Nhân vật người kể chuyện sử dụng ngôn ngữ trần thuật

Một phần của tài liệu Khảo sát truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái (Trang 75 - 80)

thuần túy

Nhân vật người kể chuyện sử dụng ngôn ngữ trần thuật thuần túy có nghĩa là toàn bộ nội dung của câu chuyện cổ tích được người kể chuyện dùng nguyên lời trần thuật của mình để trần thuật lại. Ngoài ngôn ngữ trần thuật của nhân vật người kể chuyện thì không có ngôn ngữ của nhân vật khác. Những truyện cổ tích của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái chủ yếu sử dụng

ngôn ngữ kể và tả. Sự đặc sắc của truyện cổ tích dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái là tác giả dân gian chỉ sử dụng ngôn ngữ trần thuật thuần túy mà vẫn tạo nên được những tác phẩm giàu tình tiết với nội dung hấp dẫn. Nói đến văn bản chỉ sử dụng ngôn ngữ trần thuật thì chúng ta thường hay quan niệm: cách kể chuyện này có ảnh hưởng nhất định tới sự sinh động, hấp dẫn của truyện cổ tích. Chẳng hạn như việc người kể chuyện sử dụng thuần túy ngôn ngữ trần thuật dễ khiến người nghe rơi vào thế bị động khi tiếp nhận nội dung. Nội dung tư tưởng của mỗi câu chuyện ít nhiều chịu sự áp đặt chủ quan của người kể chuyện. Người nghe không có cơ hội và cơ sở để đánh giá câu chuyện. Nói chung khi nói đến văn bản chỉ sử dụng ngôn ngữ trần thuật thuần túy là chúng ta không mấy ấn tượng nhưng đối với truyện cổ tích Mông lưu hành ở Yên Bái điều đó không còn đúng. Bởi so với những truyện không sử dụng ngôn ngữ trần thuật thuần túy thì nội dung của các truyện cổ tích này hấp dẫn và sinh động không kém. Chỉ có điều, với lối kể chuyện như thế này thì nhiệm vụ của nhân vật người kể chuyện trở nên đặc biệt quan trọng.

Vậy vì sao ngôn ngữ trần thuật của người kể chuyện lại chiếm ưu thế tuyệt đối trong truyện cổ tích dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái? Qua việc khảo sát chúng tôi nhận thấy rằng nguyên nhân chủ yếu là do văn học dân gian nói chung và truyện cổ tích nói riêng là loại hình văn học truyền miệng. Tính truyền miệng của văn học dân gian sẽ đem lại cho văn học tính đa dạng, phong phú về nội dung khi mà văn học dân gian hưng thịnh. Mặt khác, khi văn học dân gian không còn giữ được vị trí độc tôn trong đời sống tinh thần của nhân dân thì tính truyền miệng trong văn học dân gian dễ bị mai một và lãng quên nhanh nhất. Hiện tượng các truyện cổ tích chỉ còn lại ngôn ngữ trần thuật của người kể chuyện theo chúng tôi cũng không nằm ngoài quy luật này. Đặc tính truyền miệng cùng với thời gian, khi các câu chuyện cổ tích được kể lại và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác khiến cho truyện cổ tích của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái bị mất dần các tình tiết không tiêu biểu và

thêm vào các tình tiết quan trọng trong cốt truyện khiến cho cốt truyện của các câu chuyện cổ tích ấy ngày càng phong phú hơn. Đến khi các câu chuyện cổ tích được sưu tầm, biên tập lại và in thành sách thì chỉ còn lại cốt truyện cơ bản được sắp xếp theo một trình tự nhất định cùng với ngôn ngữ trần thuật của người kể chuyện.

3.2.2.2. Nhân vật người kể chuyện sử dụng ngôn ngữ trần thuật xen với ngôn ngữ đối thoại của nhân vật chính thuật xen với ngôn ngữ đối thoại của nhân vật chính

Trong truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái thì kiểu trần thuật phổ biến của người kể chuyện là lối sử dụng ngôn ngữ trần thuật xen với ngôn ngữ đối thoại của nhân vật chính. Tất cả các văn bản có sử dụng kiểu trần thuật này chúng ta đều thấy có sự sáng tạo của người kể chuyện. Người kể chuyện trong lúc này chỉ giữ vai trò là người dẫn dắt câu chuyện. Sự dẫn dắt ấy sẽ làm cho câu chuyện thêm phần phong phú, hấp dẫn và sinh động. Trong những câu chuyện cổ tích có kiểu trần thuật xen kẽ ta thấy được những tình huống gay cấn, kịch tính, hóm hỉnh, bất ngờ của câu chuyện. Nó thể hiện sự linh hoạt của người kể trong quá trình dẫn dắt câu chuyện.

Điểm nổi bật của ngôn ngữ đối thoại trong truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái là: các nhân vật thường xưng “ta” (ngôi thứ nhất) và dùng câu rút gọn trong khi giao tiếp. Chính vì thế mà ta thấy câu thoại của các nhân vật thường rất cô đúc, lời nói của nhân vật có ý nghĩa hơn rất nhiều lời miêu tả. Thông qua lượt lời của các nhân vật, ta ít thấy họ sử dụng từ ngữ bay bổng mà đi trực tiếp vào vấn đề. Đây có thể coi là đặc trưng của truyện cổ tích Mông vì lối giao tiếp của các nhân vật trong truyện gần với lối giao tiếp trong đời sồng hằng ngày trong đời sống của người Mông.

“Một hôm trời mưa tầm tã chẳng ai ra khỏi nhà. Kề Tấu đang nằm bỗng nhiên tung chăn dậy gọi mẹ:

- Bây giờ con đã gần 20, phải lấy vợ, mẹ đi hỏi cho con. - Thế con định lấy ai?

- Lấy con gái thứ chín của vua.

- Nhà ta nghèo, làm sao lấy được con vua?

Kề Tấu nằn nì mãi, người mẹ mừng con biết nói, chiều con đành nhận lời đi hỏi vợ cho con.

Trên đường đi người mẹ nghĩ: gia đình mình nghèo, con mình lại xấu xí, lấy thế nào được con vua? Đi đến nửa đường bà quay về bảo con:

- Nhà ta nghèo họ không gả…”.

(Trích truyện: Kề Tấu).

Đoạn trích trên thuật lại cuộc trò chuyện giữa chàng Kề Tấu với người mẹ của mình. Điều đặc biệt, ta thấy hai mẹ con chàng Kề Tấu dùng rất nhiều những câu rút gọn. Nếu không hiểu về văn hóa giao tiếp trong đời sống hằng ngày của người Mông ta sẽ thấy nhân vật Kề Tấu thật khiếm nhã khi nói trống không với mẹ và mẹ của chàng cũng liên tục sử dụng các câu thoại theo kiểu “bằng vai phải lứa” với con. Thực ra, so với vốn từ ngữ của người Việt thì vốn từ của người Mông rất hạn chế, họ rất ít khi sử dụng từ đồng nghĩa mà sử dụng các từ đồng âm khi giao tiếp. Để hiểu được ý nghĩa của các từ ngữ đó, ta phải chú ý đến ngữ cảnh giao tiếp. Bên cạnh đó, người Mông lại sống ở các triền núi cao, mật độ dân cư thưa thớt vì vậy khi thông tin người ta phải nói ngắn gọn súc tích, miễn sao truyền tải được thông tin đến người nghe càng nhanh và chính xác càng tốt. Chính vì thế, truyện cổ tích của người Mông đã phần nào thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc Mông ở trong đó.

“Xí Xang khỏe lại tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người nên trong vùng ai cũng mến. Một hôm chàng gặp một ông già tóc bạc phơ, da đỏ như trái hồng chín. Ông già khoan thai nhìn xuống tảng đá to phẳng lỳ trò chuyện với Xí Xang:

- Ông tuy già nhưng biết đao biết kiếm. Thấy cháu hiền từ lại có sức khỏe, ông muốn truyền lại cho cháu. Ý cháu thế nào?

- Cháu rất thích học. – Xí Xang đáp. - Tại sao cháu lại thích? – Ông già hỏi.

- Trước đây nghe chú cháu kể chuyện, rằng có ông tiên dùng kiếm thần giết được yêu quái để cứu người bị hại. Vùng này nhiều suối khe rừng rậm, rừng già bát ngát, có nhiều hổ báo, trăn tinh bắt trâu bò lợn, hại con người. Cháu muốn học để bảo vệ thân mình và trừ thú ác giúp người lương thiện.

Ông già mỉm cười gật đầu, chòm râu bạc rung rung tỏ ý hài lòng, hẹn

sẽ gặp lại. Sau đó ông già dạy đao kiếm cho Xí Xang”.

(Trích: Chuyện Xí Xang).

Trong đoạn trích trên, người trần thuật kể lại cuộc đối thoại giữa Xí Xang và ông tiên. Trong quá trình đối thoại, xuất hiện lời của hai nhân vật giao tiếp nhưng lời của nhân vật chính nhiều hơn, dài hơn lời của nhân vật phụ. Lời của nhân vật phụ là cái cớ để Xí Xang bộc lộ những suy nghĩ của mình. Điều này đã thể hiện sự linh hoạt trong nghệ thuật kể của người kể chuyện. Ngoài ra, ta còn thấy có nhân vật thứ ba trong đoạn đối thoại. Lời của nhân vật thứ ba (người chú) cũng được nhân vật trích dẫn khi giao tiếp.

Việc sử dụng đan xen ngôn ngữ trần thuật và ngôn ngữ đối thoại của người kể đã mang lại nhiều ý nghĩa tích cực:

Thứ nhất: Nội dung của truyện cổ tích thần kỳ trở nên sinh động và cụ thể hơn, đây chính là một cơ sở góp phần tăng niềm tin của người đọc đối với nội dung câu chuyện. Tăng tính xác thực cho nội dung câu chuyện. Bởi câu chuyện được người kể chuyện kể lại mà như đang diễn ra. Người đọc như phần nào được chứng kiến diễn biến của câu chuyện.

Thứ hai: Nhân vật hiện lên sống động, gần gũi hơn. Ta thấy, nhân vật được nói tức là nhân vật được sống. Qua lời nói, ta sẽ thấy nhân vật có hồn hơn, có cá tính hơn. Những cuộc đối thoại sẽ tạo nên mối quan hệ giữa các nhân vật trong truyện cổ tích thần kỳ. Từ đó người nghe sẽ được tiếp nhận nội dung của truyện cổ tích thần kỳ một cách khách quan hơn. Mối tương quan giữa các nhân vật người kể chuyện với các nhân vật khác trở nên hài hòa hơn. Người kể chuyện không nắm quyền tuyệt đối mà đã kể câu chuyện tự nó hiện lên thông qua ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật.

Một phần của tài liệu Khảo sát truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái (Trang 75 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)