Truyền thống lập pháp, phong tục tập quán

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận, xã hội và những vấn đề thực tế để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 (Trang 45 - 46)

Về mặt xã hội, mỗi cá nhân chết đi đại bộ phận đều để lại một khối tài sản nào đó, nhưng vấn đề đặt ra là tài sản đó của người chết sẽ được giải quyết như thế nào.

Theo truyền thống lập pháp, theo phong tục tập quán, theo mối liên hệ huyết thống thì việc dịch chuyển tài sản sẽ theo một nguyên lý: Thế hệ trước để lại tài sản cho các thế hệ sau. Do vậy, những người thừa kế trước hết là các con, các cháu của người để lại di sản, sau đó mới đến những người thân thích khác theo quan hệ huyết thống trực hệ và bàng hệ. Như vậy, đó là cơ sở xác định diện thừa kế theo truyền thống mà xác định từ một trong các mối quan hệ: hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng giữa người để lại di sản và người thừa kế.

Các mối quan hệ: hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng đảm bảo sự gắn bó mật thiết giữa những người thân trong gia đình, dòng họ với nhau. Đây là những quan hệ tình cảm gắn bó nhau, giữa họ có những quyền lợi và nghĩa vụ tương hỗ nhau. Pháp luật nước ta chỉ dựa vào ba quan hệ đó để xác định

những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Những người không một trong ba mối quan hệ trên thì không thuộc diện được hưởng thừa kế theo pháp luật.

Có thể thấy, các chế độ xã hội đều có một đặc điểm chung là: diện thừa kế chủ yếu do quan hệ hôn nhân và gia đình chi phối. Tuy nhiên, tùy thuộc vào quan hệ sản xuất của từng giai đoạn phát triển xã hội và dựa trên những quy định của pháp luật của mỗi chế độ, xã hội nhất định mà phạm vi những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật được quy định ở diện rộng, hẹp khác nhau. Phạm vi những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật theo quy định của pháp luật thừa kế hiện hành của nước ta dựa trên quan điểm mang tính chất truyền thống về gia đình Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta phát động phong trào xây dựng gia đình văn hóa mới, giữ vững bản sắc văn hóa của dân tộc. Giá trị truyền thống đoàn kết của dòng họ, của gia đình Việt Nam được phát huy. Những người có quan hệ huyết thống với người để lại di sản thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người đó. Lợi ích của mỗi thành viên trong gia đình, dòng tộc luôn được pháp luật thừa kế của nước ta coi trọng và bảo đảm thực hiện trong mối quan hệ với lợi ích của toàn xã hội.

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận, xã hội và những vấn đề thực tế để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 (Trang 45 - 46)