Nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế vùng biển và ven biển

Một phần của tài liệu đầu tư phát triển kinh tế vùng biển và ven biển tỉnh nghệ an thực trạng và giải pháp (Trang 29 - 33)

2.1.3.1. Nguồn vốn nhà nước

a) Vốn ngân sách:

Vốn ngân sách chính là nguồn chi của ngân sách nhà nước cho đầu tư. Đây là một nguồn vốn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong việc tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thúc đẩy mạnh đầu tư của mọi thành phần kinh tế theo định hướng chung của kế hoạch. Nguồn vốn này thường được sử dụng cho các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hỗ trợ các dự án của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cần sự tham gia của nhà nước, chi cho công tác lập và thực hiện các dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng, lãnh thổ, quy hoạch xây dựng đô thị. Nguồn ngân sách bao gồm: Nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, nguồn bổ sung từ ngân sách Trung ương.

Vấn đề đầu tư cho phát triển vùng biển và ven biển là một nội dung quan trọng được nhà nước quan tâm. Trước hết cần khẳng định vốn đầu tư cho vùng biển và ven biển từ ngân sách nhà nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Vốn nhà nước đầu tư cho vùng biển và ven biển có vai trò to lớn, giúp tăng cường năng lực sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mặt khác, do đặc điểm của đầu tư trên địa bàn miền biển, đặc biệt là lĩnh vực hàng hải là rủi ro cao nên khó thu hút được các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Vốn ngân sách phải đóng vai trò đi tiên phong, mở đường để thu hút các nguồn vốn khác thông qua các hình thức: tạo cơ sở hạ tầng tốt, nâng cao hiệu quả sản xuất trên địa bàn, đồng thời tạo cho các nhà đầu tư có cảm giác yên tâm hơn khi lúc đầu tư vào địa bàn miền biển khi có sự tham gia của nhà nước. Vì vậy đối với vùng biển và ven biển, vốn ngân sách có vai trò quan trọng và tăng cường vốn ngân sách là hết sức cần thiết. Sự tăng cường vốn ngân sách một mặt do vai trò của nguồn vốn này chi phối; mặt khác còn do tỷ lệ vốn ngân sách đầu tư cho vùng biển và ven biển ở nước ta còn thấp so với đầu tư ở các vùng, miền khác và so với yêu cầu của sự phát triển kinh tế, xã hội miền biển. Biện pháp tăng cường cơ bản là đổi mới tư duy về đầu tư cho vùng biển và ven biển.

b) Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước

Cùng với quá trình đổi mới và mở cửa, tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước ngày càng đóng vai trò đáng kể trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nếu như trước năm 1990, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước được sử dụng như một công cụ quản lý và điều tiết nền kinh tế thì gian đoạn 1991-2000, nguồn vốn này đã có mức tăng trưởng đáng kể và bắt đầu có vị trí quan trọng trong chính sách đầu tư của nhà nước.

Giai đoạn 2001-2005, nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước mới chiếm 5,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội thì giai đoạn 2006-2012 đã chiếm 14% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong những năm tiếp theo, tín dụng đầu tư của nhà nước sẽ có xu hướng cải thiện về mặt chất lượng và phương thức tài trợ nhưng tỷ trọng sẽ không có sự gia tăng đáng kể.

Vốn tín dụng đầu tư phát triển là nguồn vốn mà các đơn vị, tổ chức có thể được vay với lãi suất ưu đãi hoặc không chịu lãi suất để đầu tư trong những ngành, lĩnh vực, chương trình kinh tế lớn của nhà nước và các vùng khó khăn cần khuyến khích đầu tư. Nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước gồm vốn điều lệ của Quỹ hỗ trợ phát triển, vốn ngân sách nhà nước cấp hàng năm, vốn thu hồi nợ hàng năm, vốn từ phát hành Trái phiếu Chính phủ, vốn vay nợ, viện trợ nước ngoài của Chính phủ dùng để cho vay lại, vốn do Quỹ hỗ trợ phát triển huy động (tích lũy trả nợ nước ngoài, tiết kiệm bưu điện, bảo hiểm xã hội).

Nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước có tác dụng tích cực trong việc giảm đáng kể bao cấp vốn trực tiếp của nhà nước. Với cơ chế tín dụng, các đơn vị sử dụng nguồn vốn này phải đảm bảo nguyên tắc hoàn trả vốn vay. Chủ đầu tư là người vay vốn phải tính kỹ hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn tiết kiệm. Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước là một hình thức quá độ chuyển từ phương thức cấp phát vốn ngân sách nhà nước sang phương thức tín dụng đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.

Bên cạnh đó, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước còn phục vụ công tác quản lý và điều tiết kinh tế vĩ mô. Thông qua nguồn vốn tín dụng đầu tư, nhà nước thực hiện việc khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội của ngành, vùng, lĩnh vực theo định hướng chiến lược của mình. Đứng ở khía cạnh là công cụ điều tiết vĩ mô, nguồn vốn này không chỉ thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà còn thực hiện cả mục tiêu phát triển xã hội. Việc phân bổ và sử dụng vốn tín dụng đầu tư còn khuyến khích phát triển những vùng kinh tế khó khăn, giải quyết các vấn đề xã hội như xoá đói giảm nghèo. Và trên hết, nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước có tác dụng tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Cũng như vốn ngân sách, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước cần phải được tăng cường. Sự tăng cường vốn này bằng tăng tỷ lệ phân bổ nguồn vốn, là nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn.

c) Vốn doanh nghiệp nhà nước

Vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước chủ yếu bao gồm từ khấu hao tài sản cố định và thu nhập giữ lại tại doanh nghiệp nhà nước. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thông thường nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước tự đầu tư chiếm khoảng 14-15% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chủ yếu là đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị, hiện đại hoá dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp. 2.1.3.2. Nguồn vốn của khu vực dân cư và tư nhân

Nguồn vốn của khu vực tư nhân bao gồm phần tiết kiệm của dân cư, phần tích luỹ của doanh nghiệp dân doanh, các hợp tác xã. Khu vực này được đánh giá là vẫn sở hữu một lượng vốn tiềm năng rất lớn mà chưa được huy động triệt để.

Quy mô tiết kiệm trong khu vực dân cư chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố trực tiếp như: trình độ phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, chính sách lãi suất, chính sách thuế, chính sách an sinh xã hội, sự ổn định kinh tế của vùng. Tiết kiệm của khu vực dân cư giữ vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính do có khả năng chuyển hóa nhanh chóng thành các nguồn vốn đầu tư thông qua các hình thức như: gửi tiết kiệm vào các tổ chức tín dụng, mua chứng khoán trên thị trường tài chính, trực tiếp đầu tư kinh doanh… Tiết kiệm của khu vực dân cư cũng dễ chuyển hóa thành nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thông qua việc mua trái phiếu chính phủ hoặc chuyển thành nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp bằng việc mua trái phiếu, cổ phiếu của các công ty phát hành.

2.1.3.3. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài là toàn bộ phần tích lũy của cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và chính phủ nước ngoài có thể huy động được vào quá trình đầu tư phát triển của địa phương.

Theo tính chất luân chuyển vốn có thể phân loại các nguồn vốn nước ngoài theo các hình thức sau:

- Nguồn vốn ODA: là nguồn vốn phát triển do các tổ chức và các chính phủ nước ngoài cung cấp với mục tiêu trợ giúp các nước đang phát triển.

- Nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại quốc tế: điều kiện ưu đại của loại vốn này không dễ dàng như ODA nhưng nó không bị rằng buộc về chính trị, xã hội. Nhưng thủ tục vay thì tương đối khắt khe, thời gian trả nợ nghiêm ngặt và lãi suất cho vay là cao.

- Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài( FDI): đây là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển không chỉ đối với nước nghèo mà cả các nước công nghiệp phát triển. Việc tiếp nhận nguốn vốn này không phát sinh nợ cho nước tiếp nhận vốn. Thay vì nhận lãi suất trên vốn đầu tư nhà đầu tư nhận được phần lợi nhuận đích đáng khi việc đầu tư đạt hiệu quả. Đầu tư trực tiếp nước ngoài mang theo toàn bộ tài nguyên kinh doanh vào nước nhận đầu tư nên nó có thể thúc đẩy phát triển ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành kỹ thuật cao, công nghệ cao hay vốn lớn. Vì vậy nguồn vốn này có ý nghĩa cực ký to lớn đố với sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa.

- Thị trường vốn quốc tế: với xu hướng toàn cầu hóa, mối liên kết ngày càng tăng của các thị trường vốn quốc gia vào hệ thống tài chính quốc tế đã tạo nên vẻ đa dạng về các nguồn vốn cho mỗi quôc gia và làm gia tăng khối lượng vốn lưu chuyển trên toàn cầu.

Một phần của tài liệu đầu tư phát triển kinh tế vùng biển và ven biển tỉnh nghệ an thực trạng và giải pháp (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w