Thừa kế theo quan hệ hôn nhân

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận, xã hội và những vấn đề thực tế để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 (Trang 55 - 59)

Dưới thời phong kiến, quan hệ hôn nhân không được xem là cơ sở xác định diện thừa kế của vợ và chồng. Xuất phát từ tư tưởng "trọng nam khinh nữ", quan hệ thừa kế cũng bị tác động mạnh mẽ. Trong gia đình, vị trí của người vợ bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Hôn nhân không ràng buộc bất cứ bổn phận và trách nhiệm nào của chồng đối với vợ nên người vợ không thuộc diện thừa kế của người chồng. Hoàng Việt luật lệ quy định sau khi thành vợ chồng, tất cả tài sản thuộc sở hữu của chồng ngay cả những tài sản của người vợ đem về nhà chồng khi kết hôn. Nếu người vợ chết trước, đương nhiên người chồng tiếp tục là người sở hữu. Tuy nhiên, chồng chết trước thì vợ không được quyền hưởng di sản mà chỉ được hưởng hoa lợi trên tài sản của chồng để lại.

Dân luật Bắc Kỳ và Dân luật Trung Kỳ có sự phân biệt giữa vợ cả và vợ lẽ. Người vợ cả được hưởng toàn bộ di sản của người chồng nếu không còn ai thân thích bên họ nội, còn vợ thứ khi chồng chết chỉ được ở lại nhà chồng hưởng lương thực và tiền chi dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Với quy định ưu tiên bảo vệ quyền lợi cho gia đình, dòng tộc, quyền lợi của người vợ trong thời kỳ phong kiến chỉ được đặt sau các con, cháu, cha, mẹ, ông, bà, các cụ, anh, chị, em ruột của người để lại di sản.

Trái với pháp luật thời kỳ phong kiến, pháp luật thực định quy định vợ, chồng thuộc diện thừa kế theo pháp luật của nhau. Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 quy định: "Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế". Có thể nói, việc thừa nhận quyền thừa kế của vợ, chồng là hoàn toàn chính đáng và phù hợp với quan niệm về gia đình Việt Nam hiện đại.

Theo quy định của pháp luật, vợ, chồng thuộc diện thừa thừa kế theo pháp luật của nhau khi quan hệ hôn nhân của họ tính đến thời điểm mở thừa kế của người vợ hoặc người chồng được xác định là hôn nhân hợp pháp.

Tại Khoản 6 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: "Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn". Khoản 2 Điều 8 quy định: "Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn". Như vậy, quan hệ hôn nhân hợp pháp là quan hệ giữa vợ và chồng khi kết hôn đã tuân thủ các các quy định của pháp luật hôn nhân về độ tuổi kết hôn, ý chí tự do, tự nguyện, tự do thỏa thuận, không có sự áp đặt ý chí của một bên đối với bên kia trong kết hôn, không vi phạm quan hệ huyết thống, không vi phạm chế độ một vợ, một chồng và không vi phạm các điều cấm khác của pháp luật trong kết hôn.

Quan hệ hôn nhân hợp pháp được xác lập thông qua việc đăng ký kết hôn. Thủ tục đăng ký kết hôn được quy định cụ thể trong Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000. Để được đăng ký kết hôn thì hai bên nam, nữ phải thỏa mãn các điều kiện kết hôn được quy định tại các điều 9, 10, 11 và 14 về độ tuổi kết hôn, ý chí tự do, tự nguyện trong kết hôn, không vi phạm chế độ một vợ, một chồng, không vi phạm quan hệ huyết thống trong phạm vi ba đời và không vi phạm các điều cấm khác của pháp luật như: Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi; bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; giữa những người cùng giới tính. Người mất năng lực hành vi không được kết hôn. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo nghi thức tổ chức đăng ký kết hôn (Điều 14).

Tuy nhiên, ngoài việc xác định quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật thì trong những giai đoạn lịch sử nhất định vẫn cần thiết phải đánh giá đúng mức những quan hệ hôn nhân mặc dù không tiến bộ, trái với pháp luật hiện hành nhưng vẫn tồn tại và được thừa nhận ở nước ta như giải pháp giải quyết những tàn dư của chế độ thực dân phong kiến còn sót lại. Để giải quyết vấn đề hôn nhân đa thê, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 690-DS ngày 29/4/1960 hướng dẫn xử lý việc ly hôn và các vấn

đề có liên quan đến việc ly hôn vì chế độ đa thê. Nhằm từng bước xóa bỏ những tàn dư của chế độ cũ, pháp luật của Nhà nước ta đã xác định giới hạn đình chỉ những quan hệ hôn nhân trái với pháp luật hiện hành, cụ thể là:

- Đối với miền Bắc, với những người có nhiều vợ trước ngày ban hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, theo Sắc lệnh số 02-SL ngày 13/01/1960 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì không đặt vấn đề vi phạm luật. Do vậy, quan hệ hôn nhân của vợ chồng xác lập trước ngày 13/01/1960 tuy có vi phạm chế độ một vợ một chồng nhưng vẫn tồn tại và được coi là không trái pháp luật. Theo quy định trên, khi chồng chết, các người vợ được thừa kế của chồng hoặc khi các người vợ chết trước thì chồng được thừa kế của các người vợ.

Như vậy, quy định trên chỉ là giải pháp quá độ phù hợp với thực tế lúc bấy giờ do hoàn cảnh lịch sử để lại. Thực chất, pháp luật về hôn nhân và gia đình đã tuyên bố chấm dứt các quan hệ hôn nhân đa thê kể từ sau ngày 13/01/1960 ở Miền Bắc nước ta.

- Đối với miền Nam, một người có nhiều vợ trước ngày 25/3/1977 (ngày công bố danh mục văn bản pháp luật được áp dụng thống nhất trong cả nước) mà việc kết hôn sau không bị hủy bỏ bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì tất cả những người vợ đều được coi là người thừa kế hàng thứ nhất của người chồng và ngược lại, khi các vợ chết trước, chồng được thừa kế của các vợ.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, năm 1986 quy định rõ về trình tự, thủ tục, điều kiện đăng ký kết hôn nhưng thực tế giai đoạn trước đây do tàn tích của chế độ phong kiến còn tồn tại có nhiều trường hợp kết hôn không theo đúng trình tự pháp luật quy định, hình thành nên khái niệm "hôn nhân thực tế". Vấn đề này đã được quy định tại Thông tư số 112/NCPL ngày 19/8/1972 của Tòa án nhân dân tối cao. Thông tư số 112 ghi nhận:

Hôn nhân thực tế là những cuộc hôn nhân không đăng ký, thỏa mãn đầy đủ các điều kiện kết hôn khác, trong đó hai bên có ý

định thực sự lấy nhau, đã thực tế coi nhau như vợ chồng, chung sống công khai, gánh vác chung công việc gia đình, được họ hàng, xã hội xung quanh coi như vợ chồng [32].

Thời kỳ đổi mới và phát triển đất nước, nhằm giải quyết dứt điểm những quan hệ vợ chồng không tuân thủ quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Tại Điều 2 Nghị định số 77 quy định: Quan hệ vợ chồng chưa đăng ký mà được xác lập trước 03/01/1987 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) thì việc đăng ký kết hôn không bị hạn chế về thời gian. Nhưng nếu nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến 01/01/2001 mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn. Từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng. Tại Khoản 1 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: "Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng". Như vậy, đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ 01/01/2001 trở đi mà không đăng ký kết hôn thì không được công nhận là vợ chồng.

Có thể thấy, pháp luật chỉ thừa nhận hôn nhân thực tế đối với quan hệ nam nữ trên thực tế đã chung sống với nhau như vợ chồng từ trước 03/01/1987. Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến 01/01/2001 mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn 02 năm từ 01/01/2001 đến 01/01/2003. Đặc biệt, với quy định tại Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, pháp luật đã xóa bỏ hoàn toàn khái niệm hôn nhân thực tế. Điều này là hoàn toàn phù hợp với điều kiện phát

triển kinh tế, xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế đã phát triển lên một mức cao hơn, các mối quan hệ trở nên đa dạng, phức tạp hơn, ý thức tôn trọng pháp luật trong nhân dân ngày càng cao và trình độ dân trí ngày càng phát triển.

Như vậy, hôn nhân thực tế được tòa án thừa nhận cũng được coi là hôn nhân hợp pháp. Tuy nhiên, vấn đề hôn nhân thực tế được thừa nhận ở nước ta chỉ là một giải pháp tình thế nhằm giải quyết những vấn đề con chung của vợ chồng, vấn đề tài sản của vợ chồng, vấn đề thừa kế di sản nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, đặc biệt là bảo vệ lợi ích của người phụ nữ và trẻ em.

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận, xã hội và những vấn đề thực tế để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 (Trang 55 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)