- Hoạt động Đoàn tạo điều kiện để các em rèn luyện trưởng thành và hoàn thiện nhân cách của mình.
3.2.4. Phát huy vai trò tự quản của học sinh trong xây dựng tập thể học sinh
Đặc trưng công tác xây dựng tập thể học sinh là vai trò tự quản, vậy biện pháp hàng đầu chính là vấn đề tự quản, đây vừa là mục đích vừa là phương tiện của quản lý xây dựng tập thể.
3.2.4.1. Mục tiêu của biện pháp
- Hình thành kỹ năng và thói quen tự quản cho tập thể học sinh trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức theo dõi, kiểm tra đánh giá, giúp học sinh tự tổ
chức một số hoạt động tập thể. Tạo tinh thần tự rèn luyện, mạnh dạn, ý thức làm chủ ở mỗi học sinh.
- Nòng cốt của tập thể học sinh tự quản là đội ngũ cán bộ lớp có khả năng tự điều hành các hoạt động của tập thể mình, do vậy mục tiêu của biện pháp này còn bao gồm việc hình thành ở đội ngũ cán bộ học sinh những kỹ năng cơ bản như: kỹ năng nhận nhiệm vụ và lập kế hoạch hoạt động; kỹ năng điều khiển tập thể lớp thực hiện kế hoạch đó; kỹ năng đánh giá kết quả hoạt động và rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn.
3.2.4.2. Nội dung, cách thức thực hiện
Nội dung quản lý hoạt động tự quản của học sinh bao gồm :
- Xác định cho học sinh thấy được tầm quan trọng của hoạt động tự quản Ngay đầu năm học, nhà trường phối hợp với Đoàn trường mở lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tự quản cho cán bộ lớp về một số nội dung cơ bản: nhiệm vụ của lớp, tiêu chuẩn đánh giá của lớp, các loại sổ sách, các mẫu báo cáo, cách tổ chức một cuộc họp lớp, tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp... Chú ý bồi dưỡng cả phương pháp tự theo dõi, tự đánh giá, tự phê bình của cá nhân trong tập thể.
- Xây dựng nội quy nhà trường và lớp học, phổ biến và tổ chức học tập nội quy đến từng lớp học sinh.
- Lựa chọn các hạt nhân để xây dựng đội ngũ cán bộ tự quản.
Để phát huy tốt vai trò tự quản của tập thể học sinh, trước hết phải lựa chọn một đội ngũ cán bộ lớp có đủ uy tín và năng lực điều khiển lớp. GVCN có thể căn cứ vào hồ sơ học bạ học sinh, căn cứ vào sự tìm hiểu học sinh, thứ hai là căn cứ vào sự tín nhiệm của tập thể lớp qua việc bình bầu dân chủ đầu mỗi năm học. Ngay cả việc bình bầu này cũng rất cần sự định hướng của GVCN. Trên cơ sở sự quan sát, tìm hiểu học sinh, người chủ nhiệm cần biến ý định của mình thành quyết định dân chủ của tập thể học sinh bằng việc xác định những tiêu chuẩn lựa chọn và mục tiêu nội dung hoạt động của tập thể lớp để chọn được người gánh vác công việc của tập thể.
- Bồi dưỡng năng lực hoạt động tự quản cho đội ngũ cán bộ lớp thông qua cố vấn Đoàn trường và GVCN.
Việc tự quản của học sinh có hiệu quả hay không phụ thuộc vào vai trò của GVCN. GVCN phải tổ chức huấn luyện cho đội ngũ cán bộ lớp, GVCN tập hợp đội ngũ cán bộ lớp, cán bộ tổ, nêu rõ mục đích của việc huấn luyện là nhằm bồi dưỡng cho các em những hiểu biết về ý nghĩa và tác dụng của việc xây dựng tập thể lớp vững mạnh, về vai trò và nhiệm vụ của cán bộ lớp trong việc xây dựng tập thể lớp, về mối quan hệ công tác giữa các cán bộ lớp với nhau.
Đồng thời GVCN giao nhiệm vụ cho từng loại cán bộ lớp, yêu cầu các em ghi nhiệm vụ của mình vào sổ công tác để ghi nhớ và thực hiện. GVCN kết hợp với Đoàn trường thường xuyên bồi dưỡng học sinh phương pháp tự đánh giá, nhận xét các hoạt động của lớp, hướng dẫn các em lập kế hoạch, xây dựng biểu mẫu các loại hồ sơ sổ sách, hướng dẫn điều khiển các cuộc họp, các sinh hoạt ngoài giờ, cách làm báo cáo…
- Không chỉ dừng ở việc huấn luyện cho đội ngũ cán bộ lớp, GVCN còn cần phải tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng cho toàn lớp về những nội dung xây dựng tập thể lớp tự quản. Việc này có thể được tiến hành trong suốt năm học, song nên tập trung vào một vài thời điểm cần thiết: đầu năm học, đầu học kỳ II. Những nội dung cần huấn luyện cho tập thể lớp là: thế nào là một tập thể lớp tự quản; vai trò của đội ngũ cán bộ lớp trong quá trình xây dựng lớp tự quản; tự quản giờ học vắng giáo viên; tự quản giờ truy bài; tự quản giờ trên lớp; tự quản giờ sinh hoạt tập thể hằng tuần; tự quản các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Trong hoạt động tự quản, vai trò của lớp trưởng, bí thư - những “thủ lĩnh” trong tập thể là rất quan trọng. Lớp có ý thức tự quản cao là do thủ lĩnh có tài tổ chức, những cán bộ chủ chốt của lớp nhiệt tình và năng động sẽ là yếu tố quan trọng để lôi cuốn tập thể lớp.
Để phát huy vai trò tự quản của học sinh, hiệu trưởng chỉ đạo GVCN và phối hợp với lực lượng Đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động thực tế để học
sinh được rèn luyện các kỹ năng tự quản. Các hoạt động này nên tổ chức theo phương châm “thầy lui dần về hậu trường” để “trò tự quản lý và điều khiển”. Ban đầu GVCN có thể tham gia trực tiếp vào việc xây dựng kế hoạch hoạt động, hướng dẫn học sinh chuẩn bị hoạt động, điều khiển học sinh tham gia hoạt động và đánh giá kết quả cuối cùng. Sau đó, GVCN giao dần cho đội ngũ cán bộ lớp tự tổ chức và điều khiển các hoạt động của lớp, giáo viên chỉ giúp đỡ với tư cách người cố vấn và điều chỉnh các em cho đúng hướng.
Hiệu trưởng cho thành lập Ban công tác học sinh (trưởng ban là hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng, Bí thư Đoàn trường, các tổ trưởng chủ nhiệm).
Hiệu trưởng giao cho Ban công tác học sinh và Đoàn trường thành lập các nhóm hoạt động của học sinh tự quản (Nhóm văn nghệ, nhóm cờ đỏ, nhóm công tác xã hội, nhóm cán sự môn học…)