Sở hữu tư nhân và quyền tự do kinh doanh

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận, xã hội và những vấn đề thực tế để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 (Trang 46 - 47)

Năm 1986, Đại hội VI của Đảng đề ra đường lối phát triển kinh tế của nước ta theo hướng xóa bỏ cơ chế bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế của nước ta phát triển dựa trên các quan hệ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Nhà nước coi hình thức sở hữu tư nhân là cần thiết trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Nhà nước khuyến khích cá nhân đầu tư trí tuệ, công sức và tài sản để sản xuất kinh doanh dưới các hình thức pháp luật cho phép. Để khuyến khích sở hữu cá nhân phát triển, Nhà nước sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với kinh tế tư nhân, tạo điều kiện để bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Tài sản của cá nhân được pháp luật bảo hộ, cá nhân có quyền để lại thừa kế tài sản của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Năm 1990, Pháp lệnh Thừa kế ra đời trong lúc Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Pháp lệnh ra đời góp phần bảo vệ quyền dân sự và lợi ích hợp pháp của cá nhân công dân, thể hiện những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là tự nguyện, bình đẳng, công bằng, phù hợp với yêu cầu của nhân dân, thể hiện được chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng ta.

Trong cơ chế thị trường, Nhà nước mở rộng hơn các quyền dân sự của cá nhân, nếu việc thực hiện các quyền đó không làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, của nhân dân. Đó là các quyền của người để lại thừa kế và của người thừa kế, vì mục đích của việc sản xuất ra nhiều của cải nhằm để lại cho thế hệ sau thừa hưởng. Tuy nhiên, việc sử dụng di sản thừa kế có hiệu quả hay không phụ thuộc vào hành vi của người thừa kế, do vậy, người để lại thừa kế di sản phải xem xét người thừa kế nào có khả năng phát huy việc sản xuất kinh doanh, họ sẽ cho hưởng di sản với những điều kiện nhất định.

Cơ sở pháp lý của vấn đề thừa kế được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 là cụ thể hóa có tính nguyên tắc của Hiến pháp năm 1992. Điều 58 Hiến pháp quy định: "Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp... Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân".

Trong giai đoạn hiện nay, tài sản của tư nhân ngày càng phong phú về chủng loại và không bị hạn chế về số lượng, giá trị tài sản. Cùng với sự phát triển đó, Nhà nước ta cho phép quyền để lại thừa kế những tư liệu sản xuất mà chủ doanh nghiệp đang sở hữu. Đối với các loại công ty, vốn và tài sản của thành viên công ty được phép để lại cho người thừa kế.

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận, xã hội và những vấn đề thực tế để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 (Trang 46 - 47)