- Hoạt động Đoàn tạo điều kiện để các em rèn luyện trưởng thành và hoàn thiện nhân cách của mình.
3.2.2. Kế hoạch hoá và xây dựngcác chương trình quản lý công tác xây dựng tập thể học sinh
dựng tập thể học sinh
Thực tế cho thấy có những chủ thể quản lý thực hiện công việc theo kinh nghiệm, theo thói quen mà không có kế hoạch rõ ràng dẫn đến hiệu quả công việc thấp, mặt khác làm như vậy trái với lý luận quản lý (kế hoạch hoá là khâu đầu tiên trong chu trình quản lý). Chính vì vậy cần đề cao việc lập kế hoạch để quản lý có hiệu quả, đúng chu trình.
3.2.2.1. Mục tiêu của biện pháp
Mục tiêu của việc kế hoạch hoá công tác xây dựng tập thể học sinh là thực hiện tốt chức năng kế hoạch hoá trong quá trình thực hiện các tác động quản lý làm cho nội dung và cách thực hiện có tính khả thi và hiệu quả nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra trong công tác xây dựng tập thể học sinh.
3.2.2.2. Nội dung, cách thức thực hiện
- Nghiên cứu, điều tra thực trạng tập thể học sinh (tập thể toàn trường, tập thể lớp học) trong nhà trường, chú ý những vấn đề tồn tại, từ đó xác định mục tiêu (mục tiêu lâu dài, mục tiêu trước mắt) của công tác xây dựng tập thể học sinh và quản lý công tác xây dựng tập thể học sinh.
- Nghiên cứu nắm vững các chủ trương, các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác quản lý học sinh.
Trên cơ sở đó, Hiệu trưởng trực tiếp xây dựng Đề cương kế hoạch quản lý công tác xây dựng tập thể học sinh của nhà trường. Trong kế hoạch cần chỉ ra thành phần của Ban chỉ đạo công tác xây dựng tập thể học sinh, nêu rõ các mục tiêu của công tác quản lý xây dựng tập thể học sinh và cụ thể hoá thành các chỉ tiêu định lượng, trong kế hoạch thể hiện được các biện pháp tiến hành, dự kiến phân công các lực lượng tham gia, cách thức thời gian triển khai và dự kiến thời gian hoàn thành các công việc, dự kiến một số tình huống phát sinh và cách xử lý…Muốn đạt được hiệu quả thiết thực, nhà trường phải có kế hoạch lâu dài, kế hoạch cho từng năm, cho học kỳ, cho từng tháng và kế hoạch cho mỗi hoạt động cụ thể.
Có nhiều loại kế hoạch quản lý công tác xây dựng tập thể học sinh: + Kế hoạch của Hiệu trưởng (kế hoạch dài hạn, kế hoạch năm học, kế hoạch phối hợp với Đoàn trường). Nội dung quản lý xây dựng tập thể học sinh được tích hợp trong kế hoạch tổng thể.
+ Kế hoạch của GVCN (kế hoạch năm học, kế hoạch học kỳ, kế hoạch tháng, tuần, kế hoạch từng hoạt động tập thể). Nội dung xây dựng tập thể học sinh được thiết kế độc lập (một chủ đề) và được tích hợp trong kế hoạch tổng hợp.
+ Kế hoạch riêng cho mỗi hoạt động theo chủ đề xây dựng tập thể học sịn, cụ thể hoá việc triển khai thực hiện một số mục tiêu quan trọng trong kế hoạch năm về quản lý công tác xây dựng tập thể học sinh.
Các kế hoạch này phải được thể hiện bằng các chương trình công tác tương ứng. Từ việc xác định mục tiêu và kế hoạch quản lý công tác xây dựng tập thể học sinh trong nhà truờng, Hiệu trưởng thông qua ban chỉ đạo công tác xây dựng tập thể học sinh xây dựng các Chương trình xây dựng tập thể học sinh của nhà trường:
+ Chương trình xây dựng tập thể học sinh thông qua hoạt động chủ nhiệm; + Chương trình xây dựng tập thể học sinh thông qua hoạt động của Đoàn thanh niên, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; thông qua các hoạt động chung và thông qua hoạt động giảng dạy của giáo viên bộ môn.
Để quản lý công tác xây dựng tập thể học sinh có tính khả thi cao, khi lên kế hoạch, hiệu trưởng cần nắm vững thực trạng của công tác này cũng như các yếu tố đang chi phối đến tập thể học sinh toàn trường và tập thể học sinh lớp học, cũng như cần phải nắm được các yếu tố chủ quan và khách quan tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ của nhà trường.
Các kế hoạch, chương trình xây dựng tập thể học sinh cần cụ thể, phù hợp với chức năng, thế mạnh từng bộ phận, từng thành viên trong tổ chức, đặc biệt phải phù hợp với thực tiễn nhà trường. Kế hoạch này nên được lồng ghép và thống nhất với kế hoạch chung, nhưng cần làm rõ và có sự ưu tiên đầu tư công sức và sự phân phối các nguồn lực.
Các kế hoạch cần đảm bảo tính pháp chế, tính khoa học, tính thực tiễn, tính dân chủ và phát huy vai trò các chủ thể. Việc xây dựng các kế hoạch cần lấy ý kiến của các phó hiệu trưởng, của Hội đồng tư vấn, sau đó hoàn chỉnh và thông qua kế hoạch.
Từ kế hoạch chung của nhà trường hướng dẫn các bộ phận tự lên kế hoạch cho bộ phận mình. Kế hoạch càng cụ thể thì càng thuận lợi cho việc tổ chức. Cần chú ý sự thống nhất trong kế hoạch của từng bộ phận với kế hoạch chung.
Sau mỗi lần thực hiện kế hoạch, hiệu trưởng nhất thiết tổ chức sơ kết, họp rút kinh nghiệm, đánh giá mặt mạnh, mặt yếu, biểu dương ghi nhận các bộ phận, cá nhân thực hiện tốt đồng thời chỉ ra những tồn tại để tránh lặp lại trong những tổ chức hoạt động tiếp theo, và để điều chỉnh kịp thời về hướng đi, về cách làm.
Trong các kế hoạch xây dựng tập thể học sinh cần tập trung vào các mục tiêu trọng tâm, từ đó mà cần lựa chọn một số nội dung trọng điểm, để tập trung chỉ đạo thực thi có hiệu quả rõ rệt.
Trong việc xây dựng kế hoạch cần phải chú ý đến nguồn lực để thực hiện kế hoạch. Cần chú ý phối hợp với cả nguồn lực bên ngoài, tuy nhiên, nguồn lực bên trong có tính chất quyết định, quan trọng nhất là hiệu trưởng nhìn nhận để giao đúng người, đúng việc, chỉ đạo đội ngũ phải nắm chắc mục tiêu, nắm được đối tượng học sinh và tích cực với công việc được giao.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch thường xuyên theo dõi và phát hiện các vấn đề nảy sinh và có hướng điều chỉnh cho thích hợp. Kết hợp theo dõi, đôn đốc với kiểm tra, đánh giá mức độ và kết quả theo từng hoạt động, theo tháng hoặc theo đợt thi đua.
Có thể khẳng định rằng, nếu hiệu trưởng có ý thức chỉ đạo việc xác lập các kế hoạch xây dựng tập thể học sinh thì không chỉ thuận lợi cho việc triển khai công tác một cách khoa học mà việc có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, thể hiện được lộ trình công tác còn mang tính quyết định đến hiệu quả của công tác này. Đây cũng là vấn đề rất khó cho các hiệu trưởng khi một năm học có rất nhiều loại kế hoạch, nhiều mảng công việc cần phải có kế hoạch.