VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ THÀNH PHỐ HÀ NỘ

Một phần của tài liệu Hoạt động phổ biến pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 45 - 48)

Thành phố Hà Nội là trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước, nơi tập trung bộ máy của Trung ương Đảng, Nhà nước và nhiều tổ chức quốc tế. Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng nối liền với các tỉnh phía Bắc và cả nước với một hệ thống sân bay, nhà ga và đường bộ khá phức tạp và đa dạng. Hoạt động giao lưu diễn ra tấp nập tập trung khá đông lượng người từ các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận đến tham gia buôn bán, giao lưu trao đổi. Hiện nay, sau khi sát nhập với tỉnh Hà Tây, thành phố Hà Nội được chia làm 27 quận, huyện, thị xã trong đó có một số quận tập trung nhiều tài sản và công trình quốc gia như quận Ba Đình, quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng... Hoạt động giao lưu giữa Hà Nội và các tỉnh khác diễn ra khá nhộn nhịp, nhất là với các tỉnh trong vùng Đông Bắc của Tổ quốc tạo nên hệ thống trung tâm kinh tế vùng Đông Bắc của cả nước. Bên cạnh đó giữa Hà Nội và Hà Nam, Hòa Bình, Hải Dương, Bắc Ninh... các hoạt động giao lưu kinh tế cũng diễn ra tấp nập. Là đầu mối giao thông của cả nước cho nên Hà Nội có hệ thống giao thông khá phong phú: Có sân bay quốc tế Nội Bài; có ga xe lửa Hà Nội và có nhiều đường bộ quốc gia đi qua địa bàn như Quốc lộ 1A đi Bắc - Nam, đường Quốc lộ 5 đi các tỉnh Đông Bắc, Quốc lộ 6 đi các tỉnh Tây Bắc, Quốc lộ 32 đi các tỉnh phía Bắc. Với vị trí thuận lợi về nhiều mặt, hàng năm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội diễn ra nhanh chóng, với các chỉ tiêu kinh tế đều đạt và vượt mức kế hoạch. Tính riêng năm 2005 tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn tăng trên 11,2%, tổng thu ngân sách tăng 8,1% tổng vốn đầu tư xã hội tăng 12,7%, kim ngạch xuất khẩu tăng 17,3%, môi trường xã hội được cải thiện, kỷ cương văn minh đô thị được duy trì; đời sống vật

chất và tinh thần của toàn bộ dân cư được cải thiện. Những thành tích đó đã làm cho bộ mặt Thủ đô có một diện mạo mới ngày một tốt đẹp hơn.

Do tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng người có thu nhập cao ngày càng nhiều và tính thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội cao hơn so với các địa phương khác trong cả nước. Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có khoảng hơn 30 trường đại học, cao đẳng. Số lượng học sinh, sinh viên chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong cơ cấu dân số của thành phố Hà Nội (khoảng hơn 1 triệu người). Ngoài ra một số lượng lớn dân cư từ các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương... thường xuyên vào Hà Nội làm ăn, học tập kéo theo nhiều vấn đề về quản lý xã hội cho các cơ quan chức năng của Hà Nội. Cơ chế thị trường đã đặt ra cho Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung nhiều bài toán khó về hoạt động phổ biến pháp luật. Số người lao động ngoại tỉnh về Hà Nội làm ăn ngày càng nhiều và làm đủ các nghề, số sinh viên sau khi ra trường, số sinh viên bị đuổi học ở lại Hà Nội nhiều. Tình hình di dân tự do từ các địa phương về Hà Nội để làm ăn sinh sống (KT3, KT4) trong những năm gần đây có xu hướng tăng cao. Tình trạng di chuyển cả hộ về mua đất, mua nhà sống ổn định nhưng chưa được giải quyết hộ khẩu khá phổ biến. Hàng năm thành phố đã giải quyết nhập hộ khẩu cho một số lượng lớn nhân khẩu trong diện KT3 (năm 2005 đã giải quyết thường trú cho 21.507 hộ, 29.174 nhân khẩu) nhưng số nhân khẩu trong diện này vẫn tiếp tục tăng. Mật độ dân cư của thành phố phân bố không đồng đều, mật độ đông chủ yếu tập trung ở các quận nội thành và các khu vực ven nội, khu đô thị hóa. Mật độ dân số của từng quận huyện như sau: Hoàn Kiếm 38.444 người/km2, Đống Đa 39.118 người/km2, Hai Bà Trưng 34.412 người/km2, Ba Đình 27.715 người/km2, Thanh Xuân 22.169 người/km2, Cầu Giấy 13.952 người/km2,… Trong khi đó các điều kiện cần thiết như cơ sở hạ tầng, nhà ở, hệ thống điện, nước, giao thông đô thị, trường học, bệnh viện, vệ sinh, môi trường và hàng loạt các yếu tố khác phục vụ nhu cầu dân sinh chưa đáp ứng kịp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phổ biến pháp luật của Thủ đô.

Mặt khác, thành phố còn nhiều điểm giáp ranh do chưa rõ mốc địa giới hành chính, một số khu vực đất đai buông lỏng quản lý bị chiếm dụng tạo nên tụ điểm dân cư tự do rất phức tạp, đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng nhập cư tăng nhanh, gây khó khăn cho công tác quản lý (qua điều tra cơ bản đã xác định 150 địa bàn giáp ranh, 147 tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự, trong đó: giáp ranh với các tỉnh khác: 12 tụ điểm; các quận, huyện: 35 tụ điểm; các phường, xã, thị trấn: 103 tụ điểm; 13 khu vực dân cư xóm liều với trên 1.300 hộ sinh sống).

Do sự năng động, biết tận dụng khai thác nguồn lực bên trong và bên ngoài, dựa vào thế mạnh vốn có của mình để phát triển, trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, mở rộng giao lưu quan hệ với các nước và các địa phương khác, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch, tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng trung bình trên 10%/năm (năm 2002 tăng 10,17%; năm 2003 tăng 11,1%; năm 2004 tăng 11,1% và năm 2005 tăng 11,16%). Thủ đô Hà Nội đã và đang có những bước phát triển toàn diện, có tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, thu hút đầu tư nước ngoài, số người nước ngoài, người lao động các tỉnh và học sinh, sinh viên về Hà Nội làm việc, học tập và sinh sống ngày càng tăng. Những năm gần đây do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nên tốc độ tăng trưởng của Hà Nội cũng suy giảm nên trong kỳ họp Hội đồng nhân dân gần nhất (7/2009) đã hạ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xuống mức 5%/năm 2009. Đây là một thách thức không nhỏ đối với hoạt động phổ biến pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô vẫn còn có những hạn chế nhất định. Quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng đất còn lỏng lẻo, nhiều sơ hở và yếu kém, gây lãng phí lớn về nguồn lực, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhiều vụ việc vi phạm như lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép, không phép… không được ngăn chặn và xử lý kịp thời. Còn nhiều dư

luận kêu ca phàn nàn, bất bình về sự phiền hà, nhiều tầng nấc trong giải quyết sự vụ ở cơ quan nhà nước. Thực hiện kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm ở một số lĩnh vực, đơn vị và cá nhân. Cải cách hành chính nói chung, nhất là thủ tục hành chính đã quan tâm thực hiện nhưng kết quả đạt được còn hạn chế. Thực hiện quy chế dân chủ ở nhiều cơ sở còn hình thức, thiếu thực chất, một số nơi còn tiềm ẩn yếu tố mất ổn định.

Một phần của tài liệu Hoạt động phổ biến pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)