Hợp tác và liên kết với các Làng nghề, phố nghề, phường nghề, du lịch của Hà Nội nhằm sử dụng các thế mạnh của Hà Nội.

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề Hà Tây trong hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 91)

du lịch của Hà Nội nhằm sử dụng các thế mạnh của Hà Nội.

Hiện nay tại các tuyến phố cổ Hà Nội có bày bán rất nhiều sản phẩm do các Làng nghề Hà Tây sản xuất: mây tre đan, lụa, đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ.... Tuy nhiên đa phần đều do thương nhân Hà Nội mua sản phẩm về bán lại hoặc do các hộ gia đình, doanh nghiệp của Hà Tây ký gửi hàng hoá để bán hộ. Rất ít cửa hàng tại đây do các hộ gia đình, thương nhân của Hà Tây trực tiếp vừa sản xuất vừa bán hàng. Hà Tây khi đã trở thành Hà Nội thì các Làng nghề Hà Tây nên kết hợp với thương nhân, các phố Hà Nội để có thể tận dụng những thế mạnh của Hà Nội trong việc tiêu thụ sản phẩm khi lượng khách tham quan du lịch tại đây ngày càng tăng. Khi kết hợp với thương nhân của Hà Nội, các hộ sản xuất, kinh doanh của Hà Tây còn có thể tận dụng những cơ hội về vốn. Có thể ký hợp đồng với các doanh nghiệp Hà Nội bao tiêu sản phẩm và các doanh nghiệp này có trách nhiệm hỗ trợ về vốn hoặc đầu tư vốn cho sản xuất của Làng nghề.

Khi mở rộng quan hệ với thương nhân Hà Nội, Làng nghề Hà Tây còn có thể mua hoặc tiếp cận với những công nghệ sản xuất hiện đại mà Hà Nội đã có để hiện đại hoá công nghệ sản xuất truyền thống. Như vậy có thể sản xuất ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.

Kết hợp với thương nhân Hà Nội cũng sẽ giúp cho các hộ sản xuất, Làng nghề của Hà Tây mở rộng thị trường nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Thương nhân Hà Nội có ưu điểm về vốn, trình độ cũng như nhiều mối quan hệ với các nguồn cung ứng khác nhau. Họ có thể cung cấp nguồn nguyên vật liệu ổn định, có chất lượng và giá cả phù hợp hơn. Khi các Làng nghề tự mua từ các doanh nghiệp nước ngoài, thường không đảm bảo về chất lượng, chủng loại, thời gian cung ứng, có thể thiệt hại về kinh tế do sự thiếu chuẩn xác của ngôn ngữ khi ký kết hợp đồng mua bán với đối tác nước ngoài.

Thông qua việc hợp tác với doanh nghiệp của Hà Nội, các Làng nghề của Hà Tây có thể mở rộng được thị trường tiêu thụ nội địa, xuất khẩu tại chỗ. Việc kết hợp với du lịch Hà Nội thông qua hình thức ký các hợp đồng tham quan du lịch kết hợp với mua sắm tại các Làng nghề của Hà Tây vừa góp phần quảng cáo cho Hà Tây nói chung vừa có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất của Hà Tây giới thiệu sản phẩm tới khách du lịch trong nước và quốc tế tăng doanh thu cho các hộ sản xuất.

KẾT LUẬN

Phát triển Làng nghề Hà Tây có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế – xã hội: Kích thích sự tăng trưởng kinh tế, thực hiện sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống của người dân nông thôn, góp phần đa dạng hoá các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh và thúc đẩy quá trình đô thị hoá, giải quyết vấn đề ly nông, bất ly hương. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và sự phát triển các nghề truyền thống có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn của Hà Tây tất yếu phải phát triển các Làng nghề vì đây là một trong những ngành đem lại nguồn thu nhập tương đối ổn định và có khả năng phát triển trong tương lai.

Hà Tây có nhiều điều kiền thuận lợi để phát triển các Làng nghề. Trong thời gian qua các nghề truyền thống, Làng nghề mới của Hà Tây đã được củng cố, phát triển đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết được số lượng lớn việc làm, ổn định kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn, có những chuyển biến tốt về hình thức tổ chức sản xuất, về công nghệ, tiếp cận thị trường. Tuy nhiên các Làng nghề Hà Tây cũng đang gặp những khó khăn lớn như: trình độ lao động thấp chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh trong điều kiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và cơ chế thị trường; công nghệ lạc hậu, chắp vá; môi trường ô nhiễm; cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ; cơ chế và chính sách quản lý của Nhà nước đối với Làng nghề còn thiếu.

Những vấn đề trên đây cần được nghiên cứu sâu sắc, đầy đủ và kịp thời để có 1 hệ thống giải pháp hữu hiệu cho sự phát triển bền vững của các Làng nghề. Đây là lúc mà các Làng nghề Hà Tây nói riêng, và trên cả nước nói chung, cần nhiều nhất đến sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, biến các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và nhà nước thành các hoạt động cụ thể, tác động trực tiếp đến hoạt động của từng người lao động, từng hộ gia đình, từng doanh nghiệp trong các Làng nghề.

Các cấp các ngành của Hà Nội cần khẩn trương nghiên cứu bổ sung các chính sách cho đồng bộ, cụ thể, minh bạch để nhanh chóng đưa vào cuộc sống của các Làng nghề, để Làng nghề phát triển một cách bền vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Để có một Hà Nội văn minh giàu đẹp với những Làng nghề truyền thống, những sản phẩm tinh tế, có khả năng cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế, cần nhấn mạnh đến các giải pháp duy trì, mở rộng thị trường; quy hoạch phát triển Làng nghề; đổi mới công nghệ; xây dựng cơ sở hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường và bảo tồn được nét văn hoá đặc trưng của các Làng nghề đã có hàng trăm năm của Hà Tây.

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề Hà Tây trong hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 91)