Khái quát về vùng biển và ven biển tỉnh Nghệ An

Một phần của tài liệu đầu tư phát triển kinh tế vùng biển và ven biển tỉnh nghệ an thực trạng và giải pháp (Trang 58 - 59)

Trong giai đoạn 2006-2012, kinh tế vùng biển và ven biển tỉnh Nghệ An đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao. Năm 2012 GDP vùng biển đạt 10.3034 tỷ đồng (giá so sánh), GDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt gần 25,5 triệu đồng. Tăng trưởng GDP trung bình của vùng biển và ven biển Nghệ An giai đoạn 2008-2012 tăng 9,88%. Trong đó, giai đoạn 2008 - 2010 tăng 11,04%, cao hơn 1,3 lần mức tăng trung bình của vùng ven biển cả nước (ven biển cả nước khoảng 8,5%/năm), và 1,04 lần mức tăng trung bình của vùng ven biển Miền Trung (vùng ven biển Miền Trung đạt 10,6%) và lớn hơn 1,18 lần tốc độ tăng GDP của tỉnh Nghệ An trong cùng giai đoạn 2008-2010 (bằng 9,37%).

Kinh tế vùng biển và ven biển Nghệ An phát triển khá đa dạng, với đầy đủ các ngành nghề liên quan đến biển, trong đó có nhiều ngành kinh tế biển có ý nghĩa động lực đối với sự phát triển của Nghệ An như dịch vụ cảng, du lịch biển, khai thác và chế biến hải sản, thực sự là các ngành có vai trò lôi kéo các ngành, lĩnh vực khác, đặc biệt là kinh tế nông thôn ven biển phát triển. Xu hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo ngành của vùng ven biển Nghệ An tương đối nhanh, chuyển đổi nhanh và đạt mức cao hơn mức chung của tỉnh và cơ bản đúng hướng: giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể, phúc lợi văn hoá xã hội được nâng cao.

Đánh giá tổng quát về nguồn lực và các lợi thế so sánh của vùng biển và ven biển

Thuận lợi

Lợi thế về vị trí địa lý: Có vị trí thuận lợi trong giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh trong nước, quốc tế bằng cả đường bộ, đường biển và đường hàng không. Gần khu kinh tế và cảng nước sâu Nghi Sơn, thuận lợi trong hợp tác, giao lưu phát triển kinh tế.

Lợi thế về tài nguyên biển: Có Cửa Lò có thể phát triển cảng hàng hoá của khu vực; bờ biển có nhiều bãi tắm đẹp, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, di tích lịch sử, văn hoá phong phú; trữ lượng thuỷ hải sản lớn.

Lợi thế về con người: Có truyền thống cách mạng, năng động trong phát triển kinh tế, văn hóa đa dạng. Nguồn lao động dồi dào, người dân cần cù, một bộ phận dân cư, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý đã bước đầu tiếp cận thị trường. Đội ngũ lao động nếu được đào tạo và có chính sách sử dụng tốt sẽ là động lực to lớn cho phát triển của vùng.

Có thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò đã khá phát triển về kinh tế, xã hội; có sẵn cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu tạo đà cho phát triển nhanh và đảm bảo bền vững. Dải ven biển là nơi tập trung hầu hết các cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội và hệ thống các trường đại học và cao đẳng; nơi tập trung và phân bố hầu hết các khu công nghiệp, nơi bố trí khu kinh tế của tỉnh.

Khó khăn

Nằm trong vùng khí hậu tương đối khắc nhiệt, làm ảnh hưởng đến phát triển sản xuất và đời sống dân cư.

Kết cấu hạ tầng tuy đã được đầu tư nhiều song so với yêu cầu phát triển vẫn chưa đáp ứng đủ. Nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là ngân sách Nhà nước hàng năm chưa đáp ứng đủ nhu cầu, cơ chế điều tiết chưa tạo động lực phát triển.

Các lãnh thổ động lực như Vinh, Cửa Lò chưa thực sự đủ thế và lực cần thiết để phát huy vai trò đầu tàu thúc đẩy kinh tế, xã hội của vùng.

Trừ thành phố Vinh và Cửa Lò, các xã ven biển của các huyện còn nhiều khó khăn. Vấn đề xã hội còn nhiều bức xúc, lao động chưa có việc làm còn nhiều. Đời sống một bộ phận dân cư còn thấp.

Một phần của tài liệu đầu tư phát triển kinh tế vùng biển và ven biển tỉnh nghệ an thực trạng và giải pháp (Trang 58 - 59)