- Hoạt động Đoàn tạo điều kiện để các em rèn luyện trưởng thành và hoàn thiện nhân cách của mình.
3.2.3. Tạo lập mạng lưới giáo viên chủ nhiệm lớp hiệu quả
Việc tạo lập mạng lưới giáo viên chủ nhiệm là rất cần thiết trong quản lý công tác xây dựng tập thể học sinh.Tất nhiên, trong nhà trường, việc quản lý và xây dựng tập thể học sinh không phải chỉ của riêng đội ngũ GVCN, song như
đã trình bày, GVCN có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng tập thể lớp học sinh, tế bào của tập thể toàn trường (xem mục 1.3.2.2), vì thế nên việc tạo lập mạng lưới GVCN là rất cần thiết.
3.2.3.1. Mục tiêu của biện pháp
- Tạo lập một mạng lưới GVCN có phẩm chất tốt, có năng lực chuyên môn, có nghiệp vụ sư phạm tốt và tâm huyết yêu thương học sinh, đặc biệt có năng lực tổ chức các hoạt động tập thể nhằm thực hiện tốt các mục tiêu quản lý xây dựng tập thể học sinh.
- Bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ sư phạm, lý luận về công tác GVCN
- Việc quan trọng nhất của mạng lưới này là lựa chọn, sắp xếp phân công hợp lý, lựa chọn trong số nhiều giáo viên một đội ngũ giáo viên có tâm, biết việc, có uy tín chuyên môn tham gia công tác chủ nhiệm lớp.
- Hiệu trưởng thông qua đội ngũ GVCN này chỉ đạo công tác xây dựng tập thể học sinh một cách hiệu quả.
3.2.3.2. Nội dung, cách thức thực hiện
- Trước hết phải rà soát trong đội ngũ, lựa chọn giáo viên theo tiêu chuẩn nhất định để giao việc làm công tác chủ nhiệm. Giáo viên dạy giỏi (chuyên môn vững vàng) là một tiêu chuẩn cần thiết để tạo lập uy tín với học sinh và phụ huynh học sinh song cũng chưa phải là tiêu chuẩn quyết định, người dạy giỏi và người chủ nhiệm giỏi không nhất thiết là một. Như một “hiệu trưởng nhỏ” trong lớp học nên người GVCN phải là người nghiêm túc và cần một bộ óc kế hoạch hoá, giáo viên được lựa chọn làm công tác chủ nhiệm lớp phải là người có sự nhiệt tình, sâu sát, trí nhớ tốt, quan sát tinh, tâm lý giỏi, có khả năng xây dựng đội ngũ cán bộ học sinh, và cũng sẽ rất quý nếu chúng ta chọn được những giáo viên có thêm phẩm chất là quảng giao trong quan hệ.
Trong khâu rà soát, lựa chọn này chú ý không nên giao việc chủ nhiệm lớp cho những giáo viên quá nguyên tắc, cứng nhắc, bởi đối tượng quản lý trường học, lớp học là con người phải giáo hoá do đó không thể có một chương trình cài đặt sẵn, nếu người chủ nhiệm không linh hoạt thì hiệu quả giáo dục nói chung và công tác xây dựng tập thể học sinh cũng không hiệu quả. Cũng nên hết sức tránh một quan điểm sai lầm trong phân công chủ nhiệm đó là chọn những giáo viên có ít giờ dạy (dạy chưa đủ số lượng giờ tối đa quy định) làm công tác chủ nhiệm không cần xem xét đến các tiêu chuẩn, các tố chất của người đó có phù hợp để làm công tác này hay không.
- Sau khi đã rà soát cũng nên mạnh dạn thay đổi điều chỉnh cho phù hợp, nếu trong quá trình thực hiện của GVCN có những ý kiến, dư luận, hoặc hiệu quả công tác thấp, công tác xây dựng tập thể học sinh của lớp không có những biến chuyển tích cực, hiệu trưởng đưa ra quyết định phù hợp với mục đích cao nhất là xây dựng được những tập thể lớp học sinh tốt, đồng thời phát huy được khả năng của mỗi giáo viên được phân công làm chủ nhiệm lớp. Mỗi thay đổi là một sự va chạm đến quyền lợi của giáo viên, vì vậy công việc này đòi hỏi người hiệu trưởng cần phải có sự tập hợp những cơ sở vững chắc để ra quyết định có lý có tình để tạo một sự đồng thuận cao trong tập thể.
- Bồi dưỡng cho đội ngũ:
+ Bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho đội ngũ GVCN, đặc biệt nhấn mạnh cho họ thấy được vai trò quan trọng của chính họ trong công tác xây dựng tập thể học sinh (xem mục 3.2.1.2)
+ Bồi dưỡng về kỹ năng lập kế hoạch, cách ghi chép các loại hồ sơ, cách đánh giá học sinh…thông qua các hội nghị GVCN hoặc qua các văn bản hướng dẫn của nhà trường.
+ Bồi dưỡng kỹ năng tổ chức hoạt động cho chủ nhiệm thông qua việc tổ chức các hoạt động điểm rút kinh nghiệm, thông qua trao đổi giữa các nhóm chủ nhiệm của các khối.
+ Bồi dưỡng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ học sinh thông qua sinh hoạt chuyên đề.
- Tổ chức cho giáo viên chủ nhiệm sinh hoạt theo khối lớp, cử mỗi khối có một tổ trưởng chủ nhiệm. Các tổ chủ nhiệm sinh hoạt thường kỳ kết hợp với sinh hoạt chuyên môn. Để sinh hoạt có hiệu quả, trong mỗi buổi sinh hoạt nhất thiết phải có nội dung cụ thể, có người điều hành, có biên bản ghi chép.
- Tổ chức cho các GVCN tham quan, học hỏi các đơn vị làm tốt công tác xây dựng tập thể học sinh.
- Có thể cử thêm các phó chủ nhiệm hỗ trợ cho các lớp. Cần lưu ý rằng, các phó chủ nhiệm chưa có chế độ gì, vì vậy có thể chọn các phó chủ nhiệm là các đoàn viên trẻ trong chi đoàn giáo viên, đặc biệt hỗ trợ về các hoạt động tập thể cho các lớp.
- Về phía nhà trường, nên cử cán bộ quản lý (phó hiệu trưởng) phụ trách mảng GVCN, có kế hoạch công tác GVCN, tổ chức theo dõi kiểm tra điều chỉnh các hoạt động, đưa ra những quy định cụ thể về việc phối hợp hoạt động giữa GVCN với các lực lượng giáo dục khác…
- Một việc rất quan trọng để khích lệ động viên ghi nhận cũng như đánh giá mức độ thực hiện các công việc của GVCN là đưa nội dung đánh giá GVCN vào thành một tiêu chí đánh giá thi đua giáo viên.
- Tổ chức hội nghị biểu dương GVCN làm tốt công tác xây dựng tập thể học sinh (theo năm học), có thể tổ chức tuyên dương trong dịp kỷ niệm 20/11.