Quan điểm chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

Một phần của tài liệu Giải pháp chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên (Trang 102 - 104)

5. Bố cục của đề tài

4.1.1.Quan điểm chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

Thứ nhất, phát triển toàn diện song có trọng điểm.

Quan điểm phát triển toàn diện đòi hỏi Đồng Hỷ phải đánh giá đúng các tiềm năng, điều kiện nguồn lực của huyện để phát triển các ngành nghề nhằm khai thác có hiệu quả các điều kiện nguồn lực trên. Mặt khác với điều kiện môi trường như hiện nay, sự cạnh tranh đang diễn ra quyết liệt, nguồn vốn đầu tư có hạn đòi hỏi huyện phải phát triển theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tìm ra những ngành kinh tế mũi nhọn để đưa nền kinh tế phát triển có hiệu quả. (Báo cáo số 36/BC-UBND tỉnh Thái Nguyên, 2010)

Phát triển toàn diện có trọng điểm đòi hỏi phải chú trọng cả các ngành xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các ngành công nghiệp và dịch vụ phi nông nghiệp ở nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Thứ hai, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái

Quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trên địa bàn huyện Đồng Hỷ theo hướng CNH – HĐH đòi hỏi cần lưu ý rất nhiều đến vấn đề bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, ổn định xã hội và giảm thiểu sự tác động của các ngành công nghiệp đến môi trường.

Với ngành công nghiệp chủ lực của huyện là ngành chế biến xi măng thì việc lựa chọn công nghệ hiện đại (lò quay) để giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một trong những điều đặc biệt lưu ý trong định hướng phát triển công nghiệp của huyện. (Tạ Đình Thi, 2007)

Thứ ba, phát huy lợi thế so sánh.

Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Đồng Hỷ phải xuất phát từ lợi thế so sánh của huyện về vị trí địa lý, về tài nguyên,...Bởi vì như thế mới tạo ra được sức cạnh tranh của hàng hoá ở trong huyện so với các huyện khác, đồng thời nó sẽ tạo

nên một cơ cấu kinh tế linh hoạt mềm dẻo và thích nghi nhanh với điều kiện môi trường thay đổi, tạo điều kiện để Đồng Hỷ có thể bắt nhịp nhanh với sự phát triển chung của toàn tỉnh.

Thứ tư, đổi mới cơ cấu đầu tư gắn liền với nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đầu tư và sử dụng vốn trong các dự án đầu tư.

Quy hoạch đầu tư cần được xây dựng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Trong đó cần ưu tiên vào những ngành có lợi thế về tài nguyên, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, nhằm khai thác những hàng hoá có chất lượng giá rẻ, mang tính cạnh tranh như các sản phẩm chè, xi măng...Trong những năm tới cần hoàn chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết, trước hết là chú ý đến quy hoạch các khu trung tâm của huyện, quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị giao thông cấp thoát nước...Đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hoá toàn diện kèm công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản, công bố các quy hoạch được duyệt đồng thời chú trọng kiểm tra giám sát việc thực hiện quy hoạch ở cấp dưới, tạo cơ sở cho các ngành, các huyện thị xây dựng phương án đầu tư và tổ chức thực hiện đầu tư theo kế hoạch.

Thứ năm, cải thiện và nâng cấp môi trường đầu tư và đa dạng hoá thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển.

Tiếp tục cải thiện và nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, trước hết là chú trọng vào các biện pháp vĩ mô nhằm đảm bảo sự ổn định chính trị, kinh tế xã hội, cần đầu tư vào những ngành có năng suất thấp do khả năng hạn chế về nguồn vốn để nâng cao hiệu quả cạnh tranh. Giải quyết việc làm cho người lao động đến tuổi lao động một cách có hiệu quả chính là thế mạnh để tích luỹ, phát triển kinh tế quốc dân. (Quyết định số 58/2007/QĐ-TTg, 2007)

Thứ sáu, kết hợp tối ưu giữa cơ cấu ngành kinh tế với cơ cấu vùng, lãnh thổ và cơ cấu kinh tế theo thành phần.

Cơ cấu ngành phải kết hợp với cơ cấu thành phần kinh tế thể hiện ở chỗ: chiến lược và chính sách khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế trong đó nhấn mạnh vai trò của kinh tế nhà nước. Cơ cấu ngành gắn liền với cơ cấu vùng thông qua các biện pháp xây dựng khu công nghiệp, các trung tâm công nghiệp để

tạo động lực cho phát triển kinh tế. Đi đôi với phát triển kinh tế thành thị và công nghiệp nông thôn theo hướng phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, mỗi vùng, thực hiện phân công lao động tại chỗ, gắn công nghiệp với nông nghiệp. Công nghiệp địa phương và công nghiệp nông thôn phải được nằm trong kế hoạch quy hoạch phát triển chung công nghiệp của cả huyện

Thứ bảy, điều chỉnh cơ cấu ngành kinh tế đòi hỏi phải tiến hành từng bước với sự nỗ lực đồng bộ của các ngành, các cấp, cả người lao động trong việc huy động sức người sức của và tổ chức thực hiện. Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế phải đi đôi với quá trình đô thị hoá thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hoá đi đôi với đô thị hoá. Kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, tập trung giải quyết tốt những vấn đề bức xúc nhằm tạo được chuyển biến rõ về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, gắn chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế với đổi mới kỹ thuật công nghệ phù hợp.

Một phần của tài liệu Giải pháp chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên (Trang 102 - 104)