Phát triển Làng nghề trong hội nhập kinh tế

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề Hà Tây trong hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 27 - 33)

Ý tưởng này chỉ có thể hiểu được khi làm rõ được được vấn đề lớn hơn có tính chất vĩ mô, đó là sự phát triển của đất nước Việt Nam khi gia nhập kinh tế quốc tế. Bởi Làng nghề là một trong những thành tố trong cơ cấu kinh tế của nước ta, hơn nữa nó lại là một thành tố trong khu vực kinh tế tư nhân, một khu vực kinh tế rất được các tổ chức kinh tế thế giới quan tâm.

Vì vậy các cơ chế vận hành của tổ chức thương mại thế giới WTO, các nguyên tắc pháp lý ràng buộc và tạo hành lang hoạt động cho các nước thành viên trong đó có nước ta thì tất cả các khu vực, các địa phương, các ngành nghề, cả lĩnh vực Làng nghề đều được thụ hưởng những thời cơ, thách thức, những thuận lợi, khó khăn, nhưng ở mức độ không giống nhau giữa các khu vực, các ngành, nghề, tuỳ thuộc vào tiềm năng về các mặt của mỗi đối tượng. Chẳng hạn các công trình nghiên cứu của chính phủ đã phân nền kinh tế của nước ta thành 3 nhóm ngành. Làng nghề lại được xếp vào nhóm thứ nhất, là

nhóm các ngành nghề có thế mạnh xuất khẩu, có sức cạnh tranh tương đối khá trên thị trường trong nước và quốc tế trong hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó ngành hàng thủ công mỹ nghệ - ngành nghề đặc trưng của Làng nghề có lợi thế hơn hẳn vì có tính độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, sự kết hợp hoàn mỹ giữa kỹ thuật và thẩm mỹ. Thật vậy, cho đến nay đất nước ta đã có hơn 3000 Làng nghề và Làng nghề truyền thống thu hút hơn 13 triệu lao động. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm bình quân đạt trên 600 triệu USD. Doanh thu từ hàng thủ công mỹ nghệ năm 2002 khoảng 800 triệu USD dự kiến năm 2010 khoảng 3 tỷ USD. Các sản phẩm của Làng nghề đã có mặt tại hơn 100 nước trong đó có các khách hàng lớn, khó tính: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tây ban Nha, Bỉ, Trung Quốc, Đài Loan…

Hội nhập kinh tế quốc tế vừa tạo ra cho các Làng nghề những cơ hội lớn để phát triển, đồng thời cũng nảy sinh không ít thách thức cần phải nỗ lực để quá trình hội nhập ngày càng có hiệu quả và bền vững:

Thứ nhất: Hội nhập kinh tế quốc tế làm cho các Làng nghề khả năng mở rộng các thị trường đặc biệt là thị trường tiêu thụ. Doanh nghiệp các nước ồ ạt đầu tư làm cho mối giao lưu thương mại của Làng nghề vốn thường bó hẹp trong 1 địa phương, 1 vùng hoặc quốc gia trở thành giao lưu quốc tế với nhiều nước, tầm nhìn chiến lược không bị bó hẹp trong luỹ tre làng. Tầm bay cao sẽ không bị hạn chế bởi “ngọn cau”, và “cây đa” truyền thống. Nhưng muốn được vậy, các doanh nhân và các lao động trong các Làng nghề phải hiểu biết thông lệ quốc tế hơn, phải biết tập tục và thị hiếu của thế giới hơn, phải biết ngôn ngữ giao tiếp của thế giới, phải biết xây dựng một cách đồng bộ hệ thống thị trường cho Làng nghề bao gồm: thị trường vốn, thị trường nguyên liệu, thị trường thiết bị công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm … Bởi vì hướng phát triển của Làng nghề không chỉ có thị trường nội địa mà lâu dài còn có thị trường xuất khẩu.

Thứ hai: hội nhập kinh tế quốc tế làm cho Làng nghề được thụ hưởng sự bình đẳng trên một sân chơi chung có các nguyên tắc pháp lý để hoạt động kinh doanh, để giải quyết các tranh chấp, có thể xuất nhập khẩu trực tiếp thay vì xuất nhập khẩu uỷ thác. Song Làng nghề cũng ngày càng hiểu được trong cuộc chơi chung đó muốn là người chiến thắng thì thế mạnh của mỗi Làng nghề là gì, điểm yếu là gì, với ai, với từng đối tác để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trong thị trường mở cửa.

Xu hướng chung để tạo thế mạnh cạnh tranh của Làng nghề là liên kết theo các chiều hướng khác nhau để tạo thế và lực nhằm khắc phục tính chất nhỏ lẻ của hộ sản xuất cá thể. Chẳng hạn liên kết giữa sản xuất và thương mại, vừa sản xuất sản phẩm Làng nghề vừa làm dịch vụ tiêu thụ tại Làng nghề như: Làng nghề Vạn Phúc, Làng nghề Bát Tràng…, liên kết giữa Làng nghề và du lịch như: Du lịch Đà Nẵng với Làng nghề ở Hội An, du lịch Hà Nội với Làng nghề Đồng Kỵ, Bát Tràng…

Thứ ba là về công nghệ, mẫu mã sản phẩm, văn hoá trong kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Hội nhập kinh tế quốc tế làm cho Làng nghề tiếp cận được vô số công nghệ mới của các nước để chế tạo ra các sản phẩm cùng loại với nhiều loại mẫu mã hấp dẫn hơn, văn minh hơn, phù hợp hơn từ đó học hỏi được kinh nghiệm để tự học hỏi nâng cao mình lên. Hội nhập là cơ hội để mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi Làng nghề phải đổi mới công nghệ sản xuất, cải tiến mẫu mã sản phẩm sao cho vừa giữ được bản sắc dân tộc Việt Nam vừa hiện đại hoá cho phù hợp với thị hiếu của khách hàng trong nước cũng như quốc tế, vừa cải tiến được yếu tố văn hoá trong kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm Làng nghề vừa nâng cao giá trị của sản phẩm hàng hoá từ đó có thể thu hút, hấp dẫn khách hàng thông qua việc bán hàng trong nước, xuất khẩu và cả khách du

lịch, thông qua các đối tượng tiềm năng này sẽ tìm kiếm được những khách hàng mới. Đây là một phương diện để nâng cao tính cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ của Làng nghề.

Thứ tư: Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ dẫn tới việc thay đổi về tổ chức sản xuất và lao động trong các Làng nghề.

Hình thức tổ chức sản xuất trong các Làng nghề truyền thống thường là hộ gia đình, hộ cá thể. Các khâu của quá trình sản xuất thường khép kín trong một hộ, quy mô sản xuất nhỏ hẹp. Như thế sẽ không đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu khi hội nhập kinh tế quốc tế. Hình thức thu gom giữa các hộ được phát triển để đáp ứng nhu cầu về sản lượng nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu về chất lượng. Chất lượng sản phẩm không đồng đều, nhiều khi không đáp ứng được yêu cầu về thời gian cho khách hàng theo đúng hợp đồng. Vì vậy khi hội nhập kinh tế quốc tế thì quy mô xuất khẩu tăng mạnh, yêu cầu về số lượng, chất lượng, mẫu mã, thời gian đòi hỏi sản xuất phải thay đổi, phá vỡ phương thức sản xuất theo kiểu hộ gia đình, hộ cá thể. Các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, Công ty Cổ phần đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các Làng nghề. Chẳng hạn Làng nghề dệt Phương La – Thái Bình khi có nhu cầu xuất khẩu khăn ăn sang thị trường Nhật Bản, Làng nghề sản xuất đồ gỗ Đồng Kỵ, Làng nghề gốm Bát Tràng – Hà Nội… đã xuất hiện rất nhiều Công ty để không những tăng cường quy mô sản xuất mà còn liên thông cả lĩnh vực dịch vụ thương mại. Đó là cơ hội để phát triển sản xuất song cũng kéo theo thách thức là trình độ quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp. Chủ các doanh nghiệp tại các Làng nghề chủ yếu đi từ sản xuất đi lên, chưa qua các khoá đào tạo về quản trị chuyên nghiệp, nên còn hạn chế về nghiệp vụ cũng như phong cách, văn hoá kinh doanh, văn hoá giao tiếp. Đó là một mảng khiếm khuyết của các doanh nhân Làng nghề.

Tiếp theo sự phát triển sản xuất của Làng nghề do hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội phát triển nhu cầu về số lượng chất lượng lao động. Hội nhập sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập bình quân so với Làng nghề truyền thống nhưng cũng xuất hiện những thách thức là việc đào tạo nghệ nhân, đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao về công nghệ và mỹ nghệ như thế nào.

Nghệ nhân trong hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng được tôn vinh thay vì mai một như thời kỳ thoái trào của Làng nghề. Nghệ nhân đóng vai trò quyết định trong Làng nghề cả về kỹ thuật, mỹ thuật và tổ chức sản xuất. Qua quá trình sản xuất lâu đời, trong các Làng nghề đã xuất hiện những người thợ giỏi nghề, có khả năng sáng chế, cải tiến kỹ thuật, sáng tạo ra những sản phẩm tinh xảo mang lại giá trị thẩm mỹ cũng như kinh tế rất cao mà dân gian thường gọi là nghệ nhân. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945 đã có nhiều thợ giỏi được chính quyền bảo hộ phong tặng danh hiệu nghệ nhân.Trong 1 số hội chợ ở Việt Nam và Pháp người có sản phẩm tinh xảo nhất được trao giải thưởng và giấy chứng nhận bàn tay vàng. Vậy là từ lâu nghệ nhân đã được coi là người tài nghệ, người giỏi nghề và có danh tiếng, được xã hội nể trọng. Nghệ nhân là thợ có tài cao, tay nghề tinh xảo, sản phẩm làm ra quá đẹp lại chứa cả tinh thần, tư tưởng, quan niệm nhân sinh, được người đời coi như báu vật. Như vậy sản phẩm của Làng nghề vừa là hàng hoá thông thường vừa là hàng hoá phi thường. Nghệ nhân là người đóng vai trò quyết định đối với việc mở nghề, giữ nghề và phát triển nghề đối với Làng nghề, tộc nghề. Để làm được điều này cực kỳ khó khăn nhưng hết sức vinh quang, đáng tự hào, các thế hệ nghệ nhân và thợ giỏi đã không ngừng sáng tạo cả trên phương diện kỹ thuật, nghệ thuật lẫn tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh của các Làng nghề. Vai trò sáng tạo sản phẩm của nghệ nhân phục vụ sản xuất và xuất khẩu biểu hiện trên một số mặt chủ yếu như:

- Chế tác sản phẩm, lập Làng nghề và cơ sở sản xuất duy trì nghề và Làng nghề, giữ bí mật nghề, bí quyết để độc quyền sản xuất, truyền nghề, dạy nghề trong gia tộc, gia đình, theo đuổi nghề suốt đời, nhiều đời không chịu để mai một nghề cho dù có bất cứ khó khăn gì.

- Cải tiến kỹ thuật và công nghệ và công cụ chuyên dụng, đặc biệt là công cụ cầm tay, kế thừa kinh nghiệm truyền thống lâu đời.

- Tạo mẫu hàng hoá phong phú, bao gồm cả mẫu cổ truyền và mẫu mới - Nghiên cứu, sáng chế nguyên vật liệu mới thay thế các nguồn nguyên liệu cũ, không đạt tiêu chuẩn hoặc không phù hợp.

- Nắm bắt nhu cầu thị trường, tìm hiểu khách hàng tiêu thụ sản phẩm gồm những đối tượng nào, doanh nghiệp, cá nhân hay đối tác nước ngoài…

- Tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư mới để duy trì, mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.

- Quản lý điều hành sản xuất, phân công lao động hợp lý, tận dụng lao động ở nhiều độ tuổi trong gia đình, trong doanh nghiệp

- Truyền nghề để có đội ngũ thợ kế nghiệp nghề quý của cha ông để không bị mất đi. Vai trò này của nghệ nhân có ý nghĩa kinh tế cũng như xã hội to lớn.

Như vậy có thể hiểu rằng trong hội nhập kinh tế quốc tế nghệ nhân càng được tôn vinh hơn, vai trò của nghệ nhân đòi hỏi nhiều yếu tố hơn và chất lượng cao hơn đối với sự phát triển của Làng nghề.

Một vấn đề nữa là đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao về mặt công nghệ và mỹ thuật đang là một thách thức lớn khi Làng nghề hội nhập kinh tế quốc tế. Lớp trẻ hiện nay, về tâm lý không thích tiếp nối ngành nghề truyền thống. Giống như trong âm nhạc và nghệ thuật, thế hệ trẻ thích những dòng nhạc hiện đại, không thích quan họ, tuồng, chèo, cải lương. Trong nghề nghiệp họ cũng thích chọn những ngành nghề kỹ thuật, công nghệ cao như:

điện tử, viễn thông, kinh tế. Mặt khác là hình thức và phương pháp đào tạo nghề của Làng nghề không như đào tạo các ngành nghề hiện đại. Đào tạo trong các Làng nghề có thể là truyền nghề thay vì phương pháp đào tạo nghề hoặc dạy nghề tại các trường lớp.

Truyền nghề có ưu điểm sẽ chuyển giao được hết các bí quyết nghề nghiệp cho người nối dõi nếu người đó thực sự tâm huyêt với nghề, có trình độ. Ngược lại nếu không tìm được người nối dõi hoặc người nối dõi không có nhiệt huyết, trình độ thì có thể làm mất đi một nghề. Những doanh nhân, nghệ nhân hiện nay được Nhà nước ta tôn vinh bằng ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 đồng thời cũng đang phong danh hiệu nghệ nhân cho những người lao động có tay nghề cao trong lĩnh vực Làng nghề. Đó là một lợi thế về mặt tâm lý cho việc đào tạo lớp trẻ có tay nghề cao trong các Làng nghề để nối nghiệp truyền thống cha ông. Mặt khác cũng cần cải tiến phương pháp và hình thức đào tạo bằng cách kết hợp phương pháp “truyền nghề” truyền thống với phương pháp “dạy nghề” hiện đại để có thể hội nhập kinh tế quốc tế.

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề Hà Tây trong hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 27 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)