Thừa kế theo quan hệ huyết thống

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận, xã hội và những vấn đề thực tế để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 (Trang 51)

Phạm vi những người được thừa kế theo pháp luật được xác định dựa trên các mối quan hệ giữa người để lại di sản với người thừa kế, trong đó quan hệ huyết thống là một trong những cơ sở quan trọng để xác lập quan hệ thừa kế.

Quan hệ huyết thống là quan hệ giữa người nọ sinh ra người kia theo quan hệ huyết thống trực hệ và giữa những người do một người sinh ra là quan hệ huyết thống bàng hệ (anh, chị, em ruột).

Quy định quan hệ huyết thống là cơ sở để xác định diện thừa kế theo pháp luật được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Đối với người Việt Nam,

việc phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ tổ tiên vốn rất được coi trọng và là nghĩa vụ thiêng liêng đối với con cháu. Vì vậy, pháp luật nước ta từ thời kỳ phong kiến đến nay đều quy định quan hệ huyết thống là cơ sở để xác định diện thừa kế theo pháp luật.

Quan hệ huyết thống bao gồm những người có quan hệ huyết thống trực hệ bề trên (các cụ, ông, bà, cha mẹ đẻ); quan hệ huyết thống trực hệ bề dưới (con, cháu, chắt); quan hệ huyết thống bàng hệ (các anh, chị, em).

Mối quan hệ giữa cha mẹ đẻ, con đẻ

Từ trước đến nay, pháp luật đều quy định con cái được thừa kế tài sản của cha mẹ. Theo pháp luật phong kiến, các con thuộc thứ tự ưu tiên hưởng di sản của cha mẹ để lại. Tuy nhiên, có sự phân biệt giới tính giữa con trai và con gái, giữa con vợ cả và con vợ lẽ (pháp luật nhà Lê). Đồng thời, pháp luật phong kiến cũng phân biệt con trong giá thú và con ngoài giá thú. Con ngoài giá thú là thuật ngữ chỉ người con sinh ra không phải từ hôn nhân chính thức và không được người cha thừa nhận. Vì thế, con ngoài giá thú hưởng kỷ phần ít hơn con chính thức (con chung). Tuy nhiên, đến pháp luật thực định, quyền thừa kế theo pháp luật của con không còn phụ thuộc vào hình thức hôn nhân của cha, mẹ đẻ. Các con đẻ của người để lại di sản, không phân biệt con trai hay con gái, con trong giá thú hay ngoài giá thú, có năng lực hay không có năng lực hành vi dân sự đều thuộc diện thừa kế của cha mẹ bởi giữa họ có mối quan hệ huyết thống. Theo Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì con cái thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cha mẹ mà không loại trừ con trong giá thú hay ngoài giá thú. Quy định này là phù hợp với đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như quan niệm hiện đại về quyền con người và trẻ em.

Quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành đã thể hiện sự tiến bộ khi khắc phục những hạn chế của pháp luật dân sự trước đây trong việc xác định diện thừa kế dựa trên mối quan hệ huyết thống. Tuy nhiên, thực tế

việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp con ngoài giá thú là điều đáng lưu tâm hiện nay. Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, việc xác định cha, mẹ, con được quy định cụ thể (từ Điều 63 đến Điều 66). Tuy vậy, pháp luật về hôn nhân gia đình chưa có quy định cụ thể về các chứng cứ, cơ sở chứng minh trong các trường hợp truy nhận con. Đây là hạn chế dẫn đến khó khăn trong quá trình giải quyết.

Về vấn đề này, Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp quy định: "Quan hệ giữa cha, mẹ, con chính thức được chứng minh bằng chứng thư khai sinh đăng ký vào sổ hộ tịch" (Điều 319). "Nếu không có chứng thư khai sinh, nhưng thực tế vẫn có quan hệ chính thức thì cũng đủ để chứng minh giữa cha, mẹ, con cái" (Điều 320). "Tuy nhiên, nếu viện dẫn được rằng có sự đánh tráo hoặc thay thế đứa trẻ, dù vô tình trước hoặc sau khi lập chứng thư khai sinh thì có thể đưa ra chứng cứ bằng mọi cách và chứng cứ có thể được chấp nhận" (Điều 322). "Nếu không có tất cả những chứng cứ trên thì chứng cứ về quan hệ cha, mẹ, con cái chỉ có thể được xác lập bằng nhân chứng" (Điều 322).

Như vậy, để xác định con, cha mẹ cần phải cung cấp những chứng cứ hợp pháp như giấy khai sinh, nếu không có giấy tờ pháp lý có liên quan thì có thể xác lập thông qua nhân chứng hay xét nghiệm gien. Đây là cơ sở quan trọng để có thể xác định trên thực tế diện thừa kế di sản giữa cha mẹ và con theo quy định của pháp luật.

Mối quan hệ giữa các cụ, ông, bà với các cháu, chắt

Theo Bộ luật Dân sự năm 1995, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của người chết; cụ nội, cụ ngoại của người chết được hưởng thừa kế của cháu, chắt nhưng cháu, chắt không phải là người thừa kế theo pháp luật của họ. Quy định này đi ngược với thứ tự ưu tiên hưởng thừa kế theo quan hệ huyết thống xuôi của cháu, chắt. Cháu, chắt không được hưởng di sản của ông, bà, các cụ là không hợp lý. Vì vậy, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã có sự sửa đổi và bổ

sung tại Điều 676. Ngoài ra, nếu cha, mẹ của cháu, chắt chết trước hoặc cùng thời điểm với ông, bà, các cụ thì cháu, chắt được hưởng thừa kế thế vị tại Điều 677 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Mối quan hệ giữa những người thân thuộc bàng hệ

- Mối quan hệ giữa anh, chị, em và con của anh, chị, em

Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Anh, chị, em ruột là những người thuộc hàng thừa kế thứ hai của nhau cùng với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của người chết. Ngoài ra, pháp luật quy định con của anh, chị, em được xếp vào hàng thứ ba bên cạnh cụ nội, cụ ngoại. Việc quy định con của anh, chị, em ruột của người chết gọi người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột được thừa kế là hợp với đạo lý.

- Mối quan hệ giữa những người thân thuộc bàng hệ khác

Ngoài anh, chị, em và con của anh, chị, em ruột, pháp luật hiện hành chỉ thừa nhận những người mà người chết gọi cô ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, dì ruột là người thừa kế bàng hệ và được xếp vào hàng thừa kế thứ ba (Điểm c Khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005). Họ được hưởng di sản cùng với cụ nội, cụ ngoại của người chết, con của anh, chị, em của người chết.

Nhìn chung, diện thừa kế theo quan hệ huyết thống quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005 đã có sự mở rộng và bổ sung xuất phát từ bản chất của pháp luật thừa kế là nhằm để bảo vệ lợi ích của các con, các cháu trong gia đình, dòng tộc, theo truyền thống đời trước để lại di sản cho đời sau. Thừa kế theo quan hệ huyết thống trong Bộ luật Dân sự năm 2005 đã góp phần củng cố tài sản của dòng tộc và tài sản của gia đình truyền thống ăn chung, ở chung theo cơ cấu gia đình hạt nhân gồm nhiều thế hệ, bề bậc khác nhau theo quan hệ tam đại đồng đường, tam đại đồng cư, tứ đại đồng đường, tứ đại đồng cư.

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận, xã hội và những vấn đề thực tế để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 (Trang 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)