Về sản phẩm

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề Hà Tây trong hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 73 - 76)

Như đã phân tích ở trên, các Làng nghề Hà Tây có ưu điểm là số lượng sản phẩm rất đa dạng, phong phú, tuy nhiên sản phẩm sản xuất ra không đồng đều giữa các hộ gia đình, các Làng cùng sản xuất 1 loại sản phẩm. Tại Hà Tây có một số Làng nghề, hộ gia đình vì mục tiêu lợi nhuận đã làm nhái sản phẩm của các hãng có tên tuổi: bánh kẹo, thực phẩm. Nguyên liệu sử dụng

trong sản xuất cũng ít có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tại làng lụa Vạn Phúc người bán hàng cũng đã mua sản phẩm của Trung Quốc bày bán lẫn với sản phẩm của Làng vì vậy gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Làng nghề. Trong hội nhập kinh tế quốc tế để giữ được uy tín đối với khách hàng trong nước và nhất là đối với khách hàng quốc tế, thì ngay từ bây giờ các hộ gia đình, các Làng nghề của Hà Tây phải chú trọng tới chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm sản xuất ra vừa phải có tính kế thừa, bảo tồn các giá trị truyền thống vừa kết hợp được những giá trị văn hoá hiện đại. Các Làng nghề cũng cần xây dựng tiêu chuẩn, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho từng loại sản phẩm nhất là các sản phẩm xuất khẩu để đảm bảo được độ đồng nhất cho sản phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng hàng hoá đồng đều nhà sản xuất còn phải xây dựng được kế hoạch cho một sản phẩm: nghiên cứu thị trường cho ra đời sản phẩm, quảng cáo cho sản phẩm. Và quan trọng nhất là phải xác định được vòng đời của sản phẩm, khi nào cần sản xuất sản phẩm mới, khi nào nên kết thúc sản xuất một mặt hàng. Doanh nghiệp Làng nghề cần quan tâm tới đội ngũ thiết kế sản phẩm. Làm được điều này sẽ giúp các hộ gia đình, doanh nghiệp tránh được tình trạng hàng lỗi mốt, ế hàng ảnh hưởng tới doanh thu.

Tại thị trường nước ngoài khách hàng rất ưa chuộng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do Làng nghề của Hà Tây sản xuất: mây tre đan, lụa, đồ gỗ mỹ nghệ... Các mặt hàng này có lợi thế về mẫu mã.

Tuy nhiên về độ bền còn hạn chế do có sự khác biệt về khí hậu. Một số sản phẩm: mây tre đan, đồ gỗ thường bị cong vênh, giòn dễ hỏng. Vì vậy khi sản xuất cần chú trọng nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản phẩm có thể thích hợp với mọi môi trường khác nhau.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, người tiêu dùng có thể đi mua hàng trực tiếp, mua sắm qua mạng internet, hình thức mua sắm qua mạng có thể giảm thời gian, công sức vừa có thể lựa chọn hàng hoá mà không phải lo về nguồn gốc xuất xứ. Hiện nay Hà Tây đã có Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Làng nghề Hà Tây, địa chỉ tại số 1 Chu Văn An. Đây là một tổ chức phi chính phủ hoạt động dựa trên sự bảo trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước. Tại trụ sở của Hội cũng trưng bày các sản phẩm do các Làng nghề Hà Tây nhưng không đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã, không giới thiệu được hết các sản phẩm Làng nghề Hà Tây, chủ yếu là đồ len, mây tre đan, guột. Nơi trưng bày cũng không khang trang nên ít thu hút được khách tham quan mua sắm. Tại Hiệp hội thủ công mỹ nghệ, ngoài tờ quảng cáo chung của Hội có giới thiệu sản phẩm các Làng sản xuất, không có bất cứ tờ rơi, băng rôn quảng cáo của một hộ gia đình, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thủ công mỹ nghệ nào. Hội có website: Hatayhandicraft.org để giới thiệu về sản phẩm của Làng nghề, các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất trên địa bàn tỉnh. Tại website này hiện nay có rất ít các doanh nghiệp tham gia quảng cáo doanh nghiệp và sản phẩm của mình. Đây là một hạn chế rất lớn của Làng nghề Hà Tây khi khách hàng khó có thể tìm kiếm sản phẩm mình muốn hay có ý định sẽ đặt hàng, mua để sử dụng.

Tại hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Làng nghề năm 2007 tổ chức tại Hà Nội, mặc dù Hà Tây có hàng nghìn Làng nghề với hàng vạn sản phẩm, Hà Tây lại rất gần Hà Nội nhưng số Làng của Hà Tây tham dự Hội chợ này lại quá ít ỏi, con số chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Để hội nhập kinh tế quốc tế, các hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất của Làng nghề Hà Tây cần phải quảng cáo cho sản phẩm của mình trên: phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, internet, tham gia các hội chợ thương mại về

thủ công mỹ nghệ trong nước và quốc tế... để khách hàng có thể tiếp cận tới sản phẩm do mình sản xuất ra nhanh nhất, dễ dàng nhất.

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề Hà Tây trong hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 73 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)