Giai đoạn từ khi Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 được ban hành đến ngày Bộ luật Dân sự có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/1996)

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận, xã hội và những vấn đề thực tế để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 (Trang 38 - 40)

hành đến ngày Bộ luật Dân sự có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/1996)

Giai đoạn này cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội ở nước ta, quyền dân sự cũng được củng cố và phát triển phù hợp. Vấn đề thừa kế được quy định khá đầy đủ tại văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, đó là Pháp lệnh Thừa kế năm 1990. Sự ra đời của văn bản pháp lý này đã khắc phục được một số vướng mắc của Thông tư 81 được ban hành trước đó, đảm bảo đáp ứng được sự phát triển đa dạng, phức tạp của nền kinh tế, nhu cầu của các quan hệ tài sản trong xã hội, bảo vệ có hiệu quả hơn quyền thừa kế của công dân trong thời kỳ đổi mới.

* Về diện thừa kế

Nội dung của Pháp lệnh Thừa kế đã mở rộng phạm vi những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật, cụ thể là Pháp lệnh Thừa kế đã quy định thêm diện thừa kế bao gồm: cụ nội, cụ ngoại, chú, bác, cô, dì, cậu ruột. Quy định như vậy nhằm bảo vệ tối đa quyền của người để lại di sản và quyền của những người thừa kế, tránh tình trạng không có người thừa kế theo pháp luật.

* Về hàng thừa kế

Dựa trên nguyên tắc bình đẳng về thừa kế của công dân, không phân biệt nam nữ về quyền để lại tài sản của mình cho người khác, nam nữ đều được hưởng thừa kế ngang nhau theo quy định của pháp luật, hàng thừa kế trong Pháp lệnh Thừa kế cũng được mở rộng phù hợp với thực tế xã hội. Điều 25 của Pháp lệnh Thừa kế đã ghi nhận ba hàng thừa kế:

Hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi,

mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Hàng thừa kế thứ hai, bao gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại,

anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết.

Hàng thừa kế thứ ba, bao gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết, bác

ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết, cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.

Có thể thấy các quy định của Pháp lệnh Thừa kế về ba hàng thừa kế theo pháp luật là nhằm bảo đảm quyền thừa kế của những người có quan hệ huyết thống trực hệ và bàng hệ ở phạm vi rộng.

Điểm mới của Pháp lệnh Thừa kế so với Thông tư 81 được thể hiện ở chỗ, tại hàng thừa kế thứ nhất, người đang là con nuôi của người khác được bình đẳng với những người con khác của người để lại di sản trong việc hưởng di sản thừa kế của cha đẻ, mẹ đẻ. Đây là điểm khác biệt cơ bản so với Thông tư 81 (người đã là con nuôi chỉ được nhận di sản thừa kế từ cha nuôi, mẹ nuôi mà không có quyền hưởng thừa kế của cha đẻ, mẹ đẻ).

Pháp lệnh Thừa kế cũng đã quy định cho anh, chị, em ruột được thừa kế theo pháp luật của nhau ở hàng thứ hai mà không phụ thuộc vào việc người anh, người chị, người em đó có đang làm con nuôi của người khác hay không.

Đặc biệt, hàng thừa kế thứ ba đã bao gồm những người thừa kế lần đầu tiên được pháp luật dưới chế độ mới quy định, đó là cụ nội, cụ ngoại của

người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột. Họ đều là những người có quan hệ huyết thống bàng hệ hoặc trực hệ với người để lại di sản.

Có thể thấy, Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 được ban hành là một tất yếu của sự phát triển kinh tế xã hội nước ta, đáp ứng được nhu cầu của các quan hệ tài sản trong xã hội những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX. Tuy nhiên, Pháp lệnh Thừa kế cũng không tránh được những hạn chế như một hệ quả tất yếu của sự vận động trong tiến trình hoàn thiện pháp luật thừa kế ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận, xã hội và những vấn đề thực tế để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 (Trang 38 - 40)