định của pháp luật còn thiếu hoặc không rõ ràng
- Quyền thừa kế cho người được sinh ra theo phương pháp khoa học hiện đại.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội, một số vấn đề mới nảy sinh nhưng pháp luật hiện hành chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh kịp thời, trong đó có việc xác định quyền thừa kế cho người được sinh ra theo phương pháp khoa học hiện đại. Đây cũng là vấn đề xảy ra khá nhiều trong quá trình giải quyết về thừa kế của cơ quan xét xử.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cha mẹ đẻ và con đẻ được thừa kế theo pháp luật của nhau. Tuy nhiên, ngày nay, khi nền y học phát
triển vượt bậc, ngày càng có nhiều người mong muốn được sinh con theo phương pháp khoa học hiện đại như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm… Thực tế có những đứa trẻ ra đời theo phương pháp này nhưng không được sự đồng thuận của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (người vợ tự ý nhờ thụ tinh nhân tạo mà người chồng không biết hoặc thụ thai sau khi chồng đã chết do giữ lại tinh trùng của chồng trong ngân hàng tinh trùng...). Tuy vậy, vấn đề này pháp luật dân sự chưa có quy định cụ thể khiến Tòa án gặp nhiều lúng túng khi giải quyết tranh chấp về thừa kế có liên quan. Điều đó đặt ra yêu cầu cần có khung pháp lý cho việc xác định cha mẹ cho con sinh ra theo phương pháp khoa học hiện đại nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
- Thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế.
Điều 679 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này".
Giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế không có quan hệ huyết thống, do đó căn cứ để hưởng thừa kế là quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng như cha mẹ, con.
Như vậy, theo tinh thần Điều 679 thì tiêu chí để xác định con riêng với bố dượng, mẹ kế có được hưởng thừa kế của nhau hay không là dựa trên quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau. Nếu hai phía không có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau thì không được thừa kế của nhau. Tuy nhiên, quan hệ "chăm sóc, nuôi dưỡng" là một thuật ngữ rất chung chung, khó xác định cụ thể, đặc biệt là quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con. Các tiêu chí để xác định thế nào là quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế cũng như những căn cứ đánh giá thời gian nuôi dưỡng, mức độ nuôi dưỡng, chăm sóc như thế nào đều không được quy định cụ thể.
Trên thực tế, tuy không cùng chung sống với nhau nhưng một trong hai bên vẫn có hoạt động nuôi dưỡng với sự quan tâm và yêu thương thật sự, hoặc tuy không có hoạt động nuôi dưỡng, chỉ có sự quan tâm, chăm sóc thường xuyên về tinh thần nhưng mối quan hệ đó rất gần gũi, sâu nặng. Trong trường hợp này thì việc xác định giữa họ có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con không thường chỉ mang tính chủ quan, cảm tính.
Như vậy, quy định thiếu cụ thể tại Điều 679 Bộ luật Dân sự năm 2005 đã gây rất nhiều khó khăn và vướng mắc trong quá trình xét xử của Tòa án.