiệp phải tăng cường công tác đào tạo, hướng dẫn về kế toán quản trị và kiểm tra thường xuyên đến từng nhân viên.
Các doanh nghiệp phải tổ chức hướng dẫn thực hiện công tác hạch toán, luân chuyển chứng từ của kế toán quản trị và kế toán tài chính một cách chi tiết, rõ ràng, đảm bảo thông tin được ghi nhận chính xác, đầy đủ, kịp thời. Theo mô hình kết hợp kế toán tài chính và kế toán quản trị, những thông tin ban đầu trên chứng từ kế toán là cơ sở để thu nhận, xử lý và cung cấp cả thông tin kế toán tài chính và thông tin
thực hiện trong kế toán quản trị nên cần chú ý nội dung, phương pháp ghi sổ kế toán tài chính và kế toán quản trị dựa trên từng chứng từ, qua đó đảm bảo thu nhận và xử lý thông tin theo yêu cầu và nội dung cụ thể của kế toán tài chính và kế toán quản trị cho phù hợp.