Lịch sử hình thành các Làng nghề

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề Hà Tây trong hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 43)

Lịch sử hình thành phát triển của các Làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của địa phương. Hà Tây có lịch sử phát triển hàng trăm năm cùng với các Làng nghề truyền thống gắn liền với địa danh của địa phương như: Lụa Vạn Phúc thuộc thành phố Hà Đông, nghề thêu Quất Động (Thường Tín), mây tre đan ở Phú Minh (huyện Chương Mỹ)... Nghề thủ công từ xa xưa đã rất được coi trọng, đi vào cả thơ ca “Làm ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”. Tuy nhiên trong chế độ thực dân phong kiến thì các ngành nghề truyền thống vừa bị bao vây

bởi chính sách vừa không có thị trường tiêu thụ nên nó không đem lại được khoản thu nhập đáng kể cho người dân làm nghề “Làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi thân” nhưng không vì thế mà mất đi sức sáng tạo của những người thợ làm thủ công của Việt Nam nói chung và những người thợ trong các Làng nghề ở Hà Tây nói riêng. Từ thế kỷ 16 đã có rất nhiều sản phẩm truyền thống của các Làng nghề ở Hà Tây: khảm trai Chương Mỹ, Lụa Vạn Phúc... đã được thương nhân nước ngoài mua và đem bán lại tại rất nhiều nước trên thế giới: Nhật, Hà Lan..Những sản phẩm này có thể sánh ngang hàng với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc nơi mà chúng đã xuất hiện và phát triển trước đó cả ngàn năm. Đôi bàn tay khéo léo của những người thợ trong các Làng nghề ở Hà Tây đã tạo ra hàng ngàn sản phẩm độc đáo, tinh tế, có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng của các Làng nghề như: trướng thêu, hoành phi trạm khảm, đồ gỗ trạm khảm, lụa thêu... đã được sử dụng nhiều trong các cung điện, nhà cửa của các quan lại phong kiến.

Hà Tây có rất nhiều Làng nghề nổi tiếng trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến Làng nghề dệt lụa Vạn phúc. Lụa Vạn Phúc đã vượt qua không gian, thời gian trở thành biểu tượng của cái đẹp, biểu tượng của sự mềm mại, thướt tha của người phụ nữ Việt Nam khi mặc áo dài bằng vải lụa. Lụa Hà Đông đã đi vào thơ ca “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông” và trong thời kỳ hiện đại ngày nay áo lụa Hà Đông cũng đã gây được tính vang lớn khi điện ảnh Việt nam có được bộ phim đoạt giải tại liên hoan phim quốc tế tổ chức tại Busan (Hàn Quốc) với tác phẩm “Áo lụa Hà Đông”.

Bên cạnh một số Làng nghề ngày càng phát triển và hồi sinh thì quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn và hội nhập kinh tế quốc tế vẫn có một số ngành, một số Làng nghề dần mai một thậm chí bị xoá sổ, chẳng hạn như:

Làng nghề La Khê xưa vốn nổi tiếng với nghề dệt vải the, nam nữ thanh niên thời xưa đẹp hơn, sang trọng hơn khi mặc trên người những bộ quần áo, khăn bằng vải the. Tuy nhiên hiện nay những bộ quần áo như thế chỉ có thể còn nhìn thấy được ở các “liền anh, liền chị”, các nghệ sỹ múa trên sân khấu biểu diễn nghệ thuật. Đời thường không có nhiều người sử dụng do không tiện ích. Chính vì thế mà nghề dệt the dần trở nên mai một, sự nổi tiếng của Làng nghề chỉ còn là quá khứ. Những người dân của Làng La Khê giờ đây đa số sống nhờ chủ yếu dựa vào khu du lịch Bia Bà và một số ít thì mưu sinh bằng nghề: dệt khăn, dệt thảm...

Làng nghề pháo Bình Đà với vị trí địa lý thuận lợi từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm pháo có lịch sử hình thành và phát triển cả trăm năm. Đầu mỗi dịp năm mới, tết đến, trong các cuộc vui: cưới hỏi, hội làng... người lớn, trẻ em đều vui mừng khi có tiếng pháo nổ, nhờ đó người dân trong Làng Bình Đà tham gia sản xuất pháo, giàu nên từ pháo. Tuy nhiên đi cùng với tiếng pháo nổ là những nỗi buồn của những vụ tai nạn do đốt pháo gây nên nhiều thiệt hại về kinh tế, con người và sức khoẻ của người dân. Vì lợi ích, vì an toàn của toàn dân nên Chính phủ đã có chỉ thị số 406/CT-TTg ngày 8/8/1994 cấm sản xuất, buôn bán, tàng trữ, đốt pháo nổ. Làng pháo Bình Đà dần mất đi.

Làng nghề cả nước nói chung, Làng nghề Hà Tây nói riêng thực sự hồi sinh và phát triển khi luật hợp tác xã ra đời và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1997. Làng nghề Hà Tây còn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của chính phủ ở trong nước, các tổ chức phi chính phủ các nước khi có sự ra đời của “Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Làng nghề Hà Tây” theo Quyết định số 431/QĐ-UB ngày 22 tháng 4 năm 2008 của UBND tỉnh Hà Tây. Nhằm từng bước xây dựng và phát triển Làng nghề theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn một cách toàn diện cả về chất lượng và số lượng Làng nghề, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây đã ban hành Quyết định số 351/QĐ-

UBND ngày 19 tháng 2 năm 2008 về việc phê duyệt dự án quy hoạch phát triển Làng nghề truyền thống kết hợp du lịch – Làng nghề tạc tượng Sơn Đồng, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây.

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề Hà Tây trong hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 43)