Hình thức phổ biến pháp luật

Một phần của tài liệu Hoạt động phổ biến pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 31)

Mục đích và nội dung của hoạt động phổ biến pháp luật không thể tự thân đi vào nhận thức, tình cảm của người được phổ biến pháp luật, mà phải qua những kênh chuyển tải thông tin, là các dạng hoạt động cụ thể để tổ chức quá trình phổ biến pháp luật, thể hiện nội dung phổ biến pháp luật. Các dạng hoạt động cụ thể đó phải phù hợp với khả năng tiếp cận của đối tượng. Do đó, hiệu quả của hoạt động phổ biến pháp luật không chỉ phụ thuộc vào việc xác định đúng mục đích và nội dung phổ biến pháp luật mà còn phụ thuộc vào việc xác định đúng hình thức phổ biến pháp luật. Có nhiều quan niệm khác nhau về hình thức phổ biến pháp luật. Xuất phát từ các ý kiến của các nhà nghiên cứu luật học, theo chúng tôi, khái niệm hình thức phổ biến pháp luật được hiểu là: Các hình thức tổ chức hoạt động phối hợp giữa người phổ biến và người được phổ biến nhằm chiếm lĩnh nội dung phổ biến và đạt mục đích phổ biến pháp luật. Trên cơ sở của khái niệm này, hình thức của hoạt động phổ biến pháp luật được coi là các dạng cụ thể, có tổ chức phối hợp giữa chủ thể phổ biến pháp luật và đối tượng phổ biến pháp luật để thể hiện nội dung phổ biến pháp luật và đạt mục đích phổ biến pháp luật. Từ khái niệm về hình thức hoạt động phổ biến pháp luật, người ta còn phân chia hình thức phổ biến pháp luật ra thành nhiều loại khác nhau. Qua thực tiễn cũng như qua nghiên cứu lý luận về nguyên tắc, nội dung, chủ thể, đối tượng phổ biến pháp luật, hình thức phổ biến pháp luật được chia làm hai loại:

- Các hình thức phổ biến pháp luật mang tính phổ biến, truyền thống của giáo dục chính trị tư tưởng như: phổ biến, nói chuyện pháp luật tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức quần chúng, các địa bàn dân cư; các hội nghị, hội thảo pháp luật; các câu lạc bộ pháp luật; các đội thông tin cổ động pháp luật; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khác; các hình thức văn học nghệ thuật; dạy và học pháp luật trong các nhà trường.

- Các hình thức phổ biến pháp luật đặc thù như: Các hoạt động định hướng phổ biến pháp luật trong các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp của các cơ quan nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án và Viện kiểm sát); phổ biến pháp luật qua các hoạt động của các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức quần chúng (tổ hòa giải, tư vấn pháp lý...).

Qua nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn về hoạt động phổ biến pháp luật cho thấy:

Phổ biến pháp luật được thể hiện khá đa dạng, biểu hiện dưới nhiều hình thức như: Dạy và học pháp luật trong các trường (các trường chuyên ngành và cả các trường khác trong hệ thống giáo dục); tập huấn chuyên đề về nhà nước pháp luật hoặc kết hợp phổ biến pháp luật trong các lớp tập huấn, các hội nghị chuyên đề khác; phổ biến pháp luật qua tuyên truyền và cổ động (tuyên truyền miệng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là qua báo, tạp chí, qua hoạt động nghệ thuật, qua các cuộc thi...); phổ biến pháp luật qua hoạt động thực tiễn của cán bộ, công chức trên lĩnh vực công tác của mình, nhất là các hoạt động trên lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp; phổ biến pháp luật qua hệ thống thông tin pháp luật (Công báo, các bản tin pháp luật, các văn bản pháp luật qua đường công văn nhà nước...).

Căn cứ vào mục tiêu, nội dung, chủ thể, khách thể (đối tượng) của phổ biến pháp luật, có thể chia hình thức phổ biến pháp luật làm ba loại:

* Hình thức phổ biến pháp luật mang tính phổ biến, tuyên truyền của giáo dục chính trị tư tưởng, như:

- Phổ biến, nói chuyện pháp luật tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội;

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo về pháp luật;

- Hoạt động tại các câu lạc bộ pháp luật, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong cán bộ, công chức;

- Tuyên truyền pháp luật qua sách, báo, tạp chí chuyên ngành; thông qua các chuyên mục tìm hiểu pháp luật, giới thiệu văn bản pháp luật mới của các báo, tạp chí khác;

- Phổ biến pháp luật thông qua các hình thức văn học nghệ thuật (phim, ảnh, sân khấu...).

* Hình thức phổ biến pháp luật chuyên biệt đối với các hoạt động chuyên ngành pháp luật

Hình thức phổ biến pháp luật này được quy định bởi mối quan hệ biện chứng giữa sự tác động phổ biến pháp luật và tác động thực tiễn pháp luật lên ý thức và hành vi của cán bộ, công chức. Xuất phát từ nguyên tắc gắn phổ biến pháp luật với thực tiễn công tác và đời sống, các chuyên gia pháp lý đã tìm thấy khả năng hình thành các hình thức phổ biến pháp luật mang tính đặc thù này. Đó là định hướng phổ biến pháp luật cho các hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực ban hành và thực thi pháp luật. Việc tổ chức thực hiện các định hướng đó nhằm hạn chế các tác động tiêu cực và tăng cường các tác động tích cực của thực tiễn pháp luật đối với quá trình hình thành ý thức pháp luật quần chúng nhân dân mà cụ thể là những người tham gia, tham dự vào quá trình làm việc của Tòa án. Điều đó xuất phát từ vai trò, vị trí, chức năng của cán bộ, công chức chuyên ngành pháp luật. Họ là những người có "vai trò kép"

trong mối quan hệ với phổ biến pháp luật. Họ vừa là đối tượng cần được phổ biến pháp luật. vừa là chủ thể phổ biến pháp luật trong mối quan hệ với cán bộ, công chức khác và với nhân dân. Phổ biến pháp luật qua hoạt động xét xử là quá trình tác động có mục đích, có tổ chức, có chủ định và có kế hoạch của các chủ thể giáo dục (Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Thư ký tòa án, Giám định viên) đến các đối tượng giáo dục (những người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa) nhằm hình thành ở họ ý thức pháp luật, trạng thái xúc cảm, tình cảm pháp luật đúng đắn là cơ sở cho hành vi, ứng xử phù hợp với yêu cầu của pháp luật.

Phổ biến pháp luật qua hoạt động xét xử là hình thức giáo dục đặc thù nhất và quan trọng nhất của Tòa án, Thẩm phán luôn làm cho mọi người thấy rằng bất cứ sự việc vi phạm pháp luật nào đều bị xử lí theo pháp luật. Bằng thái độ khách quan, nghiêm túc của Thẩm phán trong quá trình xét hỏi hay trong việc đảm bảo quyền bình đẳng của các bên trong tranh luận để tìm ra sự thật của vụ án cũng như đảm bảo đầy đủ, đúng yêu cầu các nguyên tắc của quá trình xét xử làm cho những người tham gia tố tụng và đông đảo quần chúng tham dự phiên tòa có thái độ đúng đắn với những hành vi vi phạm pháp luật, giáo dục họ ý thức tuân thủ các quy phạm pháp luật mà Nhà nước đã đề ra, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lí theo từng trường hợp cụ thể mà phiên tòa là một minh chứng cho sự nghiêm minh của pháp luật.

Phổ biến pháp luật qua các hoạt động hành pháp và tư pháp thường mang tính cá thể hóa rõ rệt cả về đối tượng, nội dung và biện pháp thực hiện, vì nó thường gắn liền với việc áp dụng các điều luật cụ thể hay thực hiện một quyền, một nghĩa vụ pháp lý cụ thể của người được giáo dục. Do đó, có sự tác động trực tiếp, sâu sắc lên ý thức, tình cảm và hành vi của họ. Việc thừa nhận hình thức phổ biến pháp luật này là vấn đề có tính lý luận quan trọng, góp phần tạo nên sự đổi mới cơ bản trong cách nghĩ, cách làm của công tác phổ biến pháp luật hiện nay.

* Hình thức phổ biến pháp luật qua đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật ở các trường

Có hai dạng phổ biến pháp luật qua hình thức này:

- Đào tạo, bồi dưỡng pháp luật trong các trường không chuyên luật (các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp không chuyên luật và các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các tổ chức chính trị và tổ chức chính trị xã hội).

- Đào tạo, bồi dưỡng pháp luật trong các trường, các khoa chuyên về Nhà nước và pháp luật như: Đại học Luật, Khoa luật - Đại học Quốc gia, Viện Nhà nước pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia, Viện Nhà nước và pháp luật của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Khoa Nhà nước - pháp luật của trường Chính trị tỉnh, thành phố...

Các hình thức đào tạo này đã cung cấp cho hệ thống chính trị một đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ pháp luật vững vàng để thực hiện chức năng quản lý nhà nước và quản lý xã hội theo pháp luật.

Từ quan niệm và phân loại phổ biến pháp luật như trên, các chủ thể phổ biến pháp luật phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung ngay trong khi xây dựng các chương trình công tác, nghiệp vụ chuyên môn trong từng thời kỳ hoặc trong từng vụ việc. Trên cơ sở đó, chuẩn bị các điều kiện vật chất, điều kiện cán bộ... để tổ chức hình thức giáo dục phù hợp.

Trong công tác phổ biến pháp luật cần phải kết hợp các hình thức giáo dục khác nhau nhằm phát huy tối đa mặt tích cực và bù đắp những hạn chế của từng loại hình để đạt được kết quả tối ưu.

Một phần của tài liệu Hoạt động phổ biến pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)