Phần nội dung

Một phần của tài liệu Khảo sát truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái (Trang 68 - 71)

Đây là phần kế tiếp phần mở đầu. Phần này chiếm dung lượng nội dung khá dài và có nhiệm vụ phát triển câu chuyện. Nội dung chính yếu của truyện cổ tích thần kỳ nằm ở đây. Nhân vật chính được giới thiệu ở phần đầu câu chuyện sẽ được triển khai tiếp ở phần này bằng cách đưa ra các sự việc. Hầu hết các sự việc ấy được sắp xếp theo trình tự thời gian gắn liền với cuộc đời của nhân vật chính. Sự việc nào xảy ra trước được thông tin trước, sự việc nào xảy ra sau được thông tin sau. Tác giả sẽ lựa chọn các sự việc, chi tiết tiêu biểu để triển khai cốt truyện - thường là một chuỗi các sự việc, chi tiết nối tiếp nhau. Chính vì thế, cuộc đời của mỗi nhân vật trong truyện cổ tích thần kỳ sẽ được người đọc nhớ tới qua chính những sự việc điển hình và chi tiết đặc sắc đó. Cuộc đời và hành trình của nhân vật được tác giả dân gian trần thuật lại một cách trọn vẹn với lối kể cô đúc ở phần này. Do các sự việc và chi tiết được đặt kế tiếp nhau theo trình tự thời gian nên toàn bộ phần này của truyện cổ tích thần kỳ chúng ta có thể mô hình hóa bằng các lược đồ. Qua các lược đồ, chúng ta sẽ thấy cuộc đời của nhân vật chính được thể hiện qua các sự việc. Đó chính là những chặng đường đời thể hiện sự trưởng thành của nhân vật hay những mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời của họ. Trong mỗi sự việc, tác giả dân gian lại xây dựng nên một chuỗi các chi tiết nhằm minh họa, làm rõ các sự việc.

Bảng 2: Lược đồ cách tổ chức sắp xếp các sự việc trong truyện cổ tích thần kỳ “Chua Thênh và A Sở”:

Phần mở đầu

- Hai anh em mồ côi cha mẹ từ sớm. - Chua Thênh chiếm hết gia tài. - A Sở bị đối xử như người đi ở.

Phần nội dung

- A Sở bắt được cáo và tha chết cho cáo.

- Cáo hát và múa khèn nuôi A Sở -> chàng trở nên giàu có. - Chua Thênh mượn cáo -> cáo không giúp -> hắn giết cáo và quăng xác xuống ruộng.

- A Sở nhặt xương đầu cáo làm gáo múc cám -> lợn lớn nhanh. - Chua Thênh mượn gáo múc cám lợn -> cả đàn lợn chết dần - > hắn vứt gáo vào bếp lửa.

- A Sở nhặt mảnh xương đầu cáo làm lược chải đầu-> tóc chàng dài, óng mượt, bán được nhiều tiền.

- Chua Thênh mượn lược -> tóc hắn rối bù, mắc vào gai tre -> hắn bẻ gẫy lược vứt gáo vào bếp lửa.

- A Sở nhặt mảnh lược làm lưỡi câu-> câu được nhiều cá, bán được nhiều tiền.

- Chua Thênh mượn lưỡi câu-> rồng nuốt lưỡi câu, rắn quấn vào dây -> hắn đã bị trừng trị.

- A Sở dùng hòn đá thần cứu sống Long Vương -> ngài đã gả con gái và tặng cho chàng chiếc ô thần.

- Yêu tinh bắt vợ A Sở -> chàng thi tài và chiến thắng nó -> cứu được vợ.

Phần kết thúc

- Long Vương giúp đỡ A Sở về vật chất.

- Hai vợ chồng trở nên gàu có, sống hạnh phúc. - A Sở tiếp tục chữa bệnh cho mọi người.

Bảng 3: Lược đồ cách tổ chức sắp xếp các sự việc trong truyện cổ tích thần kỳ “Kề Tấu”:

Phần mở đầu

- Kề Tấu mồ côi cha mẹ từ sớm -> người cô ruột nhận về làm con nuôi.

- Chàng chậm lớn, còi cọc, lùn tè, không biết nói...

Phần nội dung

- Năm 20 tuổi, Kề Tấu đòi mẹ đi hỏi vợ (con gái út của vua). - Nhà vua đưa ra thử thách: đấu chó, đấu lợn, đồ thách cưới. - Kề Tấu vượt qua tất cả thử thách nhờ các lực lượng thần kỳ. - Thần trời tặng Kề Tấu chiếc lược thần -> chàng trở thành

chàng trai tuấn tú.

- Giặc tràn sang -> Kề Tấu dùng lược thần giết giặc rồi tha chết cho chúng về nước -> đất nước thanh bình.

Phần kết thúc

- Nhà vua không có con trai -> Kề Tấu được suy tôn làm vua.

Qua hai sơ đồ trên, chúng ta thấy các chi tiết được lựa chọn, tổ chức và liên kết với nhau rất chặt chẽ. Các chi tiết móc nối với nhau theo một hệ thống. Chính vì thế, phần nội dung cung cấp cho người đọc rất nhiều sự việc quan trọng liên quan đến cuộc đời nhân vật chính. Những sự việc ấy giúp cho chúng ta hiểu, nhận xét và đánh giá đúng cuộc đời của mỗi nhân vật. Nội dung của mỗi truyện cổ tích thần kỳ hay hay dở chính là do cách lựa chọn, tổ chức, sắp xếp thông tin, sự việc của tác giả dân gian ở phần này. Họ phải khéo léo lựa chọn các sự việc, các yếu tố thần kỳ đắt giá nhất để tránh lan man, gây nhàm chán nhưng cũng phải cung cấp đủ những thông tin cần thiết để có thể hiểu về cuộc đời của nhân vật. Cũng qua lược đồ trên, chúng ta thấy mỗi sự việc lại được triển khai, trình bày thông qua các chi tiết nhỏ hơn. Tất cả các sự

việc, các chi tiết được kết nối với nhau chặt chẽ. Sự việc nọ nối tiếp sự việc kia. Chi tiết nọ nối tiếp với chi tiết kia một cách tuần tự. Hầu như ở phần này, ta không bắt gặp các sự việc, các chi tiết xảy ra trong quá khứ. Phần lớn các sự việc được sắp xếp theo trình tự thời gian. Như vậy, đây chính là phần thể hiện rõ nhất nội dung tư tưởng của tác phẩm và tài năng sáng tạo của tác giả dân gian.

Một phần của tài liệu Khảo sát truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái (Trang 68 - 71)