Truyện cổ tích là một loại hình tự sự dân gian. Cũng như các thể loại tự sự dân gian khác, nhân vật người kể chuyện của truyện cổ tích giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Họ chính là người dẫn dắt, tổ chức câu chuyện. Người kể chuyện có quyền quyết định xem chuyện sẽ được kể như thế nào và kể những
gì. Bên cạnh đó, đặc trưng của văn học dân gian là tính diễn xướng nên nhân vật người kể chuyện lại càng giữ vai trò quan trọng.
Qua việc khảo sát truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái, chúng tôi nhận thấy nhân vật người kể chuyện ở tất cả các truyện cổ tích đều dùng ngôi thứ ba số ít. Tức là họ đóng vai trò là người chứng kiến, sau đó kể lại câu chuyện theo trình tự thời gian chứ không trực tiếp tham gia vào câu chuyện. Trong quá trình kể chuyện, người kể thường giấu mình đi, không xưng tên, chỉ xuất hiện trong lời trần thuật. Nghệ thuật trần thuật của nhân vật người kể chuyện cũng rất phong phú. Ngoài nhiệm vụ kể cho câu chuyện được hay, gây ấn tượng và hấp dẫn được người nghe, người kể chuyện còn phải làm cho người nghe tin rằng câu chuyện đó là có thật. Người nghe tin rằng người kể chuyện là người đã từng chứng kiến hoặc biết tường tận, chính xác về câu chuyện mà anh ta kể. Ngoài mục đích kể chuyện để giải trí, người kể chuyện còn làm thêm nhiệm vụ truyền bá tư tưởng đạo lý, hướng người nghe tới cái chân - thiện - mĩ, làm nhiều việc có ích cho gia đình và cộng đồng xã hội. Thành công của nhân vật người kể chuyện thể hiện ở chỗ, sau khi nghe xong câu chuyện anh ta kể, người nghe tin vào tính chân thực của mỗi tác phẩm. Muốn vậy, người kể chuyện phải sắp xếp các tình tiết của câu chuyện một cách có hệ thống, hợp tình hợp lí. Nhân vật người kể chuyện được người nghe xác định chủ yếu thông qua ngôn ngữ trần thuật và vai trò trần thuật của họ trong mỗi câu chuyện.