Xác định di sản thừa kế có ý nghĩa thực tiễn trong việc xây dựng các quy định về thừa kế nói chung, xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế nói riêng.
Cá nhân có tài sản có quyền để lại di sản cho cá nhân, tổ chức sau khi chết. Tài sản của người để lại thừa kế gồm các tài sản hữu hình như tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng, nhà ở, đất đai, của cải để dành. Tài sản vô hình là quyền sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản của người để lại thừa kế như quyền yêu cầu người khác thực hiện các nghĩa vụ tài sản. Đây là những tài sản đã có khi người để lại di sản chết.
Điều 634 Bộ luật Dân sự 2005: "Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác". Theo quy định này, những tài sản, quyền tài sản, các loại giấy tờ có giá đã thuộc quyền sở hữu của người để lại thừa kế là di sản.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, có nhiều lợi ích vật chất cũng cần phải coi là di sản như các lợi ích phát sinh từ hợp đồng. Thực tế là nhiều trường hợp người để lại thừa kế đã đầu tư công sức, vốn, tài sản vào sản xuất kinh doanh hoặc đang tham gia vào các hợp đồng kinh doanh mà thời hạn chưa hết thì người thừa kế tiếp tục được hưởng lợi từ hoạt động sản xuất kinh doanh và các hợp đồng đó.
Thời kỳ này di sản thừa kế đã được mở rộng phạm vi các loại tài sản, đặc biệt là tư liệu sản xuất. Điều đó tạo điều kiện thúc đẩy cá nhân, công dân đầu tư vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển tài sản của gia đình, dòng họ từ thế hệ này sang thế hệ khác.
2.1.4. Truyền thống gia đình và vấn đề "Hiếu", "Nghĩa"
Đặc điểm "Hiếu", "Nghĩa" trong gia đình Việt Nam được xem là một trong những căn cứ quan trọng xác định diện những người thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật.
Về "Hiếu": Theo quan niệm xã hội và chuẩn mực đạo đức thì đạo hiếu được coi trọng. Đạo hiếu của các con, cháu đối với ông, bà, cha, mẹ, các cụ với nghĩa vụ pháp lý và nghĩa vụ đạo đức, mọi người phải thực hiện nếu trái
với những chuẩn mực đó thì bị coi là bất hiếu. Các con, cháu phải tôn kính, có bổn phận phụng dưỡng ông, bà, cha, mẹ. Đây được xem là nguồn gốc, nguyên tắc duy trì trật tự trong gia đình.
Xuất phát từ những quan niệm về "Hiếu" ăn sâu trong lẽ sống ngàn đời của nhân dân, pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam đã quy định nghĩa vụ giữa những người có quan hệ cha con, mẹ con phải chăm sóc, nuôi dưỡng nhau trong trường hợp cần thiết phải nuôi dưỡng. Ngày nay, quan niệm về "Hiếu" có những yếu tố mới so với nội dung của đạo hiếu trước đây, tuy nhiên, bản chất của nó không thay đổi theo chuẩn mực của quan hệ gia đình, huyết thống, chuẩn mực đạo đức xã hội: Các con cháu có nghĩa vụ kính trọng, lễ phép với ông, bà, cha, mẹ, phụng dưỡng, giúp đỡ ông bà, cha mẹ.
"Đạo hiếu" thể hiện thấm nhuần trong các quy định của pháp luật về thừa kế, không chỉ áp dụng đối với những người có quan hệ huyết thống là ông bà với các cháu, cha mẹ với các con ruột mà còn được áp dụng cho quan hệ cha, mẹ nuôi với con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng với cha kế, mẹ kế. Pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của người con nuôi như con đẻ trong quan hệ với cha nuôi, mẹ nuôi và quyền của họ được thừa kế di sản của nhau. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 tại Điều 34: "Việc nuôi con nuôi nhằm gắn bó tình cảm giữa người nuôi và con nuôi trong quan hệ cha, mẹ và các con cái, đảm bảo người con nuôi chưa thành niên được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tốt". Những quy định này xuất phát từ mục tiêu củng cố và phát triển tình đoàn kết yêu thương trong nội bộ gia đình.
Về "Nghĩa": Đây là một trong những căn cứ quan trọng để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế. "Nghĩa" thể hiện đặc biệt rõ trong quan hệ nhận di sản thừa kế của nhau giữa vợ và chồng.
Pháp luật dưới chế độ phong kiến và thực dân - phong kiến ở nước ta trước năm 1945 luôn bảo vệ quyền hưởng di sản của những người trong quan
hệ huyết thống nội tộc, không có sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng. Vị trí của người vợ trong quan hệ gia đình, xã hội và pháp luật chỉ được đặt ở hàng thứ yếu theo thuyết Tam tòng của Nho giáo. Trong quan hệ thừa kế di sản, quyền bình đẳng về thừa kế không được bảo đảm. Người vợ không có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của riêng mình nếu không được chồng cho phép. Khi người vợ chết, người chồng được thừa nhận là chủ sở hữu duy nhất đối với toàn bộ tài sản riêng của vợ. Ngược lại, nếu người chồng chết trước thì người vợ chỉ có quyền hưởng dụng tài sản riêng của bản thân. Gia đình và dòng họ của người chồng vẫn là cơ sở chính để xác định diện thừa kế, còn quan hệ hôn nhân chỉ được coi là thứ yếu. Do coi trọng quan hệ huyết thống, pháp luật thừa kế thời thực dân, phong kiến chỉ chú ý đến quyền bình đẳng của các con trong việc hưởng di sản thừa kế của cha, mẹ.
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề "Nghĩa" trong quan hệ thừa kế giữa vợ và chồng được pháp luật của Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Vị trí của người vợ góa được đặt ngang hàng và được coi trọng ngang bằng với những người có quan hệ huyết thống với người chồng đã chết. Pháp luật xác định quan hệ hôn nhân là một trong ba mối quan hệ để xác định diện thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự hiện hành. Theo quy định, diện những người thừa kế theo quan hệ hôn nhân được xếp ở hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản bên cạnh quan hệ huyết thống.
Như vậy, truyền thống gia đình Việt Nam, vấn đề "hiếu", "nghĩa" trong thực tế đời sống xã hội được pháp luật hiện hành quan tâm và coi trọng. Đây được xem là một trong những cơ sở quan trọng để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật nhằm củng cố quan hệ gia đình, quan hệ hôn nhân và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình. Quyền thừa kế di sản của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là cha, mẹ, vợ, chồng, các con của người để lại di sản luôn được pháp luật thừa kế của nước
ta quy định đó là một trong những nguyên tắc pháp luật nhằm củng cố quan hệ tài sản giữa những người có quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật.