Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch hoá hoạt động đầu tư

Một phần của tài liệu đầu tư phát triển kinh tế vùng biển và ven biển tỉnh nghệ an thực trạng và giải pháp (Trang 95 - 97)

Công tác quy hoạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bất cứ địa phương nào. Làm tốt quy hoạch thì huy động và phân bổ nguồn lực mới đạt được hiệu quả cao.

Trong cơ chế thị trường hiện nay, có rất nhiều ý kiến về xây dựng quy hoạch như chỉ xây dựng quy hoạch ở những lĩnh vực mang tính chất, thuộc kết cấu hạ tầng, như giao thông, xây dựng, lưới điện, bưu chính viễn thông, mà không nên xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm. Hay quy hoạch phải theo tư duy mới, quy hoạch không phải chạy theo dự án, mà theo cung - cầu, Nhà nước quản lý quy hoạch, doanh nghiệp nào có khả năng thì đầu tư, cho cung vượt cầu khoảng 20% để cạnh tranh lành mạnh. Hoặc là quy hoạch hiện nay phải hết sức động, không dược quy hoạch khép kín, mà phải mang tính hợp tác hoá, có sự liên kết giữa các vùng, các địa phương với nhau. Tóm lại là, Nhà nước cần phải có một quy chế mới, với những chế tài rõ ràng cho công tác quy hoạch, nhằm góp phần đưa công tác kế hoạch hoá vào nề nếp và có chất lượng.

Trước hết, cần thực hiện quy trình công tác kế hoạch hoá bắt đầu từ chiến lược đến quy hoạch, rồi cụ thể hoá bằng các kế hoạch 5 năm và hàng năm. Quy hoạch phát triển căn cứ vào chiến lược, cụ thể hoá chiến lược, còn kế hoạch phải căn cứ vào quy hoạch và cụ thể hoá nội dung cũng như bước đi của quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội. Trong lĩnh vực đầu tư phát triển, những dự án đầu tư lớn và các dự án hợp tác đầu tư với nước ngoài chỉ được xem xét khi phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Công tác quy hoạch phải được nghiên cứu thường xuyên, các quy hoạch phải được cập nhật, hiệu chỉnh cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế, tất cả các quy hoạch chi tiết như quy hoạch xây dựng hay quy hoạch mặt bằng, quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi, quy hoạch Khu công nghiệp… đều phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ hai, quy hoạch phải gắn liền với kế hoạch quản lý và sử dụng đất. Đất đai là một nguồn tài nguyên quý giá, do vậy cần sử dụng quỹ đất hợp lý, tránh lãng phí. Cần có kế hoạch bố trí và sử dụng mặt bằng hợp lý trước khi tiến hành xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng trong công tác quy hoạch. Quy hoạch không thể hoàn thiện nếu vấn đề giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết.

Thứ ba, cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp và khu đô thị để làm cơ sở cho việc thu hút và bố trí đầu tư, như quy hoạch chi tiết khu đô thị Hoàng Mai,… Rà soát, bổ sung ngay quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong khu kinh tế Đông Nam để làm cơ sở bố trí các công trình hạ tầng; điều chỉnh quy hoạch thành phố Vinh để phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ như mục tiêu đã đề ra.

Thứ tư, cần công khai quy hoạch rộng rãi đến mọi người dân, tránh tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, đặc biệt trong khâu giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án hiện nay còn đang gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, cần có sự phối kết hợp giữa chính quyền tỉnh và cán bộ địa bàn, vừa giải thích, động viên các hộ dân, quan trọng hơn là thực hiện nhanh chóng chính sách đền bù thoả đáng cho các hộ dân trong phạm vi dự án.

Thứ năm, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch. Nếu có bất kỳ vi phạm nào cần báo cáo cấp trên và tổ chức giải quyết các vấn đề liên quan.

Cuối cùng, đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch là vô cùng quan trọng. Do vậy, cần tăng cường đào tạo nhân lực, kể cả các cán bộ cấp cao để có thể nắm bắt kịp thời những thay đổi và áp dụng có hiệu quả vào quy hoạch của địa phương. Hơn nữa, công tác quy hoạch sẽ đạt đúng tiến độ và chất lượng nếu trình độ của cán bộ quy hoạch được nâng cao.

Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và quy hoạch phát triển kinh tế biển tỉnh Nghệ An được phê duyệt, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa giới hành chính, không gian đô thị, khu công nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới một cách đồng bộ, phù hợp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển. Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, quản lý thực hiện đúng quy hoạch.

Một phần của tài liệu đầu tư phát triển kinh tế vùng biển và ven biển tỉnh nghệ an thực trạng và giải pháp (Trang 95 - 97)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w