Mô hình tổ chức kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp xây dựng

Một phần của tài liệu tổ chức kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh điện biên (Trang 41 - 43)

Sản phẩ m2Sản phẩm

1.2.5. Mô hình tổ chức kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp xây dựng

Tổ chức kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp xây dựng phải thực hiện được các công việc cơ bản sau:

* Tổ chức mô hình, bộ máy kế toán quản trị chi phí

Mô hình, bộ máy kế toán quản trị chi phí phải được xây dựng, lựa chọn cho phù hợp với qui mô, đặc điểm tổ chức hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp, theo hướng bám sát thực tế, phát huy tối đa các nguồn lực hiện có để tổ chức bộ máy kế toán gọn nhẹ, linh hoạt, hiệu quả. Tổ chức lựa chọn, đào tạo nhân sự đáp ứng nhu cầu công việc kế toán quản trị chi phí theo mô hình đã lựa chọn.

Doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong ba mô hình tổ chức bộ máy kế toán quản trị chi phí:

+ Mô hình kết hợp: là mô hình gắn kết hệ thống kế toán quản trị và hệ thống kế toán tài chính trong một hệ thống kế toán thống nhất với bộ máy kế toán chung và công tác kế toán chung. Mô hình này sẽ tiết kiệm được chi phí vận hành hệ thống kế toán cho doanh nghiệp nhưng hiệu quả không cao do kế toán quản trị có thể không tuân thủ những nguyên tắc kế toán giống như kế toán tài chính, mà nếu thực hiện trên cùng một hệ thống thì khó có thể thực hiện được.

+ Mô hình tách biệt: là mô hình tổ chức hệ thống kế toán quản trị độc lập với hệ thống kế toán tài chính cả về bộ máy kế toán và công tác kế toán. Với mô hình này, hệ thống kế toán quản trị chi phí sẽ phát huy được tối đa vai trò của mình, tuy nhiên doanh nghiệp sẽ phải trang trải rất nhiều chi phí để vận hành mô hình này. Tuy nhiên tính thực tiễn của mô hình này không cao vì rất ít các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để vận hành đồng thời hai hệ thống kế toán mặc dù những lợi ích của việc cung cấp thông tin mà hai hệ thống này mang lại sẽ cao hơn so với mô hình kết hợp.

+ Mô hình hỗn hợp: là mô hình vừa có tính tách rời vừa có tính kết hợp. Đối với các phần hành có tính tương đồng giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị thì sẽ được áp dụng theo mô hình kết hợp, còn đối với các phần hành có sự khác biệt căn bản và có ý nghĩa cung cấp thông tin đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp thì sẽ được tổ chức theo mô hình tách rời. Ví dụ, phần hành kế toán chi phí- giá thành sẽ được tổ chức tách rời cho hai hệ thống kế toán tài chính và kế toán quản trị. Mô hình này có tính linh hoạt và ý nghĩa cung cấp thông tin cao, tuy nhiên cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những đầu tư tương đối lớn về tổ chức bộ máy và công tác kế toán so với mô hình kết hợp.

* Tổ chức các phần việc công tác kế toán quản trị

- Tổ chức hệ thống chứng từ ban đầu, qui trình thu thập, luân chuyển và lưu trữ chứng từ. Hệ thống chứng từ ban đầu phải đáp ứng yêu cầu kịp thời, chính xác, trung thực, đầy đủ, phản ánh chính xác thực trạng hoạt động kinh doanh trong mọi

thời điểm.

- Tổ chức nhận diện và phân loại chi phí theo các tiêu chí phù hợp cho việc xử lý và cung cấp thông tin cho quản trị. Việc nhận diện và phân loại chi phí một cách chính xác sẽ tạo cơ sở cho việc xử lý thông tin đúng hướng, đáp ứng nhu cầu phân tích và sử dụng thông tin cho quản trị doanh nghiệp.

- Tổ chức hệ thống tài khoản và sổ sách kế toán quản trị: Kế toán quản trị là một bộ phận của hệ thống kế toán doanh nghiệp, do vậy, việc tổ chức hệ thống tài khoản và sổ sách kế toán, trình tự ghi chép ... phải được thiết kế phù hợp với hệ thống tài khoản và sổ kế toán tài chính mà doanh nghiệp đã lựa chọn để các thông tin có thể tìm kiếm và so sánh được giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính.

- Tổ chức xử lý thông tin một cách toàn diện trên cả thông tin quá khứ, thông tin hiện tại và thông tin cho tương lai bằng các nghiệp vụ kỹ thuật cụ thể. Công việc cần thiết của kế toán quản trị trong doanh nghiệp là lập dự toán ngân sách, dự toán về doanh thu, về lợi nhuận, về hàng tồn kho, công nợ... và thu thập thông tin thực tế đang diễn ra trên tất cả lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó so sánh với dự toán ban đầu nhằm tìm ra các nhân tố ảnh hưởng tới các chỉ tiêu, giúp cho nhà quản trị ra các quyết định kịp thời đúng đắn để đạt được các mục tiêu mà doanh nghiệp đã xác định.

- Tổ chức hệ thống báo cáo kế toán quản trị: Đây là sản phẩm của kế toán quản trị với hệ thống thông tin chân thực, dễ hiểu, dễ sử dụng có thể so sánh được trên nhiều giác độ, giúp nhà quản trị sử dụng cho việc ra các quyết định quản trị ngắn hạn và dài hạn.

- Tổ chức phân tích số liệu trên báo cáo kế toán quản trị: Các thông tin trên báo cáo kế toán quản trị phải được phân tích bởi các chuyên gia có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, nhằm chỉ ra được các nhân tố ảnh hưởng và dự báo sự biến động của các nhân tố tác động đến hệ thống các chỉ tiêu.

Một phần của tài liệu tổ chức kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh điện biên (Trang 41 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(112 trang)
w