Định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

Một phần của tài liệu Giải pháp chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên (Trang 104 - 111)

5. Bố cục của đề tài

4.1.2.Định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

4.1.2.1. Định hướng chung

Thực hiện mục tiêu phát triển của huyện trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang từng bước hội nhập với khu vực và thế giới. Bởi vậy, để vừa đạt được mục tiêu phát triển, vừa đảm bảo quá trình hội nhập, chúng ta phải kiên quyết đồng bộ nhiều vấn đề có tính chiến lược về kinh tế - xã hội - tổ chức và quản lý, trong đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho phù hợp với tiến trình chung là một đòi hỏi bức xúc trong việc điều chỉnh cơ cấu của nền kinh tế theo hướng tiến bộ, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển nhanh, sớm hoà nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Trên cơ sở phân tích kinh tế bằng mô hình SWOT, tôi xin đưa ra một số định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trên địa bàn huyện Đồng Hỷ như sau

Thứ nhất, Cần tiếp tục giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong GDP của huyện đồng thời tăng tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ lên một cách tương ứng. Hiện nay, tỷ trọng của khu vực nông nghiệp là 21%; của công nghiệp là 42%; của dịch vụ là 37%. Theo mục tiêu đề ra, trong những năm tới cần tiếp tục đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành sao cho tỷ trọng của ngành nông nghiệp còn

khoảng 10-15%, công nghiệp và dịch vụ tăng lên tương ứng là 50-55% và 30-40% trong GDP của huyện vào năm 2015. Đương nhiên cũng cần phải hiểu rằng, khu vực nông nghiệp giảm về tỷ trọng, còn khối lượng các sản phẩm do nông nghiệp làm ra thì vẫn tăng lên. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là để có được một cơ cấu ngành và lĩnh vực kinh tế hợp lý thì quan trọng là phải tạo ra được cơ cấu hợp lý trong từng ngành, từng lĩnh vực và trong từng nội bộ từng ngành cụ thể.

Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu nội ngành kinh tế của huyện theo hướng sản xuất hàng hoá trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế của vùng, từ đó phát huy nội lực nhằm khai thác các thế mạnh của huyện về công nghiệp sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản xuất khẩu, chế biến sản phẩm nông lâm sản, đặc biệt là chế biến chè

Thứ ba, khuyến khích đổi mới kỹ thuật, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trên địa bàn. Hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo nhóm sản phẩm hàng hoá ở từng huyện gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thâm canh cây lương thực (lúa, ngô) trên diện tích đã có và khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa nước và cây màu ở các xã vùng cao có điều kiện về địa hình, kết hợp với phát triển thuỷ lợi nhỏ để trồng lúa nước và sản xuất rẫy luân canh nhằm giải quyết lương thực tại chỗ, giảm phá rừng làm rẫy.

Thứ tư, huy động mạnh mẽ nội lực, đồng thời tăng cường thu hút các nguồn ngoại lực nhằm tạo ra bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu công - nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu thành thị - nông thôn. Đẩy mạnh phát triển trồng mới và thâm canh các loại cây công nghiệp, cây lâm nghiệp với quy mô lớn. Phát triển chăn nuôi toàn diện đặc biệt là chăn nuôi theo mô hình trang trại.

Thứ năm, là một huyện có nguồn lao động dồi dào, đây là một thế mạnh. Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế những năm tới, cần coi đây là nguồn lực cơ bản có kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng sử dụng nguồn lao động vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong huyện, vừa xuất khẩu lao động để tăng thu nhập cho nhân dân trong huyện.

Thứ sáu, tiếp tục đầu tư phát triển các cụm kinh tế động lực, đồng thời chú trọng giải quyết những vấn đề cấp bách của các vùng khác. Chú ý khuyến khích phát triển các khu công nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn các huyện

Thứ bảy, gắn phát triển kinh tế với thực hiện tốt các chính sách xã hội. Bảo vệ quốc phòng, an ninh chính trị, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

4.1.2.2. Định hướng cụ thể của huyện Đồng Hỷ giai đoạn 2011 - 2020 a, Đối với ngành nông nghiệp

Thứ nhất, phát triển nhanh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế địa phương và nuôi sống được nhiều nhân khẩu nhất. Phát triển nông nghiệp đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các ngành hoặc lĩnh vực khác của tỉnh, đặc biệt gắn chặt nông nghiệp với công nghiệp chế biến, gắn nông nghiệp với chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông thôn. (Lê Quốc Doanh, 2005)

Thứ hai, khuyến khích nông dân làm giàu thông qua việc khai thác sử dụng hiệu quả đất đai, phát triển mạnh ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn, tạo thêm việc làm và thu nhập cho nông dân, giảm bớt hộ nông nghiệp thuần nông, tăng nhanh số hộ nông dân kiêm các ngành nghề, dịch vụ.

Thứ ba, chuyển dịch mạnh cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và giá trị sản phẩm trên một ha đất nông nghiệp trồng trọt. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp phục vụ đô thị như hoa tươi, cây cảnh, rau an toàn , quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, giá thành hạ, gắn với chế biến và tiêu thụ.. Tiếp tục xây dựng và quảng bá mạnh mẽ thương hiệu chè Trại Cài, Sông Cầu tới cả nước và quốc tế.

Thứ tư, phát triển sản xuất và chế biến các loại nông sản hàng hoá xuất khẩu có lợi thế của từng vùng, với quy mô hợp lý; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm này (như lúa gạo, thủy sản, rau quả nhiệt đới, thịt lợn...) trên thị trường trong nước và quốc tế. Cụ thể: Đối với cây lương thực: Sử dụng các giống mới có năng suất cao, chất lượng phù hợp với yêu

cầu thị trường, áp dụng các biện pháp đồng bộ để hạ giá thành; phát triển công nghệ bảo quản, công nghiệp chế biến. (Lê Đình Thắng, 1998)

Thứ năm, đối với cây công nghiệp, rau quả: Tăng cường đầu tư nhằm nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất của cây ăn quả trong giá trị ngành trồng trọt, tiếp tục chuyển dịch từ nhóm cây cam, quýt, bưởi sang nhóm cây nhãn, vải; giảm diện tích cây ăn quả khác, tăng năng suất, diện tích, sản lượng cây chè. Hình thành các vùng sản xuất tập trung các loại cây công nghiệp, rau, hoa quả; ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn, tạo và nhân giống, kết hợp với nhập khẩu giống và công nghệ để sản xuất giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao; thực hiện cơ giới hoá các khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, trước hết là các khâu nặng nhọc, độc hại, thời vụ khẩn trương; phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu.

Thứ sáu, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, chủ yếu theo hình thức trang trại với quy mô phù hợp, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, an toàn dịch bệnh. Tiếp tục chuyển dịch từ giảm số lượng nhóm vật nuôi (Trâu, ngựa, dê) sang nhóm vật nuôi (Bò thịt, lợn, gia cầm). Cụ thể:

Phát triển nuôi lợn là hướng chủ yếu, phải chú trọng cả hai mặt tăng nhanh đàn lợn, trọng lượng lợn xuất chuồng bình quân và chất lượng thịt hàng hoá. Phấn đấu đến năm 2015 đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng thịt lợn tại địa phương và tham gia khoảng 10% vào thị trường thịt của các vùng lân cận

Chăn nuôi gia cầm là hướng phát triển quan trọng để tăng sản lượng thịt phục vụ cho nhu cầu tại chỗ, thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu. Đến năm 2015 đáp ứng 20% nhu cầu sử dụng thịt của vùng lân cận

Nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi có trang bị hiện đại đạt yêu cầu chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhà nước ưu tiên đầu tư và có chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất giống, thức ăn công nghiệp, thú y và kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Thứ bảy, đối với lâm nghiệp, tập trung bảo vệ vốn rừng hiện có và làm giàu rừng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Tiếp tục chuyển dịch từ khai thác gỗ và lâm sản sang trồng và nuôi rừng. Quy hoạch để hình thành các vùng rừng nguyên liệu gắn với các cơ sở chế biến; ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô, hom và những phương pháp nhân giống tiên tiến khác, cung ứng đủ giống có chất lượng cho trồng rừng. Có chính sách để người trồng, chăm sóc rừng bảo đảm được cuộc sống và làm giàu từ nghề rừng; khuyến khích các hộ nông dân, các lâm trường mua máy móc, thiết bị, thực hiện cơ giới hoá các khâu trồng, khai thác, vận chuyển và chế biến gỗ, lâm sản; phát triển các cơ sở sản xuất giấy, bột giấy, ván nhân tạo, đồ gia dụng và thủ công mỹ nghệ bằng gỗ. (Chương trình số 08-CTr/TU về nông lâm thủy sản, 2006)

Thứ tám, tập trung vào nuôi trồng thuỷ sản, gắn đánh bắt thủy sản nước ngọt với chế biến hiện đại, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hướng thủy sản nuôi trồng chủ yếu vẫn là tôm và cá các loại. Nhà nước hỗ trợ quy hoạch và hướng dẫn nông dân khai thác tốt diện tích mặt nước, bao gồm cả những diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi, để nuôi trồng thủy sản, phát triển các hình thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp và nuôi sinh thái phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng vùng; tổ chức sản xuất và cung cấp giống tốt, phòng chống các loại bệnh, bảo đảm cho nông dân nuôi trồng có hiệu quả.

b, Đối với ngành công nghiệp

Thứ nhất, đối với ngành công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp phải đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, công nghiệp phải đóng vai trò động lực, nòng cốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trước mắt cũng như lâu dài phải phát triển công nghiệp hướng về xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của huyện, đồng thời thay thế nhập khẩu có hiệu quả, phát triển công nghiệp với nhiều thành phần kinh tế tham gia theo cơ chế thị trường, mở cửa có sự quản lý của nhà nước. Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển những ngành công nghiệp có trình độ công nghệ thích hợp, có quy mô phù hợp với đặc điểm của huyện, khai thác sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực tại chỗ, bảo vệ môi trường sinh thái. Trước mắt cần tập trung phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông lâm sản xuất khẩu.

Thứ hai, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 Đồng Hỷ cần tiếp tục phát huy lợi thế của mình về nguồn nguyên liệu sẵn có để phát triển ngành thế mạnh: là chế biến vật liệu xây dựng một cách toàn diện, đa dạng hoá các sản phẩm kết hợp gắn công nghiệp chế biến tạo ra hàng hoá phong phú, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Trong chế biến vật liệu xây dựng cần đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất và máy móc thiết bị hiện đại, nâng cao công suất, tiếp tục phát triển và đầu tư có hiệu quả các dự án khu công nghiệp mới ở Nam Hòa và Quang Sơn. Bố trí lại cơ cấu dân cư các vùng, tạo công ăn việc làm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Thứ ba, bên cạnh ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, trong giai đoạn tới Đồng Hỷ cần phát triển công nghiệp chế biến. Có thể coi đây là mũi nhọn phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2015. Bởi vì ngành công nghiệp chế biến nông sản là ngành hứa hẹn có mức tăng trưởng nhanh, dễ dàng thu hút lao động trong huyện. Ngoài ra, Đồng Hỷ cũng cần chú trọng phát triển các ngành thủ công nghiệp truyền thống, song song với việc mở rộng các làng nghề mới nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội huyện. Các ngành còn lại cũng vẫn được tạo điều kiện phát triển nhưng ở mức độ quan tâm ít hơn.

c, Đối với ngành dịch vụ

Thứ nhất, trong thời kỳ tới đẩy mạnh phát triển thương mại, du lịch và các ngành nghề phục vụ sản xuất đời sống. Xúc tiến các hoạt động tìm kiếm thị trường cho hàng hoá xuất khẩu đồng thời hạn chế thấp nhất việc xuất khẩu nguyên liệu thô hoặc sơ chế. Tập trung đầu tư mở rộng và phát triển một số ngành dịch vụ quan trọng, có tiềm năng lợi thế để phát triển, có ảnh hưởng trực tiếp sự phát triển kinh tế của giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, bưu chính viễn thông. Đồng thời từng bước không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, tạo sự hấp dẫn thu hút đối với người sử dụng dịch vụ và đưa dịch vụ trở thành ngành đóng góp nhiều cho ngân sách tỉnh.

Thứ hai, Phát triển ngành thương mại là một khâu rất quan trọng đảm bảo cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá. Do vậy từ nay đến năm 2015 cần phải gắn sự phát triển ngành thương mại dịch vụ của huyện với sự

phát triển của các ngành kinh tế khác và sự phát triển chung về kinh tế xã hội của địa phương. Thị trường thương mại phải được mở rộng trên cơ sở phát huy các lợi thế của địa phương, đa dạng hoá các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động thương mại. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Đối với hoạt động nội thương phải đảm bảo đầu ra cho những sản phẩm chủ lực của tỉnh như xi măng, đá xây dựng, gạch, nông sản chế biến, lương thực, thịt, hoa quả,.. Mặt khác đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu về vật tư cho sản xuất, hàng tiêu dùng cho nhân dân.

Đối với hoạt động ngoại thương cần tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu, phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu đạt tỷ lệ 2- 3% so với GDP vào năm 2015. Hoạt động xuất khẩu có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ, hàng điện tử và một số hàng khác, đồng thời giảm tỷ trọng xuất khẩu hàng nông sản, khoáng sản thô.

Thứ ba, khai thác triệt để các nguồn tài nguyên về thiên nhiên, danh thắng, di tích văn hoá truyền thống để phát triển du lịch sinh thái, lịch sử và văn hoá trên địa bàn miền núi. Đi đôi với việc tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng để đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch.

Thứ tư, mở rộng quy mô và phạm vi cả vận tải liên huyện và nội huyện, đáp ứng nhu cầu về lưu thông cho hàng hoá và đi lại của nhân dân, cho khách du lịch. Phát triển dịch vụ vận tải trên cả hai loại đường là đường bộ và đường sông, trong đó chú trọng phát triển tốt vận tải đường bộ. Ngoài ra phải đầu tư các trang thiết bị vận chuyển hiện đại, các phương tiện bốc dỡ, xây dựng kho tàng bến bãi theo quy hoạch của huyện.

Thứ năm, cần phát triển thông tin nội tỉnh, nội huyện cũng như mở rộng viễn thông ra các huyện, tỉnh lân cận và quốc tế để đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển và đời sống nhân dân.

Thứ sáu, phát triển tổng hợp các dịch vụ tiếp thị, chuyển giao công nghệ, sửa chữa dân dụng và phát triển mạnh dịch vụ ăn uống, dịch vụ văn hoá nghệ thuật, thẩm mỹ.

Một phần của tài liệu Giải pháp chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên (Trang 104 - 111)