Cùng với diện thừa kế, hàng thừa kế trong thời kỳ này cũng có sự bất bình đẳng trong việc sắp xếp thứ tự được hưởng thừa kế.
Trong thời kỳ thực dân phong kiến, vị trí của người vợ không được xem trọng và bị đẩy xuống hàng thứ yếu nên không có sự bình đẳng giữa vợ và chồng trong quan hệ hôn nhân. Tư tưởng duy trì và bảo vệ sự tồn tại của gia đình, dòng tộc được đặt lên hàng đầu nên chế định thừa kế luôn bảo vệ quyền hưởng di sản của những người trong quan hệ huyết thống nội tộc. Do vậy, thứ tự ưu tiên hưởng di sản được quy định như sau:
Thứ tự thứ nhất: Các con (con đẻ, con nuôi, con vợ cả, con vợ lẽ). Các
con bao giờ cũng được thừa kế đầu tiên, nêu không còn con thì cháu của người để lại di sản mới được hưởng di sản của ông bà.
Thứ tự thứ hai: Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của người để lại di
sản (trong trường hợp không còn con, cháu).
Thứ tự thứ ba: Ông nội, bà nội. Nếu ông, bà nội không còn thì các cụ
nội của người để lại di sản được hưởng.
Thứ tự thứ tư: Anh, chị, em ruột. Nếu anh, chị, em ruột chết trước thì
con của anh, chị, em ruột được hưởng và cháu của anh, chị, em ruột sẽ được hưởng di sản nếu con của anh, chị, em ruột cũng đã chết.
Thứ tự thứ năm: Những người bên họ ngoại của người để lại di sản chỉ
được hưởng sau khi đã xác định bên họ nội không còn ai thừa kế hoặc có nhưng đều là người bị coi là không xứng đáng được hưởng di sản.
Với những người được chỉ định thừa kế theo hàng như trên, ta thấy không có sự hiện diện của người vợ hoặc chồng khi một bên chết trước. Theo quy định của pháp luật thì người vợ góa chỉ là người thừa kế cuối cùng của người chồng khi không còn thân thuộc nào khác bên họ nội của người chồng.
Như vậy, dưới thời chế độ thực dân - phong kiến trước năm 1945 ở nước ta, những quy định thừa kế theo pháp luật, diện và hàng thừa kế tuy đã được ghi nhận khá cụ thể trong các Bộ luật, song do bản chất giai cấp nên những vấn đề về bình đẳng trong quan hệ thừa kế chưa được giải quyết, đặc
biệt là quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa nam và nữ trong gia đình, dòng tộc.