Hội nhập kinh tế quốc tế, Làng nghề Hà Tây sẽ tiếp xúc được với nhiều đối tượng khách hàng cả trong nước và quốc tế. Hàng hoá Việt Nam sẽ có mặt tại nhiều nước trên thế giới hơn, hàng hoá nước ngoài cũng sẽ có mặt tại Việt Nam là tương đối lớn vì chúng ta vẫn là nước đang phát triển, nhập siêu nhiều hơn xuất khẩu. Thế mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài là vốn rất lớn, họ sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng để quảng cáo, chịu lỗ những năm đầu để giới thiệu, mở rộng thị phần sản phẩm. Đây là một hạn chế lớn của các doanh nghiệp Làng nghề khi vốn sản xuất chủ yếu là tự có, vốn vay ngân hàng hạn chế, không thể bám trụ lại trên thì trường khi sản phẩm bán chậm hoặc không bán được.
Hàng hoá nước ngoài có ưu điểm là mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nhưng giá thành tương đối cao, đây là rào cản ban đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên khi đời sống người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về hàng hoá đẹp, chất lượng cao lại nhiều hơn là hàng hoá có giá cả thấp mà chất lượng kém. Các doanh nghiệp nói chung, Làng nghề nói riêng để cạnh tranh trong nước cần phải biết được điều này. Cần nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất để sản xuất ra các sản phẩm đẹp, chất lượng đồng đều mà giá thành phải thấp hơn sản phẩm của nước ngoài thì mới có thể cạnh tranh được.
Chế độ hậu mãi của sản phẩm nước ngoài cũng rất tốt. Sau khi bán hàng họ có giấy chứng nhận, giấy bảo hành... Khách hàng muốn thay thế sửa
chữa sản phẩm đều được phục vụ rất nhanh chóng, chuyên nghiệp. Dịch vụ chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp nước ngoài cũng khá tốt, họ có một bộ phận chuyên trả lời thắc mắc, tiếp nhận ý kiến về sản phẩm, các số điện thoại này đều miễn phí cuộc gọi. Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa có cũng gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm.
Sản phẩm xuất khẩu của các Làng nghề Việt Nam nói chung và Hà Tây nói riêng chủ yếu là các hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm này phải cạnh tranh với sản phẩm của nước sở tại và của các nước khác trên cùng một thị trường. Thế mạnh của sản phẩm Việt Nam là nét tinh tế, tính đơn lẻ của sản phẩm nhưng lại có ít có cửa hàng, đại lý bán và giới thiệu sản phẩm. Chủ yếu là bán trực tiếp cho doanh nghiệp nước ngoài. Đây thực sự là điều khó khăn cho việc tạo chỗ đứng cho sản phẩm Việt Nam. Chưa kể có khi bị gắn nhãn mác của nước khác để tăng thêm giá trị cho hàng hoá, làm mất thương hiệu của hàng hoá Việt Nam. Ngoài ra do vốn của các Làng nghề nhỏ nên khả năng đáp ứng được các đơn hàng lớn của nước ngoài cũng gặp nhiều trở ngại. Công nghệ sản xuất một số ngành còn hạn chế nên hàng hoá không có độ đồng đều ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm với đối tác nước ngoài.
Doanh nghiệp Làng nghề Việt Nam cần nhận thức được những ưu, nhược điểm của mình từ đó phát huy ưu điểm khắc phục nhược điểm thì mới có thể tham gia và cạnh tranh được trong hội nhập kinh tế quốc tế.