Nghệ thuật giới thiệu nhân vật

Một phần của tài liệu Khảo sát truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái (Trang 72 - 73)

Qua việc khảo sát nghệ thuật xây dựng nhân vật chính trong truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái, chúng tôi thấy ở phần mở đầu của hầu hết các truyện có phần giới thiệu về nguồn gốc xuất thân của nhân vật. Các nhân vật không những xuất thân trong những gia đình nông dân nghèo khó mà họ còn là những đứa trẻ mồ côi, chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh.

Trong các truyện cổ tích thần kỳ đã khảo sát, chúng tôi nhận thấy nhân vật mồ côi là nhân vật thường gặp nhất. Họ là hình ảnh của những con người chịu nhiều cơ cực, thiệt thòi và bất hạnh trong cộng đồng người Mông. Phần giới thiệu về các nhân vật dù kĩ lưỡng hay sơ lược chúng ta vẫn biết được họ xuất thân trong gia đình nghèo khổ. Hơn thế nữa họ là những đứa trẻ mồ côi, bơ vơ. Không chỉ xuất hiện ở nhóm chủ đề trên, ngay cả những tác phẩm thuộc nhóm truyện về người em, người dũng sĩ ta cũng bắt gặp những nhân vật có nguồn gốc xuất thân tương tự như vậy. Một số truyện như Mặt đất lồi

lõm, Sự tích gà mái ấp trứng vịt nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng như cốt

truyện lại mang màu sắc của truyện thần thoại, tuy nhiên “yếu tố thần thoại”

không nhiều. Theo quan điểm của chúng tôi sự giao thoa giữa thần thoại và truyện cổ tích thần kỳ là do hai nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất: Theo quy luật phát triển của loại hình tự sự dân gian, sự ra đời của các thể loại từ thần thoại đến truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn… bao

giờ cũng có sự “gối sóng” chứ không bị cắt đứt hoàn toàn. Để chuẩn bị cho một thể loại mới ra đời thường diễn ra hiện tượng “rạn nứt”, “biến đổi” thể loại cũ. Điều đó có nghĩa là thể loại cũ không còn giữ được tính chất đặc trưng của nó. Như vậy, một số truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái vẫn còn vương vấn bóng dáng của truyện thần thoại, những tác phẩm này được ra đời từ rất sớm, vào thời điểm truyện thần thoại, truyền thuyết đang có sự vận động, biến đổi, báo hiệu sự “phá vỡ” thi pháp các thể loại trước để truyện cổ tích ra đời.

Thứ hai: Do quá trình lưu truyền, một số thần thoại, truyền thuyết bị “đồng hóa” một phần với cổ tích - thể loại ra đời sau nó - một cách vô thức do sự vô tình hoặc suy nghĩ đơn giản của nhân dân. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng các nhà nghiên cứu văn học dân gian truyện trong quá trình sưu tầm, ghi chép, dịch đã thêm bớt các chi tiết cho câu chuyện thêm phần ly kì, hấp dẫn. Chính điều đó làm nên sự cộng gộp cổ tích với thần thoại và truyền thuyết cùng các thể loại khác với nhau.

Có thể nói rằng hiện tượng giao thoa trong nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng như cốt truyện trong truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái là một đặc điểm độc đáo do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan đưa đến. Nguyên nhân chủ quan là do sự vận động nội tại của loại hình tự sự dân gian. Nguyên nhân khách quan là do tính truyền miệng của văn học dân gian nói chung và của tiểu loại cổ tích thần kỳ nói riêng.

Một phần của tài liệu Khảo sát truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái (Trang 72 - 73)